Căng thẳng giữa ĐH Harvard và Nhà Trắng: Nhìn lại từng diễn biến
(Dân trí) - Hãy cùng nhìn lại chuỗi động thái căng thẳng giữa Nhà Trắng và Đại học Harvard - trường đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ qua từng diễn biến.
Trong năm 2023, Đại học Harvard là một trong những trường đại học từng bị Chính phủ Mỹ đánh giá là hành động không đủ mạnh mẽ, để chống lại những động thái quá khích của một số sinh viên có quan điểm "cực đoan".
Tháng 2 năm nay, chỉ vài tuần sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhóm công tác đặc biệt do chính quyền liên bang thành lập thực hiện việc thanh tra 10 trường đại học của Mỹ, bao gồm cả Đại học Harvard.
Mục tiêu là để xóa bỏ tình trạng rối loạn trong môi trường giáo dục tại Mỹ do một số nhóm sinh viên theo đuổi các hoạt động xã hội gây nên.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ráo riết làm việc với các trường đại học tại Mỹ (Ảnh: CNBC).
Động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh các trường đại học tại Mỹ đối mặt với áp lực lớn từ nhà chức trách, xung quanh hoạt động biểu tình của sinh viên, nhằm thể hiện quan điểm chính trị đối với một số vấn đề đang diễn ra trên thế giới.
Chính quyền của ông Donald Trump nhìn nhận những người tham gia biểu tình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền của ông Trump đang tiến hành quá trình trục xuất một số người biểu tình là người nước ngoài có quan điểm "cực đoan", trong số này, có cả những sinh viên đang du học tại Mỹ.
Hoạt động thu hồi visa đang diễn ra tại Mỹ. Theo tờ tin tức giáo dục Inside Higher Ed (Mỹ), tính tới ngày 16/4, đã có hơn 1.300 sinh viên người nước ngoài, tại hơn 210 trường đại học và cao đẳng của Mỹ, đã bị thu hồi visa.
Đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo 60 trường đại học của Mỹ về khả năng bị xử phạt, nếu không có những động thái quyết liệt trong việc kiểm soát lại trật tự trong môi trường giáo dục, chấm dứt các cuộc biểu tình, cũng như các hoạt động thể hiện quan điểm "cực đoan" trong các nhóm sinh viên.
Ngày 31/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ rà soát lại khoản tài trợ trị giá 9 tỷ USD dành cho Đại học Harvard, vì lý do trường này không xử lý hiệu quả tình trạng quá khích của một số nhóm sinh viên.
Ngày 3/4, Đại học Harvard nhận được thư yêu cầu phải loại bỏ một số chương trình mà trường đang tiến hành, đồng thời rà soát lại một số chương trình khác.
Ngoài ra, trường được yêu cầu hợp tác với nhà chức trách Mỹ để tuyển dụng, tuyển sinh dựa trên những định hướng mới. Lãnh đạo Đại học Harvard được cho là đã cố gắng thương thảo với chính quyền để tìm kiếm một thỏa thuận.

Hiện tại, các động thái trong quá trình làm việc giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại học Harvard khá căng thẳng (Ảnh minh họa: CNBC).
Ngày 11/4, Đại học Harvard nhận thêm một bức thư từ nhà chức trách Mỹ với hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt hơn, bao gồm việc cung cấp thông tin về một số sinh viên có liên quan đến những hoạt động "bất hợp pháp và có tính chất bạo lực", yêu cầu trường quyết liệt xử lý những sinh viên này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề quan điểm, tư tưởng trong quá trình tuyển sinh và tuyển dụng.
Ngày 14/4, Đại học Harvard công khai từ chối thực hiện toàn bộ các yêu cầu của chính quyền. Chủ tịch Đại học Harvard - ông Alan Garber - tuyên bố: "Một số yêu cầu của Chính phủ đang can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Đại học Harvard. Chúng tôi có quyền và có đủ năng lực để tự ra quyết định về việc dạy gì, nhận ai, tổ chức nghiên cứu ở những lĩnh vực nào".
Theo người phát ngôn của Đại học Harvard, động thái chính thức lên tiếng từ chối thực hiện các yêu cầu của Chính phủ Mỹ là để bảo vệ quyền đưa ra các quyết định độc lập của trường.
Chỉ vài giờ sau khi Đại học Harvard thông báo quyết định chính thức, nhà chức trách Mỹ lập tức đóng băng hơn 2 tỷ USD tài trợ cho Đại học Harvard, đe dọa tước quyền miễn thuế và cấm trường được nhận sinh viên quốc tế.
Ngày 17/4, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ tiếp tục gửi thư yêu cầu trường cung cấp hồ sơ liên quan đến một số sinh viên người nước ngoài, cũng như một số hoạt động bị cho là "bất hợp pháp và có tính chất bạo lực" của những sinh viên này.
Thư này cảnh báo rằng nếu Đại học Harvard không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ báo cáo với nhà chức trách, trường có thể mất quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Từng động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại học Harvard đều thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận quốc tế (Ảnh minh họa: CNBC).
Phát ngôn viên của Đại học Harvard cho biết trường "sẽ không từ bỏ quyền đưa ra các quyết định độc lập", đồng thời vẫn cam kết sẽ tuân thủ đúng theo quy định của luật pháp Mỹ.
Trước đó, Đại học Harvard đã tuyên bố nhà trường luôn nỗ lực chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử, đồng thời bảo vệ quyền tự do học thuật và biểu tình ôn hòa.
Ngày 21/4, tờ tin tức Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch cắt thêm 1 tỷ USD tiền tài trợ và tiền hợp đồng đã ký kết với Đại học Harvard.
Cùng ngày, Đại học Harvard thông báo đã nộp đơn kiện nhà chức trách, nhằm ngăn chặn lệnh đóng băng các khoản tiền tài trợ vốn được chính quyền liên bang dành cho trường.
Hiện tại, quỹ tài trợ của Đại học Harvard ở mức gần 52 tỷ USD, nhưng trường không thể chi tiêu tùy ý khoản tiền khổng lồ này. Quỹ tài trợ của trường hiện có khoảng 14.600 quỹ nhỏ, trong đó 80% quỹ bị giới hạn về mục đích sử dụng, như dùng để tài trợ học bổng, hỗ trợ trả lương cho giảng viên hay tài trợ nghiên cứu...
Ngay khi nhà chức trách Mỹ đe dọa cắt tài trợ dành cho trường và lần lượt đóng băng các nguồn tiền tài trợ, Đại học Harvard đã tiến hành rà soát kỹ ngân sách hoạt động.
Từ giữa tháng 3 vừa qua, trường đã bắt đầu thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", như tạm ngừng tuyển dụng và hạn chế nhận thêm nghiên cứu sinh, một số khoa đã bắt đầu cắt giảm nhân sự.