Cần tổ chức một nền giáo dục như thế nào?

(Dân trí) - Vấn đề thứ hai: Cần tổ chức một nền giáo dục như thế nào? Trước tiên phải xuất phát từ yêu cầu phát triển nhân cách, năng lực người học, tiếp đến là đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội, mà tổ chức nền giáo dục.

Ngày nay thế giới biến đổi với tốc độ rất nhanh, điều kiện và công việc hết sức đa dạng. Để sống và làm việc trong môi trường như vậy thì không phải học một lần là xong, rồi cứ thế làm việc mãi, mà đòi hỏi phải bổ sung kiến thức liên tục, phát triển năng lực thường xuyên, suốt đời. Đó là yêu cầu khách quan phải tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, hạn chế tối đa những biểu hiện hư học, bệnh hình thức, chuyển từ học một lần sang học suốt đời, không chỉ học ở trong trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, ra trường rồi vẫn tiếp tục “học nữa, học mãi” như cách nói của Lê-nin. 

TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)


Theo lý thuyết hệ thống, một hệ thống đóng, khép kín sẽ bị thoái hóa. Cần có một hệ thống mở để trao đổi thông tin liên tục với cuộc sống của thế giới chung quanh, để có sức sống, không ngừng hoàn thiện. Tổ chức của hệ thống giáo dục truyền thống thường bị “đóng khung” trong các khái niệm “cứng” về trường, lớp, chương trình, nội dung, thời gian học... Nay sẽ là một nền giáo dục “mở”, thuận tiện cho việc học tập suốt đời, với khái niệm không gian trường lớp “mở” và sự học không có điểm dừng; với chương trình và nội dung “mở”, có phần “cứng” bắt buộc và phần “mềm” tự chọn ngày một mở rộng hơn; với thời gian học có thể ngắn hơn (nếu giỏi) hoặc dài hơn (nếu kém), có thể học liên tục và có thể học gián đoạn từng phần theo học phần, tín chỉ tùy theo hoàn cảnh mỗi người; với việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ sở đào tạo và cấp bậc học một cách thuận tiện, liên thông; với cơ chế và phương pháp dân chủ đối với người học, giảng viên và tự chủ đối với cơ sở đào tạo; với sự đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo có chính quy và không chính quy, có tập trung, tại chức, có trực tiếp và từ xa, giáo dục thường xuyên và đào tạo liên tục; với sự đa dạng hóa về hình thức sở hữu (công lập, tư thục, dân lập và đa sở hữu).

Trước đây đã có trường dân lập, sau đó, nhiều nơi thực hiện cổ phần hóa để còn lại 2 loại hình là công lập và tư thục. Thực chất của việc cổ phần hóa kiểu này là tư nhân hóa các trường dân lập, biến các trường không vì lợi nhuận thành các trường hoạt động vì lợi nhuận. Chính C.Mác đã dự báo rằng, sở hữu xã hội sẽ ngày càng phát triển và việc đó dẫn đến quy luật tất yếu tiến lên CNXH. Hình thức dân lập là một loại sở hữu xã hội, cần được khuyến khích.  

Trong nền giáo dục mở ấy, vòng đời của sách giáo khoa cũng sẽ ngắn lại, vì phải cập nhật nhanh kiến thức mới; sẽ phát triển các hình thức giáo dục “điện tử”, với việc sử dụng phổ biến và chủ yếu sách giáo khoa điện tử (phù hợp việc cập nhật nhanh kiến thức mới); với việc dạy và học từ xa, qua mạng và các phương tiện truyền thông; với hệ thống thư viện điện tử và các trung tâm cung cấp kiến thức qua mạng rất nhiều ưu thế về phổ biến kiến thức; với việc quản lý công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho mọi người, cho xã hội tham gia giám sát và quản lý; công nghệ thông tin sẽ tham gia không chỉ truyền thụ kiến thức, đào tạo từ xa, mà còn tham gia công tác kiểm tra, thi cử, kiểm định...

Một câu hỏi đặt ra là công nghệ thông tin (CNTT) có thay thế người thầy được không? Câu trả lời là: không thể và có thể! Các phần về xây dựng nội dung thông tin, phương pháp tiếp cận, truyền cảm, đặc biệt là nêu tấm gương về nhân cách thì CNTT không thể thay thế được người thầy. Còn phần truyền thụ kiến thức, truyền bá thông tin thì CNTT có nhiều ưu thế hơn thầy. Tất nhiên, muốn truyền thụ, truyền bá thì trước đó phải xây dựng nội dung thông tin - là công việc không thể thay thế của người thầy. Nhưng nếu có một ông thầy giỏi cộng với CNTT thì có thể thay thế cho nhiều ông thầy không giỏi. Theo nghĩa đó, CNTT tạo điều kiện cho nhiều học sinh, ở nhiều nơi, có thể cùng tiếp xúc với ông thầy giỏi, để có chất lượng cao hơn và đồng đều hơn; tức là CNTT cũng là “người thầy” để giúp học sinh có thể tự học mọi lúc, mọi nơi. Cần chủ động sử dụng lợi thế của CNTT và cách tổ chức thông tin đi theo công nghệ ấy để đổi mới và phát triển giáo dục.

Cần tổ chức một nền giáo dục như thế nào?
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, cần chủ động sử dụng lợi thế của CNTT và cách tổ chức thông tin đi theo công nghệ ấy để đổi mới và phát triển giáo dục.

Với nền giáo dục mở, học tập suốt đời, việc rút ngắn (hợp lý) thời gian ngồi trên ghế nhà trường để sớm ra làm việc, qua thực tiễn mà tiếp tục việc học, cũng là cần thiết và có cơ sở khoa học. Phổ thông của chúng ta đang theo hệ 12 năm, đa số nước trên thế giới cũng theo hệ này, và cũng đã có mấy chục nước theo hệ 11 năm. Việt Nam ta rất đáng suy nghĩ về việc có thể theo hệ 11 năm. Thế giới dù thiểu số nhưng cũng có không ít nước theo hệ 11 năm. Việt Nam ta trong thực tiễn cách đây mấy chục năm cũng đã từng theo hệ 11 năm, và hầu hết các nhà khoa học danh tiếng ngày nay là từ hệ 11 năm ấy mà ra. Trước đây, ta quyết định chọn hệ 12 năm cũng như đa số nước trên thế giới là dựa vào cơ sở tâm sinh lý lứa tuổi 18. Tuy nhiên, sau mấy chục năm, ngày nay do xã hội thông tin và do sự phát triển của đời sống vật chất mà tâm sinh lý lứa tuổi đã phát triển sớm hơn trước một vài năm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, so với các nước phương Đông, chữ cái tiếng Việt hệ La-tinh dễ học hơn. So với các nước phương tây, tiếng Việt không biến dạng do không phải chia động từ và không biến đổi theo cách. Như vậy, so với phần lớn nước trên thế giới, tiếng Việt cho phép có thể rút bớt thời gian học phổ thông. Thời gian học đại học ở Việt Nam nhìn chung dài hơn các nước 1 năm, cần nghiên cứu để rút bớt. (Thăm dò ý kiến)

Để có thể tổ chức tốt việc liên thông trong đào tạo, đòi hỏi phải thống nhất về quản lý nhà nước. Nền giáo dục quốc dân là một thể thống nhất, không bị chia cắt giữa các bộ phận và có những quy định chuẩn hóa. Hiện tại, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề ở nước ta đã bị phân chia thành hai nhánh, nên thống nhất thành một là giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học cũng do các đầu mối khác nhau phụ trách là vấn đề cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Cũng ở khu vực giáo dục nghề nghiệp và đại học của nước ta đang có rất nhiều cơ quan nhà nước khác nhau làm chủ quản, cần được tổ chức lại theo hướng thống nhất về quản lý nhà nước, không còn chủ quản và các cơ quan chủ quản hiện nay sẽ cử đại diện chủ sở hữu tham gia trong thường trực hội đồng trường.

Trong nền giáo dục mở, cần có cách quản lý phù hợp. Không quản lý từng công việc cụ thể mà tập trung quản lý chất lượng. Coi trọng quản lý đầu ra hơn là quản lý đầu vào. Cần tách biệt quản lý nhà nước và quản lý sự nghiệp, chuyên môn. Quản lý nhà nước cần chuyển mạnh từ hành chính bao cấp, điều hành chỉ huy tập trung sang quản lý chất lượng, quản lý công việc bằng cơ chế mở, xóa bỏ cơ chế xin cho; tập trung cho công việc xây dựng và thực hiện chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý, thực hiện thanh tra, giám sát, xây dựng và đảm bảo cho hoạt động của hệ thống kiểm định có hiệu quả. Sự thay đổi này đương nhiên là không dễ dàng, và điều đó cũng là dễ hiểu, nhưng phải quyết tâm thực hiện.

Từ yêu cầu chất lượng mà xem xét vấn đề nhà trường. Nhà trường là nơi trực tiếp tạo ra chất lượng, mà chất lượng là một sản phẩm nghệ thuật, đòi hỏi lao động phải có tính sáng tạo rất cao của những người làm giáo dục, vì vậy mà có yêu cầu khách quan việc tự chủ của cơ sở đào tạo. Và đương nhiên, sự tự chủ ấy phải được giám sát. Một mặt, phải có khung pháp lý chặt chẽ. Mặt khác, quyền tự chủ ấy không trao cho một cá nhân, dù đó là ông hiệu trưởng, mà là trao cho một tập thể, đó chính là hội đồng trường. Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực thật sự, không phải hình thức, đó là đại diện cao nhất của nhà trường, đồng thời là đại diện của cộng đồng. Trong thực tế, không ít hiệu trưởng không thích có hội đồng trường, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức, điều đó cũng là dễ hiểu. Nhưng việc có hội đồng trường như đã nói là một cơ chế quản lý khoa học, giống như một chiếc xe muốn vận hành tốt thì phải có cả tay lái, ga và phanh để có thể tự điều chỉnh. Đúng ra thì hội đồng trường có trước, rồi hội đồng mới chọn, mới thuê hiệu trưởng, sau đó trong quá trình vận hành khi xét thấy cần thiết thì hội đồng trường có thể thay đổi hiệu trưởng. Quyền tự chủ luôn gắn với trách nhiệm xã hội. Cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm giải trình, công khai hóa mọi hoạt động đào tạo và tình hình tài chính để minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho việc giám sát của mọi người, của xã hội. Quản trị nhà trường trên tinh thần dân chủ, thực hiện sự đánh giá từ dưới lên, phải tiến đến sinh viên được lựa chọn thầy, giảng viên và cán bộ công nhân viên đánh giá lãnh đạo nhà trường, cán bộ quản lý các trường đánh giá cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý nhà nước cấp dưới đánh giá cán bộ quản lý nhà nước cấp trên...

Cũng để nhằm thực hiện tốt cơ chế tự chủ và đảm bảo chất lượng giáo dục-đào tạo, cần có hệ thống kiểm định giáo dục và cơ chế thanh tra, giám sát của Nhà nước và của xã hội đủ mạnh và hiệu quả, có các tổ chức kiểm định độc lập và các qui định chuẩn hóa về đầu ra của học sinh tốt nghiệp, của cơ sở đào tạo, của từng loại nghề nghiệp. Kết quả kiểm định được công khai với cộng đồng, xã hội. Việc kiểm định độc lập và công khai kết quả kiểm định là một trong những đặc điểm của hệ thống mở.

Việc phát triển các dịch vụ công về giáo dục-đào tạo ở khu vực giáo dục nghề nghiệp và đại học là cần thiết, cũng là sự thể hiện nền giáo dục mở, đồng thời là sự chủ động sử dụng những ưu thế của cơ chế thị trường để phát triển giáo dục: Cạnh tranh nâng cao chất lượng, huy động nhiều nguồn lực của xã hội để đầu tư, bảo đảm bù đắp tương xứng sự hao phí sức lao động của người thầy và nhà quản lý giáo dục, bảo đảm hạch toán đúng để tái hoạt động công việc đào tạo. Đương nhiên là phải có giải pháp hạn chế tối đa các mặt trái của cơ chế thị trường luôn nhằm mục đích lợi nhuận tối đa bất chấp hậu quả xã hội, biến giáo dục thành ngành thương mại có lợi nhuận siêu ngạch, rời bỏ thiên chức cao đẹp của giáo dục.

Thực tế của thế giới, những trường đại học chất lượng cao phần nhiều là trường ngoài công lập không vì lợi nhuận. Cần thiết phải phân biệt loại trường không vì lợi nhuận và trường có chia lợi nhuận để có chính sách tài chính khác nhau. Trường vì lợi nhuận vẫn được động viên phát triển bình thường, nhưng trường không vì lợi nhuận mới là loại trường khuyến khích nhất, ưu đãi nhất. Trường không vì lợi nhuận là trường khi có lợi nhuận sẽ không đem chia cho các cá nhân góp vốn mà để tăng tích lũy phát triển trường, thành tài sản chung của xã hội. Trường không vì lợi nhuận dần dần tự nhiên, tự nó sẽ đi theo hướng trở thành trường dân lập, có sở hữu xã hội.

Nền giáo dục quốc dân nước ta còn phải tiếp tục phát triển về số lượng và đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Muốn vậy, phải được đầu tư mạnh hơn nhiều nữa về tài chính (và tất nhiên là phải quản lý hiệu quả hơn). Hiện nay, suất đầu tư cho một học sinh ở ta còn thấp nhiều so với các nước có nền giáo dục phát triển. Trong khi ngân sách nhà nước đã rất cố gắng rồi và không có nhiều lắm về khả năng tăng đầu tư cao cho giáo dục. Vì vậy, không có cách nào khác là phải dựa nhiều vào xã hội. Điều này liên quan đến vị trí của khu vực ngoài công lập và cơ chế huy động tài chính từ xã hội.

Hiện tại, trong nền giáo dục của ta, vai trò của công lập bao trùm hầu hết, ngoài công lập nhìn chung còn ít và yếu. Hai khu vực này chưa bình đẳng về cơ chế tự chủ, về cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, về địa vị pháp lý và địa vị xã hội của cơ sở đào tạo và người thầy giáo... Từ đó, cần có quan điểm phát triển hài hòa, bình đẳng và hỗ trợ lẫn nhau giữa công lập và ngoài công lập. Trong đó, khu vực phổ thông, công lập đóng vai trò chủ yếu; khu vực giáo dục nghề nghiệp và đại học, công lập tập trung cho một số cơ sở đào tạo trên tinh thần giao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở ấy, còn lại phần lớn là do khu vực ngoài công lập đảm nhận (tất nhiên là sẽ dần dần tiến đến chứ không phải ngay lúc này). Có ý kiến một số nhà nghiên cứu cho rằng, công lập và ngoài công lập cần phải song hành, cân bằng như hai cánh của một con hải âu, thì mới bay cao, bay xa được; nếu một cánh mạnh khỏe, còn một cánh yếu, sệ thì không bay lên được. Tôi nghĩ đây là hình tượng đáng suy nghĩ.

Đổi mới căn bản việc phân bổ ngân sách cho công tác đào tạo nghề nghiệp và đại học theo hướng kinh phí cho hoạt động đào tạo (chi thường xuyên) không phân bổ theo trường mà phân bổ cho người học thuộc diện được Nhà nước ưu tiên (như: con thương binh, liệt sĩ, nhà nghèo, học sinh giỏi...). Các sinh viên đó học ở trường nào thì chuyển tài chính về trường ấy, bất kể công lập hay ngoài công lập. Việc phân bổ ngân sách cho xây dựng cơ bản thực hiện trên cơ sở kết quả đầu ra và phải tính khấu hao cơ bản cho đầy đủ, trích nộp vào cho quỹ phát triển giáo dục của quốc gia. Khu vực giáo dục nghề nghiệp và cao đẳng, đại học thực hiện hạch toán chi phí, bảo đảm thu đúng, thu đủ chi phí đầu tư để tái hoạt động đào tạo, song song với thực hiện chính sách trợ giúp học phí cho các đối tượng chính sách và học sinh nghèo khó.

TS. Vũ Ngọc Hoàng
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương