Một số ý kiến về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

(Dân trí) - Đại hội Đảng lần thứ XI đã có chủ trương hết sức đúng là phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam; theo tinh thần đó, đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải bàn.

Trong phạm vi bài viết này, TS. Vũ Ngọc Hoàng sẽ nêu một số ý kiến về hai vấn đề: Thứ nhất, chuyển từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển nhân cách, năng lực; Thứ hai, xây dựng một nền giáo dục mở, học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập, phát triển giáo dục “điện tử”.  
 
Một số ý kiến về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Chinhphu.vn) 
 
Thứ nhất, vấn đề cốt lõi, trung tâm của cuộc đổi mới này là tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục hình thành nhân cách và phát triển năng lực người học, có thể nói gọn hơn là phát triển nhân cách hoặc năng lực NGƯỜI. Trong bài này, xin dùng cụm từ phát triển năng lực NGƯỜI để nói việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực. Nói chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực thì có người cho rằng, đó chỉ là phương pháp thôi, có gì quan trọng lắm đâu mà coi là cốt lõi, là trung tâm. Không phải vậy, không chỉ là phương pháp, mà trước tiên là triết lý giáo dục, quan điểm giáo dục, khoa học giáo dục - sư phạm, liên quan đến mục tiêu, chương trình, phương pháp, cách kiểm tra, thi cử, đánh giá, cơ chế quản lý, tổ chức hệ thống...

Theo các nhà khoa học thì ngày nay, cứ sau 2-3 năm, kiến thức nhân loại lại tăng lên gấp đôi, nhiều vô kể, khoa học phát triển như vũ bão. Tốc độ ấy ngày xưa là một ngàn năm sau công nguyên, sau đó có nhanh hơn nhưng cũng mất mấy trăm năm. Điều gì đã dẫn đến tốc độ tăng kiến thức như vậy? Hai lý do chủ yếu: Sự tích lũy kiến thức của nhân loại đã đến độ có thể tạo ra những bước “nhảy” và loài người đã bước vào xã hội thông tin (thông tin nhiều và thông tin nhiều chiều, khi “va chạm” nhau thì sản sinh ra thông tin mới). Với lượng kiến thức nhiều và tốc độ tăng nhanh như vậy, nên người thày không thể nào cập nhật và truyền thụ kịp. Mặt khác, kiến thức mà thế hệ trước truyền thụ cho thế hệ sau thì thường là kinh nghiệm của hôm qua, trong khi phải chuẩn bị cho học sinh sống với ngày mai. Lúc các em ra trường thì những kiến thức học được cách đó ít năm, khi mới nhập trường, có khi đã bị lỗi thời. Với cách học truyền thụ kiến thức, thì nói chung, học sinh bị giới hạn bởi thày giáo, thế hệ sau bị giới hạn bởi thế hệ trước, trong khi cuộc sống ngày nay rất cần phải chuẩn bị cho học sinh vượt thầy, vượt sách. Tư duy kinh nghiệm thường bị giới hạn bởi cái cũ. Các nhà kinh điển và các nhà khoa học hay dùng khái niệm so sánh chiếc cày chìa vôi với chiếc máy cày (cơ giới). Tư duy kinh nghiệm là tư duy cải tiến chiếc cày chìa vôi để có một chiếc cày chìa vôi khác tốt hơn, nhưng vẫn chỉ là một chiếc cày chìa vôi. Còn muốn có một chiếc máy cày thì cần phải có tư duy khoa học.

Việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực liên quan trực tiếp, chặt chẽ và trước tiên tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Chúng ta đã có một thời kỳ dài thực hiện chương trình theo cách tiếp cận nội dung (giảng dạy), đến nay cơ bản vẫn vậy. Đổi mới cần chuyển mạnh sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực (người học). Thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên cùng với tổ bộ môn là người lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy trong số những bộ sách đã được hội đồng thẩm định khoa học cấp quốc gia xác nhận là đạt yêu cầu. Việc soạn sách giáo khoa cũng cần phải có cạnh tranh, so sánh về chất lượng, để có những bộ sách tốt nhất. Thi theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa, là kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ.

Nền giáo dục của chúng ta từ xưa đã rất nặng ứng thí và bằng cấp, học là để trả thi, để ứng phó với thi cử, để có tấm bằng làm công cụ tiến thân, trước tiên là làm quan. Đến nay, cơ bản vẫn nặng như vậy. Lại còn mặt trái của cơ chế thị trường đã xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, có không ít trường hợp mua bằng bán điểm, nhờ người khác học hộ, thi giúp; học ít cũng có sao đâu miễn là có được tấm bằng, không học mà có bằng càng tốt. Như vậy, học không phải với mục đích để có năng lực, kiến thức, mà là để có điểm, có bằng.

Học là để nâng cao năng lực NGƯỜI, năng lực thực chất, chứ không phải để thi. Không phải học để thi mà là thi để học. Cần làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và thực chất hơn, không nặng nề như hiện nay. Có thể mở rộng khung điểm để dễ phân hạng khi đánh giá. Từ hai cuộc thi quốc gia liền kề như hiện nay (tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học), nội dung và phương pháp thi giống nhau, nên nhập lại thành một cuộc, nhiệm vụ chính là để đánh giá chất lượng phổ thông, đồng thời là sơ tuyển đại học, mỗi năm có thể thi vài lần, do một trung tâm sự nghiệp của Nhà nước đảm nhận.
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)

Cũng theo quan điểm chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực thì phải chuyển từ cách học ghi nhớ lời thầy, nói và viết theo thầy sang khuyến khích tư duy độc lập và sự sáng tạo của người học, bởi sáng tạo chính là năng lực. Và cách thi, như trên đã nói, không phải là kiểm tra trí nhớ mà là kiểm tra năng lực sáng tạo, khả năng tổng hợp, phân tích, luận giải và giải quyết vấn đề.

Ngày nay, loài người đã sáng tạo ra những bộ nhớ bằng công nghệ thông tin để giúp con người khỏi tốn nhiều nơ-ron thần kinh cho việc nhớ, dành các nơ-ron ấy cho hoạt động sáng tạo. Chỉ cần dịch chuyển con trỏ, nhấp vào vị trí đã định là nhận được biết bao nhiêu kiến thức rồi. Không việc gì bắt các em phải nhớ nhiều, biết nhớ bao nhiêu là đủ (?). Học toán, lý hiện nay phải nhớ công thức quá nhiều, học sử phải nhớ sự kiện, đến mức nặng nề, nhưng sau khi ra trường công tác hầu hết mọi người thậm chí cả đời không hề sử dụng các công thức ấy. Những công thức ấy cần học để góp phần hình thành tư duy lô-gich, thế thôi, cái quan trọng là phải hiểu, biết cách vận dụng, chứ bắt nhớ làm gì, nhớ rồi cũng quên thôi. Học chỉ không quên khi biến thành năng lực của chính mình. Học sử (không chuyên) thì chủ yếu là nhằm hình thành nhân cách, không phải bắt thuộc lòng, nhớ sự kiện, đừng làm các em chán sử. Môn sử phải là một trong những môn học vô cùng hấp dẫn, khi đã hấp dẫn rồi thì tự nó sẽ “vào” và “ở lại” trong người học. Dấu hiệu và biểu hiện đầu tiên của chất lượng là sự thích học. Đã chán học, hoàn toàn không thích học, học như là một khổ dịch thì làm gì mà có chất lượng - năng lực được! Không cần bắt học sinh phải nhớ nhiều, phải thuộc lòng, mà cái cần là năng lực, sự sáng tạo.

Đã sáng tạo thì bao giờ cũng có cái riêng của người học, không giống thày, không y như thầy, mà khác thầy. Lâu nay, học trò nói giống thầy, y như thầy thì đạt điểm cao, vậy thì phải học gạo thôi, phải tập trung nhớ, phải học thuộc lòng. Bây giờ không nên như thế nữa. Nói như ý thầy chỉ đạt điểm trung bình thôi, còn những ý mới, những phát hiện mới, khác thầy mà có lý, có lẽ, có cơ sở khoa học thì mới đạt điểm cao, mới là chuẩn bị cho các em vượt thầy, vượt sách như đã nói ở trên. Chấm văn mà theo ba-rem cho điểm đã định sẵn theo ý thầy thì thật là không nắm được đặc điểm của công việc này. Tại sao cứ phải nói đúng 3-4 ý như thầy, như sách, không thừa không thiếu thì mới đạt điểm cao? Các em có thể nói nhiều ý hơn, có những ý khác thầy, mà có lý, có lẽ, có phát hiện mới, có sức thuyết phục thì mới điểm cao chứ (vì các kiệt tác văn chương rất giàu ý tứ, đời sau khám phá hoài vẫn chưa cạn ý). Thế cho nên mới có chuyện rằng, một ông nhà văn nổi tiếng, có lần viết bài bình luận về tác phẩm của chính mình nhưng bị thầy giáo dạy văn (của con ông) đánh giá là bài viết không hiểu ý tác giả.

Để có năng lực, để có sáng tạo thì phải biết phát huy thế mạnh riêng có của mỗi người, không ai giống ai. Các nhà khoa học đã nói ở con người có những trí khôn khác nhau, cấu tạo bảy trí khôn và mấy chục vùng vỏ não khác nhau. Người này có thể rất giỏi việc này và kém việc kia, người khác thì ngược lại, có thể giỏi việc kia mà không giỏi việc này... Thế thì tốt nhất, hiệu quả nhất là phát triển cái thế mạnh ở mỗi người. Cứ thế, nhiều người cộng lại thì cả một xã hội của những người giỏi.

Từ rất sớm, Bác Hồ đã nói là giáo dục phải giúp cho sự “phát triển đầy đủ những năng lực sẵn có” của người học; còn C.Mác thì nói chức năng của giáo dục là “phát triển năng lực-bản chất người” (ông ghép chữ "năng lực" và chữ "bản chất" thành một từ mới là "năng lực-bản chất người"). Để giải phóng và phát triển tối đa năng lực của người học, đòi hỏi phải tôn trọng và phát huy “con người cá nhân”, cái tự do như C.Mác nói, cái bản lĩnh riêng, nhân cách chính mình, năng lực riêng có, chứ không phải là cá nhân chủ nghĩa. Ngày xưa, nền văn minh của Châu Á có lúc phát triển hơn Châu Âu. Ngày ấy, Châu Âu còn trong đêm dài con người của thần quyền. Nhưng sau đó, qua các phong trào Phục hưng, Khai sáng, họ nâng đỡ “con người cá nhân”, từ đó, Châu Âu đã phát triển vượt lên, bỏ Châu Á lại phía sau.

Đổi mới giáo dục cũng nên chú ý mặt “con người cá nhân” này. Tất nhiên, không chỉ có mặt đó, không để lệch từ cực này sang cực kia, mà cần chú ý đồng thời, song song cả hai mặt là “con người cá nhân” và “con người cộng đồng-xã hội”, con người của “tự do” và con người của “tất yếu”. Trên nền tảng cộng đồng mà phát triển cá nhân (cái tự do được bước sang từ vương quốc tất yếu, như cách nói của Ăng-ghen). Với động lực và trên cơ sở phát triển tối đa những cá nhân mà thúc đẩy phát triển cả cộng đồng. Lấy mối quan hệ với cộng đồng để xây dựng và làm thước đo đánh giá nhân cách cá nhân.

Năng lực là cái “tự nó”, “của chính nó”, là tư duy độc lập; phát triển là “tự phát triển”, không ai ban phát được, không thể cho, không thể vay mượn được. Năng lực không phải được tạo ra nhờ người khác truyền thụ, mà sẽ phát triển trong quá trình tự học, nghiền ngẫm, tư duy. Hầu hết trí thức lớn đã trở thành trí thức thông qua tự học là chính. Nếu truyền thụ một chiều, áp đặt thì làm sao có năng lực được? Người học phải được “bình đẳng”, được tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận, có chính kiến riêng của mình. Thực hiện giảng ít mà học nhiều. Không phải giáo viên chỉ truyền dạy những điều gì mình có, mà phải giảng dạy cái học sinh cần. Giáo viên không phải chủ yếu là người truyền thụ tất cả kiến thức của mình có cho người học mà chỉ nên giới thiệu những giá trị cốt lõi, còn lại chủ yếu là gợi mở, giúp cách học, cách tiếp cận, cách phân tích và tổng hợp, giải quyết vấn đề, tức là nhằm phát triển năng lực. Thầy giáo bây giờ không phải là “thầy dạy”, mà là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, là người giúp các em biết cách học mới, cách tự học, tổ chức việc học cho các em, tức là, nói gọn lại, là “thầy học”, tức là làm thầy về việc học. Thầy giáo không phải là người áp đặt tư duy mà là người luôn phát huy dân chủ, là người “bạn lớn”, “bình đẳng”, “bạn đồng hành” cùng các em trong quá trình đi tìm chân lý; là một nhà tâm lý giáo dục, luôn tác động vào để kích thích những yếu tố bên trong, sự tự tin, độc lập và bản lĩnh, những yếu tố “tự nó” của người học, phát triển. Với cách làm như vậy, công việc của người thầy càng khó hơn trước, đó là công việc của nhà khoa học, nhà văn hóa, vừa khoa học vừa nghệ thuật. Người thầy càng phải được tôn trọng, trước nhất là quyền dân chủ và tự do trong học thuật (gắn với trách nhiệm xã hội); được vinh danh, trọng dụng và ưu đãi, tất nhiên là phải được đánh giá định kỳ và xếp hạng bậc một cách khoa học để có chính sách thỏa đáng khác nhau chứ không phải cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Lấy học sinh làm trung tâm của công việc giáo dục, đào tạo là phương châm đúng, nhưng nếu từ đó mà xem nhẹ vai trò người thầy thì là sai lầm. Ai lấy học sinh làm trung tâm? Phải trước tiên là người thầy, thứ đến là nhà quản lý. Vấn đề giáo viên vẫn và phải càng là vấn đề then chốt.

Đại học, theo cách hiểu nôm na thì đại là lớn, là học theo kiểu người lớn, là người đã trưởng thành, là người đã có tư duy độc lập, tư duy độc lập ấy phải được tôn trọng, tất nhiên là sự tôn trọng trong môi trường có trao đổi thông tin, có phê phán, có bình luận. Trình độ đại học trước tiên là trình độ tự học. Vì vậy, đại học thì càng phải theo cách học mới, không áp đặt một chiều. Và không chỉ đại học, mà phổ thông cũng phải cách học mới, giúp cho các em tập tư duy độc lập, biết tư duy độc lập, nhanh thành người lớn, đó là phát triển năng lực.
 
Một số ý kiến về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, trình độ đại học trước tiên là trình độ tự học. Trong ảnh: Tân sinh viên làm thủ tục nhập học. (Ảnh: Doãn Công)

Quá trình phát triển năng lực luôn gắn với quá trình hoạt động thực tiễn, tổ chức thực hiện công việc. Vì vậy, phương châm gắn học với hành, nhà trường với xã hội, thông qua công việc mà tiếp tục học sẽ mãi có giá trị to lớn và lâu dài.

Chất lượng giáo dục - đào tạo luôn là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu thường xuyên đối với quá trình phát triển và đổi mới giáo dục. Nền giáo dục nước ta sau 25 năm đổi mới đất nước đã có những thành tích rất đáng kể về qui mô, số lượng, mạng lưới; về cơ bản đã chuyển từ một nền giáo dục cho thiểu số người đi học thành một nền giáo dục đại chúng, phổ cập, cho mọi người. Trong quá trình phát triển đó, về chất lượng nhìn chung là thấp, so với yêu cầu, so với khu vực, thế giới và so với công sức bỏ ra. Điều đó càng đòi hỏi đổi mới lần này phải tập trung cho vấn đề chất lượng. Đổi mới không có mục đích tự thân, mà đổi mới là phải nhằm nâng cao chất lượng, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Phát triển nhân cách, năng lực là yêu cầu cao nhất của chất lượng, đó chính là thực chất của chất lượng. Bệnh thành tích luôn trái với yêu cầu chất lượng. Bằng cấp không thay thế cho chất lượng. Học với mục đích để thi, để có bằng cấp là phổ biến trước đây và hiện nay, và điều đó cũng là biểu hiện của bệnh hình thức, chưa phải thực học. Không phải học để thi mà phải là thi để học. Cần kết hợp việc thi với kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo, để thúc đẩy việc học...
 
TS. Vũ Ngọc Hoàng
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương