Cần "rộng cửa" để thu hút học sinh vào trường nghề
(Dân trí) - Việc siết chặt công tác dạy văn hóa THPT trong trường nghề thời gian gần đây gây tâm lý lo ngại cho phụ huynh học sinh.
Khó thu hút học sinh vào trường nghề
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, trong cơ cấu nhu cầu lao động xếp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng do các trường nghề đào tạo luôn chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo ông Tuấn, tỷ lệ này lúc nào cũng gấp 3 lần nhu cầu lao động trình độ đại học. Cụ thể, thống kê tình hình nhân lực năm 2020 của TPHCM cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 85,6%. Trong số đó, trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 20,9%; nhóm trình độ nghề cao đẳng 17,62%, trung cấp chiếm 21,56%, sơ cấp chiếm 25,52%, tổng cộng là 64,7%.
Thu hút học sinh vào các trường nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế là chủ trương chung của Nhà nước. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS về các trường nghề. Chủ trương này đang được thực hiện tốt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề ngày một tăng.
Tuy nhiên, với việc siết chặt công tác dạy văn hóa THPT trong trường nghề thời gian gần đây của Bộ Giáo dục & Đào tạo, gây nên tâm lý lo ngại cho phụ huynh học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, cho rằng: "Khi định hướng cho con đi học nghề, phụ huynh luôn mong muốn con được tiếp tục học các môn văn hóa, được thi tốt nghiệp THPT, được cấp bằng tốt nghiệp THPT… Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội và thực tế vẫn có nhiều đơn vị sử dụng lao động yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT".
Khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã khiến các trường nghề hoang mang.
Theo dự thảo, các cơ sở GDNN được dạy chương trình THPT 4 môn, chỉ được cấp cho học sinh theo học bậc trung cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy này dùng để cho các em tốt nghiệp trung cấp theo học trình độ cao hơn là cao đẳng trong hệ thống GDNN, tách hẳn khỏi hệ thống giáo dục ĐH.
Theo ông Trần Anh Tuấn, đây là bất cập rất lớn, gây trở ngại cho việc thu hút học sinh tốt nghiệp THCS đến với hệ trung cấp để học nghề. Trong khi Chính phủ lại đang khuyến khích phân luồng học sinh THCS vào trường nghề.
Cần "mở rộng cửa"
Chính vì vậy, lãnh đạo các trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo hệ trung cấp đều kiến nghị Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN cho phù hợp thực tế và chính sách khuyến khích học nghề.
Cụ thể, cần tạo điều kiện cho các trường nghề dạy học sinh hệ trung cấp chương trình THPT 4 môn và cả 7 môn (tùy theo lựa chọn của học sinh) để khi các em tốt nghiệp sẽ có nhiều con đường để lựa chọn vào đời.
Ai muốn đi làm ngay thì dùng bằng Trung cấp, chỉ cần học văn hóa 4 môn. Em nào muốn học liên thông lên Đại học chọn học 7 môn, được cấp Giấy chứng nhận hoàn chương trình THPT để có thể thi thi tốt nghiệp THPT lấy bằng Tốt nghiệp THPT…
Thậm chí, ông Trần Anh Tuấn còn đề nghị "mở rộng cửa" hơn, thực hiện như thời trung cấp chuyên nghiệp trước đây. Tức là khi học sinh học nghề trình độ trung cấp với chương trình 3 năm, học nghề và học thêm văn hóa THPT thì khi có bằng trung cấp sẽ được liên thông cao đẳng, đại học; còn học trung cấp nghề với chương trình 2 năm, không học văn hóa THPT chỉ được liên thông lên cao đẳng.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Giao - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam, cho biết trong văn bản mới đây Bộ GD&ĐT trả lời Tổng cục GDNN, Bộ GD&ĐT nêu rõ, trường nghề được dạy văn hóa THPT nhưng việc cấp Giấy chứng nhận hoàn chương trình GDTX cấp THPT phải do các Trung tâm GDTX cấp.
Đây được cho là bất cập vì muốn Trung tâm GDTX cấp giấy này, các trường nghề phải đưa học sinh sang các trung tâm học văn hóa.
Trong văn bản số 2444/BGDĐT-GDTX, Bộ GD&ĐT nêu: "Nếu cho phép các trường trung cấp, cao đẳng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT thì phải sửa luật Giáo dục 2019 và luật Giáo dục nghề nghiệp".
Ông Tô Xuân Giao nhấn mạnh: "Vậy phải cần Chính phủ vào cuộc, chủ trì để Bộ GD&ĐT cùng Bộ LĐ-TB&XH phối hợp sửa đổi quy định cho phù hợp. Nếu cần còn phải trình Quốc hội sửa luật".