Cần quan tâm đến đạo đức, phẩm chất nhà giáo

(Dân trí) - Tuần qua, cháu Trần Chí Kiên đã đi học trở lại sau gần 3 tháng nghỉ vì bị gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) do taxi chở hiệu trưởng và hiệu phó đi vào trường. Sau vụ việc này, vấn đề đạo đức nhà giáo lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Các phát biểu của Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhấn mạnh điều này.

Học sinh gãy chân ở Trường Nam Trung Yên trở lại lớp

Sau gần 3 tháng nghỉ học, ngày 27/2, cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) - người bị gãy chân khi vui chơi trong trường học do taxi chở hiệu trưởng và hiệu phó đi vào trường, đã quay trở lại trường.

Anh Trần Chí Dũng, bố học sinh Kiên chia sẻ: “Hôm 27/2, anh Nghé (tên ở nhà của cháu Kiên-PV) đã được trở lại trường. Anh rất vui, háo hức dậy sớm và khoác chiếc áo đồng phục của trường. Bố mẹ rất lo nhưng các cô giáo trong trường đã động viên và hứa sẽ quan tâm đến cháu đặc biệt hơn nên chúng tôi cũng giảm bớt lo âu phần nào”.

Ngày đầu trở lại trường của cháu Trần Chí Kiên, học sinh bị gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên
Ngày đầu trở lại trường của cháu Trần Chí Kiên, học sinh bị gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên

Cũng theo anh Dũng, mọi việc đã kết thúc, gia đình chỉ mong cô và trò Trường Tiểu học Nam Trung Yên ổn định để làm tốt công tác giảng dạy và học tập. Mong mọi dư luận và đặc biệt là các phụ huynh học sinh thông cảm và có cái nhìn khách quan về giáo viên và nhà trường hơn.

Bên cạnh đó, gia đình cũng muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến cộng đồng mạng, truyền thông, cơ quan chức năng đã đồng hành cùng gia đình trong hành trình này.

Sẽ có hệ thống tố giác thông tin về bạo lực học đường

Trước sự gia tăng ngày càng nghiêm trọng của nạn bạo lực học đường, ngày 27/2, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Trước thực trạng về sự gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng của bạo lực học đường, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Trong đó, tiến hành xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Tại hội thảo, đại diện các Sở GD-ĐT, UNICEF và Bộ LĐ, TB&XH đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh các nội dung nêu ra trong dự thảo như: Quy trình tiếp nhận thông tin và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của người học, người dạy, cơ sở giáo dục.

Bí thư Đinh La Thăng: Hát cải lương có nhất thiết tiến sĩ hát không?

Sáng 28/2, làm việc với Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng đối với các môn đặc thù cần có cơ chế riêng, “có nhất thiết từng khoa hay từng môn đặc thù phải có tiến sĩ hay không”.


Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Đinh La Thăng khẳng định phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật là điều cần đặc biệt quan tâm. TPHCM luôn đầu tàu trong nhiều lĩnh vực đồng thời cũng phải là trung tâm về văn hoá nghệ thuật nhưng phải mang đặc trưng của vùng đất phương Nam - Sài Gòn - Gia Định. Bởi vì nếu chỉ chăm lo phát triển kinh tế thì dù thành phố này phát triển đến đâu đi nữa cũng không nên mất đi ý nghĩa, nét đặc trưng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Do đó, phát triển kinh tế cũng phải đi đôi với phát triển văn hóa, Đảng ta luôn phát triển văn hoá là mục tiêu của mọi sự phát triển, kinh tế đi đôi với văn hoá một cách đồng đều, văn hoá phát triển cũng là động lực phát triển kinh tế.

Bí thư Thăng đề nghị ban tổ chức thành ủy phối hợp với Đảng ủy khối làm việc với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để sớm kiện toàn bộ máy nhà trường để đảm bảo hoạt động. Phải xem những gì đặc thù thì đề xuất cho nhà trường thí điểm. Theo ông Thăng, các môn khoa học đều cần tiến sĩ, kể cả nghệ thuật cũng cần tiến sĩ nhưng có nhất thiết từng khoa hay từng môn đặc thù phải có hay không.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vụ trường tiểu học Nam Trung Yên là cá biệt

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 1/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vụ việc Trường tiểu học Nam Trung Yên là vụ việc này là cá biệt, nói là nhỏ nhưng cũng không hề nhỏ, vì động chạm đến đạo đức của người thầy. Việc này thu hút sự quan tâm rất lớn của các gia đình, các cháu học sinh, dư luận, ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, lòng tin với người thầy.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có thái độ cương quyết xem xét làm rõ vi phạm của Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Đã có hình thức thi hành kỷ luật đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương.

Sau khi có kết luận kiểm tra và thông báo kỷ luật, dư luận rất đồng tình, gia đình học sinh đồng tình về cách xử lý quyết liệt minh bạch của lãnh đạo Thành phố.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng Dũng cho rằng, qua vụ việc này thấy rằng, trong đào tạo giáo viên, ngoài vấn đề chuyên môn, rất cần quan tâm đến đạo đức, phẩm chất nhà giáo. Cần tạo ra hình ảnh tốt đẹp nhất của người giáo viên, được kiểm soát tất cả tại các cơ quan trường học.

Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương dừng việc chuyển giáo viên phổ thông dạy mầm non

Chiều 3/3, Bộ GD-ĐT có thông cáo báo chí yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc mầm non khi chưa qua đào tạo.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn xuống dạy bậc học mầm non. Trước thực trạng này, Bộ yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo.

Bộ GD-ĐT cho rằng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do các địa phương này tuyển dụng giáo viên chưa hợp lý. Để tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non cho các địa phương, có nhiều giải pháp, trong đó có thể đào tạo bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông.

Bộ GD-ĐT đã giao cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non, báo cáo Bộ trước khi triển khai.


Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống làm giáo viên mầm non nếu chưa qua đào tạo (ảnh minh họa)

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống làm giáo viên mầm non nếu chưa qua đào tạo (ảnh minh họa)

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Trong đó, giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên mầm non phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.

Do vậy, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những đối tượng người học không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non. Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra.

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non để đảm bảo người học sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: “Chất lượng giáo viên không chỉ là trình độ, mà còn cả đạo đức”

Sáng ngày 4/3 tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 của ngành giáo dục 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ).

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ghi nhận những điểm sáng của ngành GD ở 5 TP trực thuộc Trung ương trong quy hoạch mạng lưới trường lớp; ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế trong hoạt động giáo dục - đào tạo tại các trường học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, ngành GD ở các thành phố lớn cũng chịu không ít áp lực như vấn đề nhập cư, quy mô mạng lưới trường lớp lớn, khó kiểm soát bao quát. Do đó, Thứ trưởng Nghĩa chỉ đạo ngành GD ở cụm thi đua số 9 bao gồm 5 TP trực thuộc Trung ương làm tốt công tác quản lý; tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên chứ đừng để xảy ra sự cố rồi mới tiến hành thanh, kiểm tra; đảm bảo thực thi đúng luật nhà giáo, thể hiện rõ trách nhiệm của lãnh đạo trường học chứ đừng để xảy ra vụ việc thì đình chỉ công tác giáo viên là xong thì mới chỉ xử lý vụ việc ở phần ngọn; hạn chế các cuộc thi không cần thiết của các công ty, doanh nghiệp đưa vào trường học gây tốn kém, vất vả không đáng có, tạo áp lực cho học sinh...

Điểm lại các vụ việc gần đây như vụ học sinh bị gãy chân ở trường Nam Trung Yên, vụ bạo hành trẻ ở điểm mầm non Sen Vàng..., Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh ngành giáo dục ở các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Song song đó là đẩy mạnh dân chủ trong trường học.

Nguyên Chi

Tổng hợp