Vụ học sinh tiểu học Nam Trung Yên gãy chân: Nhà trường báo cáo sai sự thật?

(Dân trí) - Sau sự việc học sinh Trần Chí Kiên bị ngã gãy chân trong trường học, lần đầu tiên, một số giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đã lên tiếng phản đối một số điểm mà nhà trường cung cấp cho báo chí trước đó.

Giáo viên cũng bị... lừa?

Trong “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi các cơ quan báo chí ngày 13/2, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên cho rằng: “Việc làm phiếu khảo sát là do cô Nhung (giáo viên chủ nhiệm của cháu Kiên - PV) đã tư vấn cho cấp ủy, ban giám hiệu, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2, lớp mà cháu Trần Chí Kiên (học sinh bị tai nạn gãy xương đùi tại sân trường ngày 1/12/2016) phủ nhận thông tin này.

Cô Nhung nói: "Lúc đầu, khi trả lời phỏng vấn báo chí và các báo cáo ban đầu, nhà trường không nhắc đến tên tôi. Tuy nhiên, không hiểu sao trong báo cáo mới nhất của nhà trường, cho rằng, việc lấy ý kiến khảo sát là do tôi tư vấn. Nội dung trong báo cáo đó là hoàn toàn sai sự thật, tôi dám lấy danh dự của mình ra để khẳng định rằng tôi không hề tư vấn việc lấy phiếu khảo sát".

Cô Nhung, chủ nhiệm lớp cháu Kiên và cô Tú đang trình bày sự việc (ảnh: Mỹ Hà)
Cô Nhung, chủ nhiệm lớp cháu Kiên và cô Tú đang trình bày sự việc (ảnh: Mỹ Hà)

Ngoài ra, theo cô Nhung, việc nói rằng 100% giáo viên đã ký vào phiếu khảo sát là không đúng, vì buổi lấy phiếu khảo sát đó bản thân cô Nhung và một số giáo viên khác trong trường không có mặt và không tham gia khảo sát. Chỉ thiếu vài người đi chăng nữa, cũng không thể nói 100% giáo viên đồng ý được.

Cũng theo cô Nhung, thông thường khi học sinh gặp phải vấn đề gì, như ốm đau, tai nạn…, thường là nhà trường phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, khi cháu Kiên bị tai nạn phải vào viện cấp cứu, cô Nhung đang ở phòng hội đồng, nhưng không ai chứng kiến sự việc thông báo cho cô để xuống xem xét sự việc mà lại gọi cô Hòe, giáo viên chủ nhiệm cũ của cháu Kiên.

Thứ hai, theo cô Nhung, khi nhà trường gọi giáo viên lên lấy phiếu khảo sát, nhiều người ngỡ ngàng và không hiểu gì. Còn trước đó, nhà trường đã thông báo về các lớp việc lấy phiếu khảo sát này là phục vụ cho việc thanh tra tháng 3 của Phòng GD&ĐT nên lấy phiếu khảo sát của học sinh về công tác an toàn an ninh của trường học.

Cũng theo cô Nhung, hiện nhiều giáo viên đang rất bức xúc khi cho rằng "giáo viên của trường cùng phía với hiệu trưởng" vì gian dối trong vụ việc. Cô Nhung cho hay, nội dung khảo sát xoay quanh việc giáo viên có thường nhắc nhở học sinh về an toàn khi chơi, học sinh ra chơi thì chơi với ai, có nhìn thấy ô tô vào trường trong giờ ra chơi hay không... Nhưng khi đưa ra, bản khảo sát này lại liên quan đến sự việc cháu Kiên ngã trong trường học nên nhiều giáo viên cảm giác như bị lừa.

Trả lời về việc, tại sao trong khảo sát, một số học sinh ghi rõ “không thấy bạn Kiên va vào ô tô”, các giáo viên này cho rằng, có thể các cháu này đã chứng kiến sự việc của cháu Kiên, hoặc có thể các cháu này được hỏi riêng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, giáo viên lớp 5A5, Trường tiểu học Nam Trung Yên cũng cho rằng: Bản báo cáo của Hiệu trưởng có rất nhiều điểm không đúng sự thật. Bản thân giáo viên, học sinh khi được yêu cầu khảo sát đều không biết về việc tai nạn của cháu Kiên và nhà trường cũng không nói rõ khảo sát nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân tai nạn của cháu Kiên, mà chỉ nói rằng khảo sát về thực trạng an toàn, an ninh trong trường học để phục vụ công tác thanh tra sắp tới của Phòng Giáo dục - Đào tạo.

Cô Mừng ứa nước mắt khi nói về sự việc (ảnh: Mỹ Hà)
Cô Mừng ứa nước mắt khi nói về sự việc (ảnh: Mỹ Hà)

Chúng tôi không đành lòng im lặng

Cũng theo cô Tú, sau khi sự việc xảy ra, đọc các nhận xét của độc giả sau những bài báo, nhiều giáo viên thấy chua chát, đau lòng. Bạn bè khắp nơi cũng gọi điện hỏi han khiến tâm lý các cô xáo trộn.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Vũ Thị Mừng, giáo viên dạy lớp 3 của trường đã khóc. Cô cho biết, việc phát phiếu khảo sát của nhà trường hoàn toàn không đúng sự thật bởi khi phát phiếu khảo sát, toàn trường và giáo viên không biết có tai nạn với cháu Kiên.

Thứ hai, khi phát phiếu khảo sát, cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường và cô Tổng phụ trách cũng cho rằng, đó là khảo sát về thực trạng an toàn, an ninh trong trường học để phục vụ công tác thanh tra sắp tới của Phòng Giáo dục & Đào tạo.

Ngoài ra, theo cô Mừng, nếu nói 100% giáo viên đồng ý là không đúng vì hôm đó khảo sát vào buổi trưa, một số giáo viên không trông bán trú không có mặt ở đó, như cô Tú hoặc cô Nhung chẳng hạn. Ngoài ra, vụ tai nạn đó xảy ra ở sân sau của trường nên nhiều học sinh không chứng kiến là đúng sự thật, trừ anh Chung bảo vệ và cô Hương hiệu phó. Do vậy, việc khảo sát này không mang tính khách quan.

Cũng theo cô Mừng, từ khi xảy ra sự việc đến nay, không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào giữa toàn thể giáo viên và nhà trường mà BGH chỉ gặp một số giáo viên “thân tín”. Việc dạy học của nhiều giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Thay vì có cuộc họp với toàn thể giáo viên trong trường để thông báo sự việc thì thỉnh thoảng các giáo viên lại nhận được yêu cầu ký vào đơn này, đơn kia mà không phải giáo viên nào cũng được biết và được yêu cầu ký đơn như vậy mà chỉ những người được xem là “thân” với hiệu trưởng mới được “mời”.

"Sự việc xảy ra khiến chúng tôi rất buồn, nhiều giáo viên không tự tin đến trường vì cảm thấy như danh dự của mình bị hạ thấp trong môi trường giáo dục. Với lương tâm của một nhà giáo, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn. Đây không chỉ danh dự của cá nhân mà cả trường bị ảnh hưởng khiến chúng tôi rất xấu hổ. Vì thế, tôi rất mong sự thật này được làm rõ để có môi trường trong sạch", cô Mừng nói.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)