Căn cứ khoa học nào để xác định điểm sàn đại học?

(Dân trí) - “Nếu mục tiêu đặt ra điểm sàn là để đảm bảo chất lượng, là yêu cầu tối thiểu để đảm bảo sinh viên có khả năng theo học đại học thì tôi không thấy có bất cứ căn cứ khoa học nào trong việc xác định điểm sàn như hiện nay…”.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phong - phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT. Ông Nguyễn Xuân Phong cho rằng: “Trường đại học cần được tự chủ về mặt học thuật, trong đó có cả việc tuyển sinh đầu vào. Trường đại học là một thực thể được chính phủ, Bộ GD-ĐT và xã hội cho phép thành lập, tức là đã được tin tưởng về khả năng đào tạo nên một kỹ sư, cử nhân trong suốt cả một giai đoạn kéo dài 4, 5 năm gồm rất nhiều yếu tố. Vì vậy không có lý do gì lại không tin tưởng giao cho họ tự quyết trong một yếu tố không phải là quan trọng nhất như tuyển sinh đầu vào.

Ông Phong đặt câu hỏi, nếu mục tiêu đặt ra điểm sàn là để đảm bảo chất lượng, là yêu cầu tối thiểu để đảm bảo sinh viên có khả năng theo học đại học thì tôi không thấy có bất cứ căn cứ khoa học nào trong việc xác định điểm sàn như hiện nay. Không có công trình nghiên cứu nào khẳng định được là đạt trên 14 điểm thì học được đại học còn 13 điểm thì không. Cũng không có nghiên cứu nào chỉ được ra rằng khả năng theo học được ngành xây dựng và học được ngành CNTT là giống nhau (vì cùng đáp ứng điều kiện điểm sàn khối A chẳng hạn).

Căn cứ khoa học nào để xác định điểm sàn đại học?
Thí sinh dự thi đại học năm 2012. Hiện Bộ GD-ĐT đang kêu gọi đóng góp ý kiến xây dựng phương án điểm sàn năm nay.

Điểm sàn nhằm mục tiêu tạo tiêu chuẩn tối thiểu cho đầu vào CĐ, ĐH

Hiến kế về xây dựng điểm sàn năm nay, ông Phạm Thành Công - phó Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, vài năm tới chưa thể bỏ được điểm sàn vì  việc có điểm sàn nhằm mục tiêu tạo tiêu chuẩn tối thiểu cho đầu vào CĐ, ĐH chung để: công bằng (giữa các cơ sở đào tạo, giữa các thí sinh muốn được xét vào học cùng một cơ sở đào tạo), tránh lãng phí thải loại trong quá trình đào tạo, cấm các cơ sở đào tạo tuyển bằng mọi giá. Việc quy định điểm sàn là nguyên nhân chính của kết quả nhiều cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu là không đúng vì: việc xác định điểm sàn đã tính tới tổng chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo cho CĐ, ĐH.
 
Việc điểm sàn ảnh hưởng đến tuyển thiếu của các cơ sở ngoài công lập là không có căn cứ vì một số trường công cũng không tuyển đủ trái với nhiều năm trước. Có lẽ một trong nguyên nhân chủ yếu là việc mở quá nhiều trường, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu có ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu hiện tại của nhà sử dụng lao động (SV học ngành X của trường tuyển thiếu đã tốt nghiệp hiện đang thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành đào tạo), chất lượng các trường không tuyển được có vấn đề, cơ sở vật chất, quản lý dạy và học của nhiều trường không đảm bảo...vv. Xã hội hiện nay có tâm lý không tin các cơ sở ngoài công lập (một số cơ sở tốt bị oan); việc đó có cơ sở: đa số các cơ sở vài năm trước tuyển được nay không là vì chính sản phẩm của các Trường là SV đã ra trường hay học năm thứ 2/ 3 đã thông tin/ phản ảnh về tình trạng trường, sự lo lắng của họ với xã hội.

Về nhiều ý kiến nên có 2 mức điểm sàn cho các trường tốp khác nhau, ông Công cho rằng: Không thể được trong nhiều năm tới vì chưa có cơ sở phân loại các trường, nếu phân loại cũng sẽ không chính xác và có hệ lụy. Việt Nam nên có tổ chức (tổ chức độc lập) xếp hạng các Trường tốp đầu (không nên xếp hạng tất cả vì mỗi bộ tiêu chí phục vụ 1 mục đích khác nhau, nếu có bộ tiêu chí tốt cũng ít có trường đạt được tất cả, vậy các trường tốt tiêu chí này không tốt tiêu chí khác thì xếp loại nào cho chính xác). Bộ giáo dục không nên là cơ quan Phân loại trường vì bộ là cơ quan quản lý, giúp đỡ.. các trường. nếu Bộ phân-loại vì tiêu chí.. thì sao không xử lý hay thực hiện khắc phục sai phạm để không phải phân-loại. Có điểm sàn mà vẫn có trường vi phạm thì bỏ sàn sao được.

Ông Công đề nghị: “Nên kéo dài thi ba chung đến khi việc đào tạo, đánh giá, thi tốt nghiệp THPT đảm bảo chất lượng, đủ tin cậy. Hiện nay mục tiêu của 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh là khác nhau nên không thể chung 1 lần đánh giá. Đối tượng tuyển là 1 (1 trường) nhưng phụ thuộc vài nghìn nơi (trường THPT mang tính địa phương) cung cấp kết quả đánh giá là không ổn. Thi 3 chung giúp tiết kiệm cho xã hội. Không thi mà tuyển học sinh học và thực hiện thải loại trong quá trình đào tạo là tốn kém: tốn kém tiền của sinh viên bị thải loại (gấp nhiều lần thi tuyển sinh), tốn thời gian tuổi trẻ của các sinh viên bị loại, tốn thời gian công sức của giảng viên và cơ sở đào tạo...

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm