Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:

“Cần chú trọng ngành khoa học cơ bản và nhân văn”

(Dân trí) - Chiều nay 17/9, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Huế và các trường ĐH, khoa thành viên ĐH Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với nhiều vấn đề về giáo dục.

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, giám đốc ĐH Huế, đã có bài giới thiệu về ĐH Huế. Hiện nay, ĐH Huế có 7 trường ĐH thành viên, 3 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu, 6 trung tâm, 1 viện nghiên cứu, 1 nhà xuất bản với 3.315 cán bộ viên chức lao động, trong đó có 2.220 giảng viên cơ hữu và giảng viên hợp đồng dài hạn. Tổng số có 165 GS, PGS, 355 tiến sĩ, 800 thạc sĩ, giảng viên cao cấp, giảng viên chính, 76 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú.

Sau 55 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế hiện là 1 trong 14 trường ĐH trọng điểm quốc gia, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung, Tây Nguyên.

“Cần chú trọng ngành khoa học cơ bản và nhân văn” - 1

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong buổi làm việc với ĐH Huế chiều nay 17/9.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về tình hình của khối khoa học cơ bản (tự nhiên) và khoa học nhân văn của trường ĐH Khoa học Huế, PGS.TS. Nguyễn Văn Tận, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong kỳ tuyển sinh năm nay, kể cả xét tuyển NV2 thì vẫn còn 17 trên tổng số 21 ngành trong trường còn thiếu SV. Trong đó các ngành Toán, Lý, Hóa có số thí sinh nộp hồ sơ vào ít và điểm thi thấp. Các ngành Hán Nôm, Ngôn ngữ, Triết mới chỉ có tổng số thí sinh nộp vào chưa đến 10 người mỗi ngành.

“Cần chú trọng ngành khoa học cơ bản và nhân văn” - 2

PGS.TS. Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng ĐH Khoa học (đứng) cho biết số học sinh vào học 2 khối ngành cơ bản và nhân văn đang rất ít tại trường

Tình trạng này do 2 nguyên nhân: Thứ nhất là thời buổi kinh tế thị trường, học sinh chỉ thích thi vào các ngành dễ có việc làm và thu nhập cao. Các học sinh giỏi Văn, Toán cũng chăm chăm thi vào các ngành Kinh tế. Thứ hai là do ngành khoa học cơ bản, khoa học nhân văn ử trường khó xin việc làm nên dù trường đã có các hình thức quảng bá, mỗi lớp đã có giáo viên tư vấn và kể cả biện pháp “trấn an” SV là khi ra trường sẽ được đào tạo chất lượng tốt. Nhưng hầu như các SV tại 2 ngành này đang giảm dần”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu lên, trong đợt thi ĐH, CĐ vừa qua, hiện tượng hàng ngàn SV có điểm rất thấp môn Lịch sử là một điều đáng báo động cho khoa học nhân văn; đồng thời sự phát triển của khoa học cơ bản ngày càng ít tạo nhiều khó khăn cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn. Hiện đang có tình trạng rất thiếu các cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản vì đại đa số HS đều muốn vào học những trường dễ xin việc. Qua đó, Phó Chủ tịch nước yêu cầu ĐH Huế cần chú trọng 2 ngành khoa học quan trọng này.

“Cần chú trọng ngành khoa học cơ bản và nhân văn” - 3

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, ĐH Huế cần chú trọng 2 ngành khoa học cơ bản và nhân văn.

Phó Chủ tịch nước cũng biểu dương ĐH Huế vì sự phát triển, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý nhà trường đối với SV là rất tốt. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý là tuy có nhiều đề tài khoa học tuy nhiên phải ứng dụng vào xã hội cho tốt. Cần phải có nhiều đề tài có tầm ảnh hưởng lớn trên khu vực. Phó Chủ tịch nước cũng cho biết là Bộ GD-ĐT đang tập trung đầu tư vào ĐH Huế để xứng tầm là một “Đại học nghiên cứu” để đào tạo ra nhiều cán bộ nghiên cứu giỏi cho đất nước.

Về vấn đề chung của giáo dục cả nước, Phó Chủ tịch nước đề nghị ĐH Huế để ý một số vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực cao, đẩy mạnh chất lượng đào tạo hướng ngành nghề SV với thực tế nhu cầu xã hội; tăng tính thực hành cho SV để SV có thể biết được nhiều vấn đề cụ thể trong môn học của mình; nâng cao chất lượng giáo viên tránh tình trạng thầy đọc - trò viết; bố trí hiệu quả các phòng ban tại các công trình vừa được xây dựng xong.

“Cần chú trọng ngành khoa học cơ bản và nhân văn” - 4
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng ảnh bác Hồ cho lãnh đạo ĐH Huế.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm