Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: “Thuốc bổ” hay “thuốc độc”?

(Dân trí) - Có nhiều nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh cho con mình học chữ trước khi vào lớp 1. Vậy thực sự, cho con trẻ tập đọc, tập viết trước khi vào lớp 1 là “liều thuốc bổ” hay “liều thuốc độc” đối với các con?

Nên để trẻ “mù chữ” trước 6 tuổi?

Mùa tựu trường sắp đến, hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Diệu Linh (Quan Hoa, Cầu Giấy) đã cho con gái sắp vào lớp 1 của mình đi học chữ. Chị Linh cho biết, bé là con đầu nên gia đình chưa nhiều kinh nghiệm về vấn đề này nhưng theo tham khảo từ nhiều gia đình nên chị quyết định tìm cô giáo cho bé đến học.

"Mình cũng không biết lợi hại thực tế đến đâu. Nhưng theo kinh nghiệm của một số gia đình chia sẻ lại, nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 thầy cô thường mặc định các con đã biết chữ rồi nên bé khó theo kịp bạn bè", phụ huynh này tâm sự.

Anh Hoàng Đức (Đống Đa, Hà Nội) lại nhất quyết không "can thiệp" trước thời hạn con đến trường học. Quan điểm của anh là: "Cái gì tự nhiên cũng tốt nhất, trẻ gần 6 tuổi đã phát triển khá đầy đủ. Nếu biết trước các bạn đồng trang lứa thì khi học con lại không chú ý mà lơ là, chểnh mảng".

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ.

Theo TS Hương, thời gian gần đây, phong trào dạy con học chữ trước đã phát triển rất mạnh. Dường như việc dạy trẻ trước đã trở thành một “cuộc đua” âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.

Chuyên gia này cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ.

"Trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt", TS Hương nhấn mạnh.

Nữ giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn chứng: "Trong một thí nghiệm mà chúng tôi làm với đám trẻ 5 tuổi, có 5 cháu chưa biết đọc và 5 cháu đã biết chữ. Trong số 5 cháu chưa biết chữ thì có 4 cháu đã biết bảng chữ cái và 1 cháu chưa biết gì. Chúng tôi cho trẻ đọc truyện tranh có các bức tranh to và lời thuyết minh ngắn (chừng 2 dòng) ở dưới. Cả 5 cháu biết chữ (biết đọc thành thạo) thì đều đọc khá chính xác câu chuyện. Nhưng 5 cháu chưa biết chữ thì đã kể cho chúng tôi 5 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt khi chúng tôi yêu cầu đọc lại 1 lần nữa thì 5 cháu biết đọc đã đọc lại câu chuyện như cũ còn 5 cháu không biết chữ thì lại kể cho chúng tôi 5 câu chuyện khác hẳn".

Thí nghiệm cho thấy, với 5 cháu biết chữ, các câu chuyện lúc nào cũng giống nhau còn với 5 cháu chưa biết chữ, mỗi lần đọc là lại 1 câu chuyện mới rất thú vị theo sự tưởng tượng của các cháu khi quan sát các bức tranh. Đây chính là sự sáng tạo đặc biệt của trẻ “mù chữ”.

"Như vậy, việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương phản đối việc cho trẻ học trước.

Trẻ có nhu cầu mà cha mẹ kìm hãm thì nguy hiểm

Là người rất quan tâm đến giáo dục, ông Đỗ Hoàng Sơn - giám đốc một công ty sách lại cho rằng: "Những đứa trẻ sống trong môi trường nhìn đâu cũng thấy chữ và số, quan sát thấy người lớn đọc sách, đọc chữ trên tivi, máy tính, chúng phát sinh nhu cầu cần đọc mà lại… cố gắng không dạy đọc cho chúng thì vô lý. Coi tất cả mọi đứa trẻ như nhau là vô lý. Một bộ phận trẻ nhỏ thích học ngay từ sớm mà bố mẹ lại kìm hãm thì nguy hiểm”.

Quan điểm của ông Sơn là “không được ép trẻ học và không được học”. Theo vị này, GS Ngô Bảo Châu hồi bé học có một hôm là biết đọc, do một chị hàng xóm lớn hơn 4 tuổi dạy. Trẻ em có nhiều nhóm khác nhau, nhóm muốn được học sớm (nhu cầu tự thân) và nhóm phải đến trường mới học vì đủ 6 tuổi, có nhóm 6 tuổi mà vẫn không thích học. Với nhóm trẻ em sáng dạ, có nhu cầu học sớm thì làm theo bài báo này mới là kìm hãm sáng tạo. Vấn đề là cha mẹ đừng có cố tình nhồi nhét, ép trẻ học sớm nếu nó chưa thấy cần. Ngược lại thì khi trẻ có nhu cầu thì đừng ngăn cản, cố gắng làm thế nào cho tốt với từng đứa trẻ cụ thể.

Là một giáo viên, anh Hoàng Trọng Hảo (TPHCM) cảm thán: "Điên mới cho trẻ học sớm! Tôi cũng đang có con 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, trừ trường hợp con đặc biệt thông minh, tự phát cần nhu cầu học thì không cản".

Học trước là bình thường, học thế nào mới quan trọng!

Một luồng ý kiến cho rằng, cho đi học không quá tai hại chỉ sợ mục đích và“liều lượng” sai.
Một luồng ý kiến cho rằng, cho đi học không quá tai hại chỉ sợ mục đích và“liều lượng” sai.

Là một phụ huynh có con thứ hai sắp bước vào lớp 1, anh Lê Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quan điểm: “Theo quan điểm tôi, đến nhảy còn phải lấy đà, chơi thể thao còn có khởi động nên việc đi học trước cũng là chấp nhận được. Quan trọng là học trước như thế nào cho phù hợp với con trẻ, vừa chơi vừa học hay nhồi lấy được. Khởi động đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả thể dục, thể thao nhưng sai thì tai hại. Học trước cũng vậy đối với con trẻ".

Đồng tình với ý kiến trên, phụ huynh Nguyễn Khánh Lân bày tỏ: “Ngay cả khi muốn học sớm thì cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải vì quỹ thời gian và sức khỏe có hạn. Nếu mục tiêu là đọc, viết thì là vớ vẩn. Mục tiêu phát triển thì cái đích là tuổi trưởng thành và đường còn xa lắm. Mình đã gặp trẻ đọc viết, tính toán như thần lúc 4 tuổi và cái tiếc nhất của cháu là chỉ quan tâm đến học. Ngay bản thân việc đọc sách, lúc đầu mình dụ con đọc bằng tiếng Anh, nửa năm sau mình cũng đã phải cấm con đọc. Lúc nào cũng đọc, lên trường cũng đọc, về nhà cũng đọc, tắt đèn đi ngủ cũng đọc trong khi cuộc sống còn rất nhiều chuyện. Đọc thì bao giờ hết sách".

Theo chị Nguyễn Khánh Vân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc đi học chữ trước khi vào lớp 1 là hết sức bình thường. Bởi lẽ, hàng trăm năm qua, trẻ em các nước tiên tiến trên thế giới đều đã biết đọc từ 5 tuổi.

Thạc sĩ giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, khó khăn của con khi vào lớp 1 đến từ sự thay đổi: Môi trường (mầm non sang lớp học), thay đổi tư duy trực quan hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với cô giáo chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế và tinh thần ham học hỏi, khám phá chứ không nhất thiết chuẩn bị cho con tập đọc, tập viết trước.

Lệ Thu (ghi)

Về chủ đề “Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1”, mời quý độc giả chia sẻ quan điểm phía dưới hoặc gửi đóng góp về hòm mail giaoduc@dantri.com.vn