Hà Tĩnh:
Cảm phục nhiều giáo viên khó khăn vẫn xung phong đi biệt phái
(Dân trí) - Hà Tĩnh đang triển khai giải pháp biệt phái giáo viên dôi dư tại địa phương này về công tác tại địa phương thiếu hụt. Thật cảm động là dù điều kiện gia đình nhiều khó khăn, nhưng nhiều giáo viên vẫn xung phong chuyển tới nơi công tác mới xa nhà cả trăm cây số.
Biệt phái để giảm tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, trước thềm năm học mới 2019-2020, hai địa phương này còn thiếu hơn 200 giáo viên ở các bậc học, trong số này chỉ tính riêng bậc THCS số giáo viên thiếu đã lên đến hơn 60 trường hợp.
Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến các trường học tại hai địa phương nói trên gặp quá nhiều khó khăn. Tại rất nhiều trường học, Hiệu trưởng cũng đã phải đứng lớp mới có thể hoàn tất chương trình dạy học theo đúng tiến độ.
Trước những khó khăn mà ngành giáo dục của hai địa phương này đang gặp phải, ngay trong dịp hè, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra giải pháp điều chuyển, biệt phái giáo viên dôi dư tại 8 địa phương còn lại trong tỉnh vào giảng dạy tại huyện và thị xã Kỳ Anh.
Cụ thể, ngày 13/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký quyết định phê duyệt 56 chỉ tiêu giáo viên THCS đi biệt phái tại hai địa phương trên.
Theo đó, huyện Kỳ Anh tiếp nhận 44 GV được biệt phái từ các huyện/thị: Thạch Hà (4 GV Toán Lý Tin), Can Lộc (2 GV Toán Lý Tin, 4 GV Văn Sử Địa GDCD, 2 GV tiếng Anh), Hương Khê (10 GV Văn Sử Địa GDCD), Hương Sơn (1 GV Toán Lý Tin), Vũ Quang (4 GV Toán Lý Tin), Đức Thọ (10 GV Toán Lý Tin), thị xã Hồng Lĩnh (4 GV Toán Lý Tin), Nghi Xuân (3 GV tiếng Anh).
Thị xã Kỳ Anh tiếp nhận 12 GV được biệt phái từ các huyện: Hương Khê (8 GV Toán Lý Tin), Vũ Quang (2 GV Hóa Sinh), Thạch Hà (2 GV tiếng Anh).
Thời gian biệt phái không quá 2 năm. Chế độ, chính sách đối với GV biệt phái được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 9/5/2019 của UBND tỉnh về Quy chế biệt phái GV tiểu học, THCS, THPT từ đơn vị thừa GV đến đơn vị thiếu GV.
Theo ghi nhận của Dân trí, đến thời điểm hiện tại đã có 40 giáo viên/56 giáo viên đã đi biệt phái. Số còn lại sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Số giáo viên đi biệt phái hiện đã an tâm dạy học tại điểm trường mới.
Cảm phục nhiều giáo viên khó khăn xung phong đi biệt phái
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, thành công bước đầu của giải pháp cử giáo viên ở các địa phương dôi dư đi biệt phái tại hai địa phương thiếu giáo viên trầm trọng có đóng góp không nhỏ của những giáo viên tự nguyện đi biệt phái.
Trường hợp của Thầy Nguyễn Sỹ Thiết (SN 1979, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Can Lộc) là một ví dụ điển hình.
Thầy Thiết trong quá trình giảng dạy học sinh tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết, SN 1979, có bố mẹ đều trên 70 tuổi, đang sống ở huyện miền núi Vũ Quang, bố là thương binh thời kỳ chống Mỹ. Nhà thầy lại ở xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) cách nơi công tác gần 45km, vợ công tác trong môi trường quân y.
Công việc đặc thù, vợ của thầy thường xuyên đi công tác đột xuất và trực đêm. Quãng đường xa, công việc của vợ bận rộn, gia đình thầy rất chật vật để sắp xếp thời gian lo việc ăn, học cho 2 con nhỏ cháu đầu học lớp 6, cháu thứ 2 học lớp 1.
Trong quá trình công tác, thầy Thiết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, 7 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và nhiều giải thưởng của ngành, là giáo viên giỏi huyện, đóng góp nổi bật cho các hoạt động của nhà trường trong vai trò Bí thư chi đoàn.
Thầy Thiết là một Bí thư chi đoàn xuất sắc.
Với những tiêu chí vừa nêu, thầy Thiết không nằm trong diện phải đi biệt phái dịp này. Thế nhưng, thầy đã khiến Ban giám hiệu nhà trường và toàn thể giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành trân quý, nể phục khi xung phong rời trường đến nơi công tác mới xa nhà hơn 120 cây số mà không hề suy nghĩ thiệt hơn.
“Tổ Văn – Sử - Địa – Giáo dục công dân của chúng tôi có 17 thầy cô, nhưng chỉ có 2 nam giới. Anh Thiết là người có chuyên môn, nhiệt huyết, lại luôn nhiệt thành với mọi người trong cuộc sống nên ai trong tổ, trong trường ai cũng quý mến.
Hôm xung phong đi biệt phái, anh còn nói: “Thiết xung phong đi để đỡ cho chị em trong tổ. Các bạn nữ con nhỏ, nhà xa đi sẽ vất vả, đàn ông dù sao cũng đỡ hơn nhiều”. Ai nghe cũng ứa nước mắt”- một nữ giáo viên dạy Văn ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành thuật lại.
Thầy Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Anh đánh giá rất cao suy nghĩ và việc xung phong đi biệt phái của thầy Thiết.
Thầy Thiết phát biểu hôm huyện Kỳ Anh tổ chức tiếp nhận các giáo viên biệt phái về công tác tại địa phương.
“Thầy Thiết được chúng tôi tiếp nhận, bố trí tại Trường THCS Kỳ Tây. Hôm huyện tổ chức tiếp nhận, chào đón các giáo viên biệt phái ở vùng ngoài vào, thầy Thiết có dành thời gian phát biểu. Từng câu nói của thầy, từ hoàn cảnh gia đình mà thầy trình bày đến quyết định đi biệt phái khiến ai trong khán phòng cũng cảm động. Thật trân quý với những con người như thầy Thiết”- thầy Quân xúc động nói.
Thầy Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, nơi có 12 giáo viên xung phong đi biệt phái cho biết, nhiều trường hợp ở huyện gia cảnh rất khó khăn nhưng vì chủ trương chung của tỉnh, vì lòng yêu nghề, vì tình yêu với học trò đã không nề hà thiệt hơn chuyển đến nơi công tác xa cả trăm cây số.
“Thầy Lê Xuân Viện, ở Trường THCS Chu Văn An, là thạc sỹ, giáo viên dạy giỏi tỉnh, có bố đang bị ung thư, nuôi con nhỏ; hay có trường hợp đã 53 tuổi (quy định của tỉnh không biệt phái thầy cô trên 50 tuổi) nhưng vẫn tình nguyện viết đơn xin đi biệt phái. Họ là 2 trong số 12 giáo viên chủ động xin đi biệt phái đáng trân quý của chúng tôi. Nhờ những con người như thế nên phòng chúng tôi cũng bớt đi khó khăn trong việc thực hiện chủ trương cử giáo viên đi biệt phái của tỉnh”- thầy Hùng xúc động nói.
Văn Dũng