Cảm phục khát vọng sống của nữ sinh mồ côi bị dị tật 61%

(Dân trí) - Cha mất vì ung thư, mẹ bị u nang mất sức lao động, em gái mắc bệnh tim bẩm sinh, bản thân bị dị tật đến 61% thế nhưng với một nghị lực phi thường, Phạm Thuý An - cô sinh viên năm 3 Trường Đại học Cần Thơ vẫn có thành tích học xuất sắc và được ghi tên vào bảng vàng của trường.

Phạm Thúy An là một trong 10 nhân vật được tuyên dương trong chương trình giao lưu “Khát vọng sống” do báo Phụ nữ TPHCM tổ chức tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành mới đây. Tinh thần “phải sống” của Thúy An đã được chia sẻ với 300 các đoàn viên, thanh niên đang theo học tại các trường ĐH ở TPHCM.


Cô sinh viên Phạm Thúy An với gương mặt tự tin dù gặp nhiều khó khăn về hoàn cảnh gia đình và bản thân bị khuyết tật

Cô sinh viên Phạm Thúy An với gương mặt tự tin dù gặp nhiều khó khăn về hoàn cảnh gia đình và bản thân bị khuyết tật

Khi sinh ra, cô bé Phạm Thúy An không có đôi bàn tay, bàn chân lành lặn như người bình thường mà chỉ như một khối thịt dính lại, không có ngón. Từ lúc bé, An đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để bác sĩ tách khối thịt ra theo hình dạng các ngón tay (trừ ngón út là rõ hình ngón, các ngón còn lại đều ngắn - PV). Đến gần 3 tuổi, em vẫn chỉ có thể ngồi một chỗ, không thể tự đi đứng nhưng rồi thấy bạn bè chạy nhảy, An cũng bắt đầu tập đứng, rồi đi.

Đến tuổi đi học, An lại mày mò tập cầm bút viết chữ bằng đôi tay không lành lặn của mình. Tập viết ,cô bé lại lén tập chạy xe đạp trên đôi bàn chân không có ngón của mình vì ba mẹ không có thời gian đưa đón em đi học. Một bên bàn chân bị lật ngược cộng thêm tứ chi không có đủ ngón nên số lần An té ngã trên đường đến trường không phải là ít. Không nhục chí, em vẫn vững vàng bước tiếp sau những cú té ngã ấy.

Cuộc sống không mỉm cười với cô bé này khi cha em mắc bệnh ung thư đã qua đời. Người mẹ tảo tần gánh vác nuôi con nhỏ lại bị u nang nên cũng không có sức khoẻ để làm việc. Em gái của An cũng mắc bệnh tim dễ bị kích động. Thế nhưng Thúy An không cảm thấy bế tắc, không trách “ông trời bất công” mà nỗ lực vươn lên.

An đã luôn cố gắng học tập và em tốt nghiệp THPT loại giỏi, sau đó đỗ vào ngành công nghệ sinh học của trường ĐH Cần Thơ. Vào đại học, có thời điểm tưởng chừng An sẽ bị chuyển ngành bởi thầy cô lo ngại em không có ngón tay, ngón chân thì làm sao học được ngành đòi hỏi sự khéo léo, chính xác của đôi tay khi làm thí nghiệm. Nhưng An đã thuyết phục các thầy cô rằng: “Em muốn học công nghệ sinh học. Em cầm kim cấy được! Em cầm pipette được!...".


Phạm Thúy An (thứ 2 từ phải sang) và các nhân vật trong buổi giao lưu Khát vọng sống với sinh viên TPHCM

Phạm Thúy An (thứ 2 từ phải sang) và các nhân vật trong buổi giao lưu Khát vọng sống với sinh viên TPHCM

Không phụ lòng những người thầy, Thúy An đã khẳng định mình khi trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất trường với kết quả học tập 3.6/4. An được ghi tên lên bảng vàng của Trường ĐH Cần Thơ khi là sinh viên xuất sắc tiêu biểu của khối K39.

Không chỉ tự chăm lo cho bản thân, đi học, đi làm thêm để kiếm sống, An còn tham gia các hoạt động từ thiện của Hội khuyết tật TP Cần Thơ để giúp đỡ những người khó khăn hơn. An cũng khiến mọi người phải ngả mũ thán phục khi vẽ tranh màu nước rất đẹp và chơi cờ vua giỏi.

Trong buổi giao lưu với sinh viên TPHCM, khi được hỏi điểm tựa nào để có thể vượt qua khiếm khuyết của bản thân mình Thúy An bộc bạch một cách giản dị rằng “gia đình và mẹ luôn động viên tinh thần em. Đó là động lực to lớn để em cố gắng sống lạc quan và học tập".

An chia sẻ thêm rằng: "Khuyết điểm của em là trước đây từng tự ti, mặc cảm khi mọi người đều nhìn em bằng ánh mắt thương cảm, hiếu kỳ. Nhưng rồi cũng quen, em không thích trách cứ số phận, số phận khó khăn làm cho mình mạnh mẽ hơn. Em nghĩ mình có thể làm được như người bình thường và phải cố gắng gấp đôi so với những người khác”.

Có thể nói, câu chuyện về nghị lực sống của An sẽ là một bài học về sự sống và sống làm sao cho xứng đáng khi còn có thể cho các bạn trẻ ngày nay.

Lan tỏa tinh thần "phải sống"

Ngoài sinh viên Phạm Thúy An, buổi giao lưu “Khát vọng sống” còn có những nhân vật không chịu đầu hàng số phận nghịch cảnh, tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo… Họ đã không chùn bước trước nghịch cảnh, nỗi đau, nỗ lực hết mình để vượt qua, với khát khao cháy bỏng được sống đẹp, được hạnh phúc, được là người có ích.

Đó là hai em bé dũng cảm như Nguyễn Minh Thanh, Nguyễn Minh Thư đang chiến đấu với với căn bệnh xương thủy tinh với hơn 80 lần bị gãy xương. Là em Nguyễn Thị Thu Đoan, bị câm điếc bẩm sinh đã nỗ lực hết mình để nói, nghe và đi học. Là chị Ngô Thu Dung - bà mẹ đã cứu hai con trai thoát khỏi tình trạng truyền máu song thai. Anh Đặng Văn Chánh dù bị mù, nhưng anh vẫn là trụ cột của gia đình, bốc vác, chạy xe ôm…và mong muốn được sáng mắt của anh đã thành hiện thực. Hay như chị Nguyễn Thị Ngọc, người bị tai nạn trải qua 4 lần cưa chân, 2 lần khoan xương để lắp chân giả, rồi tiếp tục đương đầu với bệnh ung thư, để tiếp tục sống một cuộc đời hạnh phúc….

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm