Hệ tại chức - đứa con bị từ chối:

Các trường đào tạo tại chức lên tiếng

Từ góc độ là những nơi cung cấp cho xã hội những “sản phẩm” tại chức, đại diện một số trường đại học đã lên tiếng.

Từng nhận được thông báo của SV về chuyện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc từ chối tuyển dụng SV tốt nghiệp trường mình, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: “Lúc đó vừa buồn, vừa bức xúc”.

Nhiều người vừa đi làm vừa nỗ lực học tập để nâng cao trình độ.
Nhiều người vừa đi làm vừa nỗ lực học tập để nâng cao trình độ. Trong ảnh: Một lớp hệ vừa làm vừa học của Trường ĐH Sài Gòn. (Ảnh: Như Hùng)
 
Chuẩn đầu ra... chưa chuẩn
 
“Trường có chương trình đào tạo chất lượng cao mà SV vừa ra trường đã bị từ chối tuyển dụng ở tỉnh, làm sao không xót? Tôi đã thử đặt mình ở vị trí của SV và hiểu cảm giác thật sự sốc của các em. Ngay lập tức trường có công văn gửi Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, đồng thời lãnh đạo trường lên làm việc trực tiếp với tỉnh. Cái lý của tỉnh là lo chương trình đào tạo của nhà trường dành ít thời lượng cho nghiệp vụ sư phạm. Trường đã phải chứng minh ngược lại mô hình đào tạo của nhà trường tiệm cận với chương trình của nhiều nước tiên tiến. Chính nhà trường đã đứng ra thuyết phục để tỉnh phải mở cửa trở lại với SV của mình” - GS Lộc nói. 

Bắt đầu ít người học

 
Thực tế, việc một số tỉnh từ chối người tốt nghiệp tại chức kéo dài suốt mấy năm gần đây cũng làm nguồn tuyển sinh của nhiều trường CĐ, ĐH đối với các hệ diện ngoài ĐH chính quy này bị bó hẹp. Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), theo bà Vũ Thúy Quỳnh, nguồn tuyển sinh đã vắng đi nhiều, chỉ còn lại nguồn liên thông ĐH (chủ yếu theo đơn đặt hàng của các tỉnh) và văn bằng 2 không chính quy cho người đang đi làm.
 
Theo GS Lộc, ở VN hiện chưa có những rạch ròi về xếp hạng từng trường, thương hiệu của nhà trường là do xã hội công nhận. Các trường ĐH công lập đã được Chính phủ cho phép thành lập, nghĩa là ít nhất nó đã được xem xét về mặt pháp nhân, có sự bảo đảm nhất định về chất lượng đào tạo. Song thực tế, nhà tuyển dụng vẫn đưa ra những tiêu chuẩn để từ chối hay chấp nhận, tức họ có lý do để phân định chất lượng. “Chất lượng đào tạo thật sự chưa đồng đều khi nhiều trường ĐH địa phương đào tạo sư phạm mới vừa được nâng từ trường CĐ sư phạm của tỉnh lên” - GS Lộc nói.
 
Là lựa chọn hàng đầu của tất cả sở GD-ĐT, các trường THPT phía Bắc, nhưng lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định yếu tố bảo đảm chất lượng, xây dựng chuẩn thật sự cho hệ thống đào tạo sư phạm hiện nay vẫn chưa... chuẩn.
 
Rào cản cho các trường
 
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng về luật pháp, các loại bằng cấp đều bình đẳng và có giá trị như nhau. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có quyền đưa ra các yêu cầu để tuyển người phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình. Vấn đề là tuyển được người đáp ứng được yêu cầu đặt ra, như thế tại sao không thi tuyển? Theo ông Hồng, hiện các trường đang cố gắng nâng cao chất lượng, thu hẹp khoảng cách đào tạo ở các hình thức đào tạo khác nhau. Việc phân biệt này sẽ là rào cản trong nỗ lực của các trường. Ông Hồng lý giải: nếu người học tại chức học tốt, có việc làm tốt sẽ khuyến khích người học nỗ lực hơn, đầu vào tốt hơn, đầu ra cũng sẽ cao hơn.
 
Tương tự, ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - tuy khẳng định chất lượng đào tạo tại chức không bằng chính quy, nhưng cho biết không nên đánh giá năng lực của người học thông qua tấm bằng bởi nó mới chỉ phản ánh một cách định tính. Cần phải khảo sát năng lực thực tế thông qua thi tuyển để có đánh giá toàn diện hơn.
 
Theo ThS Vũ Thúy Quỳnh - trưởng khoa tại chức Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc một số tỉnh từ chối hệ đào tạo tại chức ngay trong tuyển dụng giáo viên chứng tỏ họ nhìn thấy “vấn đề” trong lịch sử tuyển dụng, đào tạo của họ. Tuy nhiên, không thể vì thế đánh đồng tất cả học viên tại chức như nhau.
 
Theo Ngọc Hà - Minh Giảng
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm