Các trường đại học tuyển sinh ngành bán dẫn năm 2025
(Dân trí) - Có 7 trường đại học tại Hà Nội tuyển sinh ngành bán dẫn năm 2025 với mức học phí cao nhất vào khoảng 58 triệu đồng/năm.
Năm 2025, nhiều trường đại học top đầu tại Hà Nội lần đầu mở chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành bán dẫn. Trong số này có 3 trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Việt Nhật.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở ngành Công nghệ bán dẫn và dự kiến tuyển 140 chỉ tiêu. Chương trình này có lộ trình liên thông sau đại học tại các trường danh tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ...
Dự kiến mỗi năm nhà trường dành 100 suất học bổng cho sinh viên theo học chương trình thạc sỹ/tiến sỹ ở các nước nói trên.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngành Công nghệ bán dẫn của Trường Đại học Khoa học tự nhiên xét tuyển 6 tổ hợp gồm: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), A02 (toán, lý, sinh), C01 (toán, lý, văn), C02 (toán, hóa, văn), B00 (toán, hóa, sinh) và D07 (toán, hóa, tiếng Anh).
Trường Đại học Công nghệ tuyển sinh hai ngành học mới liên quan đến vi mạch bán dẫn là Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch điện tử và Công nghệ vật liệu - vi điện tử.
Tổng chỉ tiêu vào khoảng 600.
Trường xét tuyển các tổ hợp: A00, A01, D01 và 2 tổ hợp mới: toán, tin, tiếng Anh; toán, lý, tiếng Anh.
Trường Đại học Việt Nhật cũng dự kiến dành 100 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ chíp bán dẫn - ESCT với mức học phí vào khoảng 58 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn trong năm nay. Tuy nhiên trường chưa công bố phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Vật lý học - chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật. Dự kiến có 120 chỉ tiêu cho ngành này.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bước sang năm thứ hai đào tạo cử nhân ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn với chương trình 3 năm, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Chương trình được thiết kế liên ngành giữa toán học - vật lý - điện tử - khoa học vật liệu và tin học dữ liệu.
Vào năm thứ 3, sinh viên sẽ có thời gian thực tập tốt nghiệp trong khoảng 3-6 tháng tại các viện, trung tâm nghiên cứu, công ty/tập đoàn công nghiệp tại Việt Nam, Pháp và một số quốc gia khác.
Trường chưa công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 cho ngành này.
Đại học Bách khoa Hà Nội không có ngành bán dẫn nhưng có ngành gần là Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Học phí của ngành này vào khoảng 22-28 triệu đồng/năm.
STT | Trường | Chỉ tiêu | Học phí dự kiến (triệu đồng/năm) |
1 | ĐH Khoa học tự nhiên | 140 | 15-37 |
2 | ĐH Công nghệ | 600 | 32-40 |
3 | ĐH Việt Nhật | 100 | 58 |
4 | ĐH Công nghiệp | - | - |
5 | ĐH Sư phạm Hà Nội | 120 | - |
6 | ĐH Khoa học và Công nghệ | - | 56 |
7 | ĐH Bách Khoa Hà Nội | 180 | 22-28 |
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất, đóng gói và kiểm thử chip, 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành bán dẫn.
Trong 5 năm tới, dự báo nhu cầu thị trường vào khoảng 20.000 người có trình độ đại học trở lên cho ngành công nghệ bán dẫn.