1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Các trường đại học lo ngại chất lượng đầu vào sau những vụ tiêu cực sửa điểm thi

(Dân trí) - Hầu hết các trường ĐH dựa vào kết quả thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển chính vì thế việc một số địa phương “lộ” chuyện can thiệp bài thi, nâng điểm khiến đại diện nhiều trường ĐH không khỏi lo lắng.

Đỉnh điểm của vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang là một cú sốc lớn với xã hội, hơn 300 bài thi được nâng điểm. Đồng thời 114 thí sinh đạt mức điểm chênh lệch với mức điểm thực của mình sau khi được chấm thẩm định, có trường hợp được nâng đến gần 30 điểm/3 môn. Điều này khiến các trường tốp trên vốn tuyển những thí sinh đạt điểm cao không khỏi giật mình, lo lắng.

Kỳ vọng Bộ GD-ĐT vào cuộc mạnh mẽ, chấn chỉnh tiêu cực

PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – một trường đào tạo ngành y lớn thứ 2 ở TPHCM chia sẻ rằng việc sửa điểm một cách chót vót như ở Hà Giang vừa qua và thậm chí có nghi vấn lan sang các địa phương khác quả thật khiến ông cảm thấy rất lo lắng. Bởi trong lĩnh vực y thì chất lượng đào tạo ở bậc đại học của các trường không chỉ phụ thuộc vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà còn đòi hỏi chất lượng đầu vào.

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở để các trường ĐH tuyển sinh​ (ảnh minh hoạ)
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở để các trường ĐH tuyển sinh​ (ảnh minh hoạ)

“Trong tuyển sinh của ngành y, chúng tôi yêu cầu phải chọn được người giỏi để sau này có thể theo kịp cũng như đáp ứng được chương trình học. Tôi nghĩ việc sửa một vài điểm đã là không nên, đằng này sửa tới mấy chục điểm thì không thể chấp nhận được. Nếu những thí sinh mà được nâng điểm như thế có thể trúng tuyển vào trường tôi thì chắc 1-2 năm sau cũng có thể bị thôi học vì làm sau khả năng có thể theo nổi chương trình học. Lúc đó không chỉ gây lãng phí cho các trường mà cũng sẽ vừa lãng phí thời gian và tiền bạc của chính thí sinh”, ông Xuân bày tỏ.

Trước thông tin tiêu cực không chỉ xảy ra ở Hà Giang mà có khả năng có ở các tỉnh khác, PGS.TS Ngô Minh Xuân cũng thấy lo ngại điều này điều này làm mất công bằng cho những thí sinh khác. “Nguyên tắc tuyển sinh là xét điểm từ trên xuống đến khi đạt đủ chỉ tiêu vì vậy nếu những thí sinh điểm giả với mức điểm chênh lên đến cả chục điểm ấy không bị phát hiện sẽ đẩy những thí sinh học giỏi thật sự lại rớt ra ngoài. Chính vì vậy, các trường ĐH chúng tôi kỳ vọng vào sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT và cũng chưa thể đưa ra những phương án nào khác để đối phó với tình trạng này. Hi vọng Bộ sẽ chấn chỉnh một cách chặt chẽ tình trạng tiêu cực thi ở một số tỉnh, để không xảy ra sự cố lớn hơn nữa”, ông Xuân nhấn mạnh.

Một phó trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH thuộc top trên ở TPHCM cũng bày tỏ sự bức xúc: “trước những vấn đề tiêu cực được phát hiện, bản thân trường ĐH chúng tôi rất quan ngại. Dù tôi nghĩ chuyện tiêu cực chỉ xảy ra ở một số địa phương nhưng những hành vi này đánh vào niềm tin của xã hội về sự công bằng, nghiêm túc của một kỳ thi quan trọng của quốc gia”.

Còn theo thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TPHCM, việc sai phạm ở Hà Giang, các cơ quan chức năng cần xem lại việc công nhận kết quả tốt nghiệp ở địa phương này. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ những địa phương có tiêu cực, việc chấm bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi THPT quốc gia nên chấm chéo giữa các tỉnh, đồng thời chỉ nên cung cấp đáp án sau khi các hội đồng chấm đã quét xong bài trắc nghiệm.

Giải pháp nào để đầu vào ĐH thực chất?

Lãnh đạo trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết chưa có phương án nào khác thay cho việc sử dụng kết quả thi THTP quốc gia để tuyển sinh. Tuy vậy, ông Xuân cho rằng “trong quá trình đào tạo tại trường sẽ có sự đào thải rất lớn, quá trình đào tạo nhà trường cũng sẽ rà soát lại, chứ không phải đầu vào dễ dàng là ra trường được dễ. Nếu các em học không tốt thì cao lắm chỉ học được tới năm thứ 3-4 thôi, khó theo đuổi hết 6 năm học được”.

Một số trường ĐH phía Nam đã tự đứng ra tổ chức các kỳ đánh giá năng lực để thêm phương án tuyển sinh đầu vào
Một số trường ĐH phía Nam đã tự đứng ra tổ chức các kỳ đánh giá năng lực để thêm phương án tuyển sinh đầu vào

Phó trưởng phòng đào tạo của trường ĐH nói ở trên cũng cho rằng “Cần phải xem lại chuyện do lo ngại tốn kém mà dồn 2 kỳ thi thì không hẳn là tốt. Thực tế nhiều phụ huynh, thí sinh đã đầu tư suốt 12 năm học, nếu phải thi thêm vài ba ngày để vào được trường mình muốn thì tôi nghĩ nó cũng không phải quá tốn kém. Bằng chứng là vừa rồi một số trường tự đứng ra tổ chức thi kiểm tra năng lực thì cũng có đông thí sinh tham gia. Nếu học sinh thấy cần thiết thì họ tự tham gia, còn không thì thôi”.

Mặc dù quan ngại chất lượng thí sinh sau hàng loạt tiêu cực điểm thi nhưng vị này cũng thừa nhận: “Bản thân các trường cũng rất muốn thay đổi phương thức tuyển sinh để không quá phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng để làm được tôi cho rằng cần phải có lộ trình. Bởi vì không phải trường ĐH cũng đủ khả năng xây dựng được đề thi để tự tổ chức một kỳ đánh giá riêng. Chỉ các ĐH Quốc gia với lợi thế có nhiều ngành nghề, bộ môn thì họ có thể đứng ra xây dựng ngân hàng đề thi, còn bản thân các trường ĐH riêng lẻ thì chưa đủ tiềm lực cũng như khả năng thực hiện”.

“Trước đây chúng tôi từng đề xuất Bộ GD-ĐT nên có một trung tâm kiểm định độc lập đứng ra tổ chức một kỳ thi chung và sau đó các ĐH có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển. Bởi thực tế, thi phổ thông chỉ để đánh giá kiến thức chung nhất để đạt được một trình độ nhất định sau khi học hết chương trình; còn để tuyển sinh thì phải là kỳ thi năng lực để đánh giá sự vượt trội của những tốp thí sinh khác nhau, để các trường ĐH căn cứ vào đó xét tuyển lại là chuyện khác”, vị cán bộ quản lý đào tạo nói.

Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc trung tâm tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm thì cho rằng, kỳ thi THPT vẫn nên được duy trì, kỳ thi chung cho cả nước sẽ giúp đánh giá chất lượng chung. Những dữ liệu liệu của kỳ đánh giá chung này nên có phân tích theo nhiều khía cạnh để từ đó đưa ra giải pháp cho việc cải tiến chất lượng ở các địa phương, thậm chí ở từng trường THPT.

Theo ông Sơn, sự cố ở Hà Giang chỉ là những con sâu làm ảnh hưởng đến uy tín của kỳ thi nhưng cũng từ đó Bộ cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa thì nên thay đổi một chút phương án tổ chức, để kỳ thi được an toàn hơn. “Ví dụ như công tác thi vẫn do địa phương tổ chức và có sự phối hợp của các trường đại học. Công tác chấm thi trắc nghiệm nên tập trung theo khu vực và các tỉnh sẽ phân công người tham gia ban chấm thi theo cụm này, với chấm tự luận có thể tập trung cắt phách tập trung và sau đó giao về tỉnh chấm”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Sơn đề xuất “chuẩn bị cho việc hình thành các trung tâm khảo thí cấp quốc gia thì trong những năm tới cần đầu tư nhiều hơn nữa trong khâu ra đề để có được sự đánh giá chất lượng. Đầu tư thêm cho hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ cho kỳ thi và tiến đến sẽ áp dụng thi trên hệ thống internet khi đã xây dựng được các trung tâm khảo thí quốc gia”.

Đồng thời, ông cho rằng các trường đại học cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng phương án xét tuyển, đánh giá chất lượng đầu vào chứ không nên chỉ trông vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. “Hiện nhiều trường cũng đã có những đợt đánh giá riêng kết hợp với kết quả kỳ thi để tuyển sinh, rõ ràng đây là hướng đi đúng, tự chủ của các trường. Tuy nhiên không phải tất cả các trường đều đủ năng lực làm công tác này nên thực sự vẫn rất cần những trung tâm khảo thí tầm cỡ quốc gia để thực hiện dịch vụ đánh giá cho các trường”, ông Sơn nêu ý kiến.

Lê Phương (ghi)