Các đại học góp 46 đề tài nghiên cứu giúp TPHCM phát triển đột phá
(Dân trí) - Mới đây, UBND TP.HCM đã có cuộc họp Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP quý I năm 2018 nhằm nhìn lại kết quả hoạt động năm 2017 và bàn kế hoạch hoạt động năm 2018. Tính đến nay, các trường đã có 46 đề tài nghiên cứu khoa học để thực hiện chương trình đột phá của thành phố.
Trong số 46 đề tài nghiên cứu khoa học được các trường ĐH đăng ký thì chủ yếu liên quan đến các vấn đề thành phố đang gặp khó khăn như chống ùn tắc giao thông, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi nghiệp cho sinh viên, tái sử dụng chất thải, phát triển công nghệ phụ trợ…
Ngoài ra, có 6 chương trình - đề án được các trường là ĐH Kinh tế, ĐH Luật, ĐH Sư phạm đăng ký, tập trung chủ yếu vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố trên các lĩnh vực: quản lý công, tài chính công, du lịch, kinh doanh, kinh tế, quản lý, giáo dục và ngoại ngữ.
Đặc biệt, phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM sẽ hình thành một khu Đô thị ĐH quốc tế và đề nghị các trường ĐH đẩy mạnh mời các trường danh tiếng trên thế giới đến đầu tư.
Theo ông Phong, “Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có thêm 500.000 doanh nghiệp được thành lập mới, riêng TP.HCM cố gắng có 50% con số này. Muốn vậy cần có cơ chế thuận lợi để tạo “lực hấp dẫn” với người dân”. Ông Phong cho biết, 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP hiện nay gồm: công nghệ thông tin, điện tử, hóa nhựa và chế biến lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, một số ngành cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh như tài chính, du lịch, logistics… Năm 2017, TP đã thu hút gần 6 triệu lượt khách du lịch đến thăm, tuy nhiên đây chỉ là số lượng và cần tính được thời gian lưu trú và số tiền được du khách tiêu trong thời gian ở lại TP.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” cần giải quyết của thành phố cũng được đặt ra như xử lý rác thải sinh hoạt đã khoảng 8.500 tấn và công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp và tái chế nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Thành phố mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư để hướng đến cách xử lý công nghệ cao biến rác thải thành năng lượng.
Cũng theo ông Phong, chỉ tính riêng xe gắn máy TP hiện có gần 8 triệu chiếc, ô tô cá nhân 4 chỗ khoảng 700.000 chiếc. Trong quý 1 năm 2017, mỗi ngày TP có 1.000 phương tiện được đăng ký mới. Trong khi đó tiêu chuẩn đất dành cho giao thông của một đô thị hiện đại phải trên 22% nhưng thành phố hiện chỉ có khoảng 8%. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân mà còn tác động lớn đến sự tăng trưởng kinh tế…
Từ những số liệu trên, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, đề án thành phố thông minh là một trong những giải pháp để giải quyết các vấn đề trên. Trong năm 2018 nhiệm vụ cụ thể của đề án này là hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng trung tâm tài chính TP, hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Phong nói: “Thành phố rất coi trọng việc huy động lực lượng trí thức trong việc phát triển kinh tế xã hội. Với hơn 8.000 giáo sư-tiến sĩ, đây là nguồn lực vô cùng lớn nhưng chưa có cơ chế nào phát huy được. Vì vậy việc hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH chính là cách để huy động nguồn lực này”.
Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM được thành lập năm 2017 theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM. Hội đồng này hiện gồm 6 hội đồng hiểu trưởng các khối ngành: sư phạm, sức khỏe, văn hóa-nghệ thuật-du lịch-xã hội và nhân văn, kỹ thuật-công nghệ, kinh tế, chính trị-pháp luật.
Lê Phương