Các chiêu thắt chặt hầu bao của SV đầu năm học
(Dân trí) - Mọi thứ ở khu trọ đều tăng đến chóng mặt, đồng nghĩa với việc nhiều sinh viên phải tiết kiệm mọi lúc mọi nơi mới mong xoay xở nổi trong cuộc sống thường nhật. Thay vì trọ gần trường trong nội thành, nhiều bạn dọn ra các vùng ven để giảm bớt chi tiêu.
Các khoản phí đều bị chủ trọ tăng
Giữa lúc giá cả leo thang, đời sống khó khăn, học sinh, sinh viên (SV) đi thuê trọ còn phải chịu đủ các kiểu “hét giá” của chủ nhà. Căn phòng chừng 4m2, thế nhưng ông Hoàng chủ trọ (quận 4, TPHCM) treo bảng tận 1,5 triệu đồng khiến 3 chị em Lê Thu - ĐH Nguyễn Tất Thành “méo mặt”. “Có đầy những cái vô lý, nếu không nói là bóc lột, nhưng nếu không theo thì họ đuổi. Họ có nhà cho thuê thì họ là ông trời. Mình muốn ở thì phải chiều theo ý trời vậy...”, Thu ngao ngán cho biết.
Lọ mọ đi tìm nhà trọ mới, Minh, SV năm 2 ĐH Nông lâm bức xúc: “Viện cớ đầu năm học mới, nhiều người kiếm phòng còn không có, chủ nhà chỗ mình đòi tăng tất tần tật các loại tiền. Thêm người mới là đóng thêm 200.000 đồng, nước tháng trước là 100.000 đồng, giờ là 120.000 đồng/người, còn giá điện thì tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng/kWh… đến tiền vệ sinh khu trọ cũng không tha trong khi mình tự dọn tự gom rác mà”.
Tranh thủ lúc thịt heo rẻ để có được bữa ăn tươi.
Ngoài các khoản bất di bất dịch trên, chủ nhà của Ngọc Thương - ĐH Công nghệ Thông tin còn thu thêm cả tiền “tu bổ” phòng cũ. Phòng nào dọn đến bữa đầu bữa sau là ông chủ thông báo phải đóng thêm 300.000 đồng cho việc tường nứt, sơn mờ thậm chí là sàn nhà bị bể nát. Cả xóm trọ của Thương gần 20 phòng, mỗi đợt chủ nhà cũng thu được hơn 6 triệu mà theo chủ nhà giải thích là để... sơn lại phòng khi họ dọn đi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các khu trọ trong nội thành nhiều nơi vùng ven cũng xảy ra tình trạng chủ nhà trọ tìm cách “tăng thu nhập” với kiểu “tận thu oái oăm” như tăng tiền mạng Internet, tiền điện cầu thang, tiền an ninh trật tự khu phố… khiến SV đành cắn răng chịu đựng vì một thực tế là đi tìm nhà mới cũng khó, chưa kể có thể nơi khác rồi cũng vậy.
Hạn chế của nhà, xài "của chùa"
Bước vào năm học mới, ngoài những khoản phải đóng cho nhà trường thì tiền ăn, tiền trọ… đã khiến nhiều SV sống chật vật. Thương bố mẹ ở quê phải nai lưng kiếm từng đồng, họ đành chấp nhận, ở chật, ăn đói và giải pháp tiết kiệm là tiêu chí hàng đầu.
Trước còn chịu được, giờ cái gì cũng tăng giá, tiền gia đình gửi thì có hạn, chỉ có thể cắt xén tiền ăn. "Cái gì cũng tăng như thế này, làm sao mà bọn mình sống nổi..." là câu cửa miệng của nhiều SV năm 2, năm 3.
Các bạn gái sống tiết kiệm hơn với rau luộc và đĩa dưa chua.
Thay vì trọ gần trường trong nội thành, nhiều bạn dọn ra sống ở các vùng ven để bớt các khoản chi tiêu. Hiện đang trọ cùng anh chị của mình xa trung tâm TP hơn 20 km, hàng ngày Vũ Thị Loan (quê Quảng Trị) phải chen chân hàng giờ trên xe buýt để đến một trường ĐH ở quận 1 học. Thất thểu sau quãng đường xa, Loan thấm thía cảnh chật vật kiếm sống nơi thành thị. Cô gái 18 tuổi với nước da rám nắng, dáng vẻ chân chất này trông như già hơn bạn bè cùng trang lứa.
Từ bỏ thói quen ăn sáng, chấp nhận nhịn đến trưa để tiết kiệm suất ăn 15.000 đồng, trưa về tất tả ăn mì gói, rồi lại chạy vào thư viện ngồi đến tối mịt mới về, Hoàng Văn Hà - ĐH Khoa học Tự nhiên (Thủ Đức) ngậm ngùi: “Ở nhà buổi trưa nóng lắm, dùng quạt sợ tốn điện mình và 2 đứa bạn rủ nhau vào trường hưởng máy lạnh miễn phí, vừa học được bài vừa tránh cái nóng đến khô người”.
Còn bạn Quang, SV năm 2 ĐH Luật không ngần ngại chia sẻ bí quyết tiết kiệm điện đã tích lũy được trong quá trình ở trọ. Đó là buổi tối học bài dùng đèn bàn bóng nhỏ vừa đủ ánh sáng cho một người; ban ngày mở cửa đón ánh sáng tự nhiên, không bật đèn; nồi cơm điện dùng loại nhỏ nhất vì chỉ có một mình... Quang cũng có thủ thuật nhỏ khi ngồi nhiều bên máy tính: “Học ở trường dùng dây sạc, đến khi về nhà xài cục pin dự trữ đã nạp sẵn. Học bài hết 3 tiếng cũng là lúc máy hết pin là mình đi ngủ, đỡ một số điện là đỡ 4.000 đồng”.
Hải Thanh