Bốn phương thuốc trị bạo lực học đường
Vì ai, vì đâu mà các em học sinh thơ ngây lại trở nên dửng dưng, vô cảm trước cảnh bạo lực học đường đến thế?
Hãy đứng ở vị trí các em...
Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng chương trình giáo dục của ta đang quá dài và nặng. Nhưng chúng ta phải làm gì để bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh cho học sinh? Thay đổi cơ chế giáo dục ư? Rất thiết thực! Nhưng bắt đầu từ đâu và khi nào thì tiến hành?
Giờ đây, học sinh - thế hệ trẻ thân yêu của chúng ta đang cần những việc làm cụ thể, gần gũi với môi trường mà chúng đang sống và học tập, chứ không phải là đổ lỗi hay đi tìm trách nhiệm. Tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức… ai quan tâm đến thế hệ trẻ, đều có thể hiến kế những biện pháp thiết thực để giúp các em yêu thương nhau hơn, có cách ứng xử với nhau bằng lời nói khôn khéo hơn dùng “nắm đấm”. Phải thừa nhận, học sinh đánh nhau (kể cả nữ sinh) là chuyện không phải xưa nay hiếm. Chỉ có điều giờ đây các em có sẵn phương tiện ghi hình và tung chúng lên mạng. Nếu chúng ta đặt mình vào những em học sinh ấy, mới phần nào hiểu được vì sao các em đánh nhau. Có khi chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng thiếu kỹ năng nhận biết và đánh giá, các em quy chụp đó là hành vi thiếu tôn trọng nhau, thế là “uýnh”. Thậm chí, có em thách thức đánh nhau, nhưng chưa đủ hiểu biết để lường trước hậu quả. Tâm lý các em đang tuổi học phổ thông là nông nổi, bồng bột, hiếu kỳ với điều lạ, cái mới, dễ bị kích động. Vì vậy, phải đứng ở vị thế các em để hiểu các em đang cần gì, và trang bị đúng những thứ mà các em đang cần. Đó chính là kỹ năng bày tỏ lòng yêu thương và cách cư xử đầy tự trọng với bạn đồng trang lứa.
Trao đúng thứ các em cần
1. Tổ chức giao lưu rộng rãi giữa các lớp, các trường, các tổ chức, đoàn thể. Trong lớp, tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, đi tham quan, dã ngoại để giáo dục tinh thần tập thể cho mỗi học sinh. Tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao giữa các lớp trong toàn khối, toàn trường để các em hiểu và gần gũi nhau hơn. Giáo viên cần phối hợp với gia đình và các tổ chức như Đoàn thanh niên của trường phát hiện ra thủ lĩnh của các nhóm không chính thức trong tập thể học sinh để giao những nhiệm vụ cụ thể của trường, lớp nhằm phát huy vai trò “chỉ huy” của những cá nhân đó. Đồng thời, phải kịp thời định hướng, điều chỉnh các hành vi của những em này vào các hoạt động tích cực của tập thể.
Chỉ trong vài tháng trở lại đây, có ít nhất năm video clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng. Nhưng điều khiến dư luận lo ngại hơn cả lại chính là thái độ thờ ơ của những người đứng xem, mà hầu hết là học sinh! |
2. Tổ chức các giờ chơi “đóng kịch” về tình huống bày tỏ lòng yêu thương và sự tôn trọng nhau. Ban đầu thầy cô, hoặc cha mẹ có thể thiết kế nhiều tình huống “đóng kịch” để chơi với các em. Sau đó, để phát huy tính tích cực, sáng tạo của các em, người lớn tạo điều kiện cho các em tự thiết kế các tình huống. Sau mỗi lần diễn kịch, cần có sự phân tích, đánh giá mỗi cách ứng xử, giúp các em lựa chọn cách ứng xử tốt nhất. Đây là cách làm hay để hình thành kỹ năng sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức cho các em.
3. Làm gương cho các em. Ở lứa tuổi học sinh phổ thông, từ ngưỡng mộ tới thần tượng chỉ là một bước ngắn. Vì thế, thầy cô giáo, cha mẹ phải làm gương cho các em thấy cách ứng xử khéo léo của mình để các em khâm phục và làm theo một cách có ý thức. Nhà trường cần tổ chức các cuộc thi ứng xử sư phạm và huy động nhiều giáo viên và học sinh tham gia. Qua đó, các em sẽ cảm nhận và thẩm thấu những ứng xử có văn hoá. Tôi không đồng tình với ý kiến của không ít người cho rằng, thầy cô hiện nay không còn là tấm gương nữa, và cũng không phải hầu hết giáo viên đều chạy theo thành tích mà quên học sinh của mình. Còn có biết bao gương giáo viên đã lo từng cái ăn cái mặc cho học sinh mà chúng ta hàng ngày được thấy trên tivi và các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Tạo cho các em cơ hội thể hiện lòng yêu thương và tôn trọng người khác. Khi tham gia các mối quan hệ xã hội rộng mở, các em sẽ học hỏi và thiết lập các mối quan hệ tích cực cho sự phát triển tâm lý của chúng. Nhà trường cần phối hợp với gia đình và các tổ chức khác tạo điều kiện cho các em được bày tỏ lòng thương yêu và tôn trọng người khác, như tham gia các hoạt động tập thể đi thăm các gia đình thương binh liệt sĩ, thăm người ốm đau hay các trại trẻ mồ côi, trại dưỡng lão… để các em biết được giá trị cao cả của lòng yêu thương và sự chia sẻ.