Bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên
(Dân trí)- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Theo đó, các giáo viên sẽ được bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, cải cách phương pháp dạy học với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc giảng dạy và học tập tiếng Anh.
TS.Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ Trưởng, Vụ Giáo dục trung học, Trưởng Bộ Phận thường trực, Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã cho biết như vậy tại cuộc giao lưu trực tuyến “Tiếng Anh dành cho du học” do báo điện tử VTVNews phối hợp với Trung tâm Giáo dục Đào tạo Australia (ACET) tổ chức.
Trả lời câu hỏi: “Việc truyền tải kiến thức đến người học chủ yếu là do giáo viên, Bộ GD-ĐT có hỗ trợ gì cho giáo viên tiếng Anh, nhất là giáo viên ở các vùng núi?”, TS. Vũ Thị Tú Anh cho biết: Đề án 2020 được triển khai trong phạm vi toàn quốc, giáo viên được thụ hưởng chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, giáo viên vùng sâu vùng xa cũng được hưởng ưu tiên như: nếu sau một lần bồi dưỡng không đạt chuẩn, địa phương có thể cấp một phần ngân sách để giáo viên đó được bồi dưỡng lần thứ hai.
Việc đưa giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy ở cấp phổ thông phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 tại cấp UBND các tỉnh và Sở GD-ĐT, được triển khai theo hình thức huy động nguồn lực địa phương và xã hội hóa. Tuy nhiên, các giáo viên này phải là giáo viên chuyên ngữ.
Cũng theo TS. Vũ Thị Tú Anh: “Trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, chúng tôi đang triển khai các hoạt động đổi mới bao gồm bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ của giáo viên, cải cách phương pháp dạy học với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc giảng dạy và học tập tiếng Anh”.
Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, học sinh tiểu học phải đạt chuẩn A1 (bậc 1) theo Khung năng lực ngoại ngữ áp dụng tại Việt Nam. Để đạt trình độ ILTES, học sinh cần phải đạt chuẩn C1 (bậc 5) dành cho bậc học tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngữ. Trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ 2020, các nỗ lực tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy và bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên. Về đổi mới sách giáo khoa (SGK), theo đại diện của Bộ GD-ĐT, hiện học sinh tiểu học đang được theo học chương trình SGK mới. Còn bậc THCS và THPT đã triển khai đến các lớp đầu cấp.
Minh Hải