Bốc hàng mã viết tiếp giấc mơ giảng đường

(Dân trí) - Gia đình bây giờ là không thể chu cấp nổi cho em Võ Hồng Nhân đi học được nữa, để viết tiếp ước mơ, cậu học trò quê huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phải tranh thủ đi bốc hàng mã để kiếm tiền cho những dự định tương lai.

12 năm miệt mài đèn sách

Những ngày cuối tháng 8, trời xứ Nghệ thời tiết vẫn nắng nóng như đổ lửa, mảnh đất Nghi Xuân mặc dù ở gần phố biển Cửa Hội nhưng vẫn nóng đến cháy da xém thịt.

Chúng tôi tìm về gia đình tân sinh viên Học viện Báo chí Võ Hồng Nhân (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Nhân thi đỗ vào khoa Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tổng điểm 3 môn đạt 23,5 điểm.
 

Nhân bảo: Em mong được đi học, còn mẹ em thì không cho nhưng em sẽ cố gắng.
Tân sinh viên Học viện Báo chí Nguyễn Hồng Nhân lo lắng những dự định sắp tới.

Ngày nhận tin báo đỗ đại học cũng là lúc cậu học trò nghèo, người mẹ, người bố như đứng ngồi không yên, hằng đêm ông bà bắt tay lên trán vò võ không biết phải như thế nào khi thằng con vào đại học.

Gặp PV Dân trí, bà Trương Thị Huệ (54 tuổi) và ông Võ Văn Nghĩa (56 tuổi, xóm Xuân Phúc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - bố mẹ Nhân đã không cầm nổi nước mắt.

Bà Huệ than thân trách phận mình quá nghèo nên bắt buộc thằng Nhân phải ở nhà không được đi học.
 
“Tui là tui không cho nó đi học đâu. Nhà tui nghèo lắm. Nghèo chú thấy đó, trong nhà không có một thứ gì đáng dăm ba trăm ngàn thì lấy tiền đâu ra cho nó đi học. Khổ lắm chú à…”, nói chưa xong câu, bà Huệ òa lên khóc nấc nghẹn.

Clip bà Huệ đã khóc khi tâm sự cùng PV Dân trí.
 
Bà Huệ lo khi con vào đại học sẽ không kham nổi đồng tiền, trong khi đó gia đình đã quá nghèo.

Bà Huệ lo khi con vào đại học sẽ không kham nổi đồng tiền, trong khi đó gia đình đã quá nghèo.
 

Nói chuyện cùng phóng viên, thi thoảng bà Huệ lại chạy ra cửa đứng khóc
Nói chuyện cùng phóng viên, thi thoảng bà Huệ lại chạy ra cửa đứng khóc.

Trò chuyện với PV Dân trí, không ít lần bà Huệ, ông Nghĩa đã khóc nức nở khi nghĩ đến cảnh vợ chồng bệnh tật, không đủ sức để nuôi con học đại học.

Ông Nghĩa cho biết, vợ chồng kết duyên với nhau khá muộn mằn, phải đến tuổi 35 hai người đến với nhau. Ở cái tuổi đã cao, ông bà cố gắng sinh được hai đứa con trai mà đáng lẽ vào cái tuổi ông bà như hiện nay đã có con cháu. Nhân là con đầu, đứa sau đang học lớp 7. Ngày vợ chồng ông ra cửa nhà, hai bên nội ngoại cũng nghèo rớt mồng tơi nên chẳng có của hồi môn, hai vợ chồng dắt díu ở riêng với mảnh đất nhỏ quanh năm suốt tháng thiếu ăn.

Nói chuyện cùng phóng viên, thi thoảng bà Huệ lại chạy ra cửa đứng khóc

Bà Huệ trước giàn mướp của gia đình, bà bảo: Số mướp này hái bán ở chợ được mươi ngàn bạc là lớn lắm rồi, trong gia đình chẳng có chi để mà bán nữa cả.

Cũng vì thế mà gia đình ông Nghĩa thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương liên tục nhiều năm liền. Cuộc sống thu nhập chính trông chờ vào 3 sào ruộng khoán, mùa được mùa mất và những ngày đi làm cửu vạn, phụ hồ… của ông Nghĩa ở cảng Bến Thủy.

Bà Huệ cho biết, năm tròn 2 tuổi, Nhân mắc bệnh máu loãng, phải thường xuyên đi bệnh viện chữa trị. Lo chạy ăn từng bữa chưa đủ, con lại mắc bệnh nên gia đình bà Huệ thêm túng thiếu, chật vật hơn.

“Ngày nó (Nhân) học cấp 2, ông nhà tui cũng có tuổi, sức khỏe yếu nên phải nghỉ làm cửu vạn. Cách đây 8 năm, chồng tui lại mắc chứng lao phổi, ho ra máu không làm được việc nặng nữa nên cả nhà 4 miệng ăn đều nhìn cả vào mấy sào ruộng. Giờ thì kiệt quệ thật rồi, nếu cho nó đi học thì nhà tui không thể nào chu cấp nổi…”, bà Huệ tâm sự.

Bà Huệ luôn khóc khi trò chuyện cùng phóng viên trong buổi gặp.
Bà Huệ luôn khóc khi trò chuyện cùng phóng viên trong buổi gặp.

Gánh nặng mưu sinh cộng với căn bệnh cao huyết áp khiến sức khỏe bà Huệ yếu hẳn. Vợ chồng bà Huệ đau ốm liên miên nên Nhân trở thành lao động chính trong gia đình. Ngoài thời gian học, cứ đến ngày mùa thì các công việc từ cày bừa, cấy hái… đều đến tay Nhân.

Thương cha mẹ bệnh tật, vất vả nuôi hai anh em ăn học, Nhân luôn ý thức tự lập và cố gắng học tập để sau này thoát khỏi cảnh đói nghèo. Liên tục nhiều năm liền, Nhân là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử lớp 9 và lớp 12.

Sau 12 năm miệt mài đèn sách, Nhân tự tin đăng ký dự thi khối C và thi đỗ vào khoa Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tổng điểm 3 môn đạt 23,5 điểm.

Bốc hàng mã mong có tiền nhập học

Thế nhưng, ngày nhận tin báo con đỗ đại học cũng là những đêm vợ chồng bà Huệ nước mắt lưng tròng, không sao ngủ được với bao suy nghĩ, nỗi lo âu bởi con học đại học xa nhà thì làm sao ông bà kham nổi. Tháng trước, vợ chồng bà đã phải ngậm ngùi đem bán đi con bê - thứ tài sản có giá trị nhất trong nhà để vá víu lại căn nhà đã dột nát và trả tiền viện phí, thuốc men.

Bà Huệ lo lắng khi con vào đại học.

“Lúc thằng Nhân làm hồ sơ thi đại học, nó nói con thi thử để biết học lực của mình thế nào thôi, nhưng không ngờ lại đỗ đại học. Tiền vay mượn sửa nhà chưa trả hết, giờ trong nhà không còn một xu nữa các chú à. Mai mốt nó nhập trường vợ chồng tui không biết xoay xở sao đây, không nỡ để nó phải bỏ học lại quanh quẩn với đói nghèo như vợ chồng tui?. Nhưng cứ đà này thì tui nhất quyết không cho nó đi học đâu, không thể đáp ứng nổi nữa rồi…”, bà Huệ gạt nước mắt. Nhiều đêm, hai mẹ con bà Huệ lại ôm nhau khóc khi nghĩ đến khoản tiền nhập học, học phí và chi phí ăn ở đắt đỏ ở thủ đô sắp tới.

Còn ông Nghĩa thì buồn rầu chia sẻ trong nước mắt: “Tôi vui và tự hào lắm nhưng cũng buồn khôn xiết. Sắp tới cháu nó đi học, không biết lấy gì cho con nhập trường đây. Gia đình chẳng còn gì để bán nữa. Thôi thì nếu đến bữa không vay mượn được, tôi đành cầm cố sổ đỏ. Còn những viên ngói, hạt lúa cuối cùng trong nhà có lẽ cũng bán lấy tiền cho con vào giảng đường".

Bà Huệ luôn khóc khi trò chuyện cùng phóng viên trong buổi gặp.

Nhân bảo: Vào đại học em sẽ cố gắng đi làm thêm, mong sẽ học hết đại học nhưng những dự định đó còn khó khăn lắm.

Cô Trần Thanh Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 chia sẻ: “Nhân là một lớp trưởng năng nổ, chăm chỉ và rất ham học. Nghe tin em đỗ đại học nhưng gia đình hiện tại lại rất khó khăn nên giáo viên, nhà trường cũng đang vận động để quyên góp giúp em nhập học. Chúng tôi rất mong báo Dân trí thông tin, phản ánh về em Nhân để mọi người biết xem có cách gì giúp đỡ em ấy thực hiện ước mơ được không. Giờ em ấy mà bỏ đại học thì con đường thoát nghèo sau này khó thực hiện được”.

Không từ bỏ ước mơ trở thành tân sinh viên, những ngày nhận thông tin đỗ đại học, Nhân xin vào làm cửu vạn đi bốc hàng mã cho một hộ gia đình ở trong xã. Công việc của Nhân là bốc vác đồ đã gia công lên ôtô rồi giao hàng cho khách và được trả công từ 50 - 60.000 đồng/ngày. Có hôm Nhân phải dậy sớm theo xe nhập hàng vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình…


Nói chuyện cùng phóng viên, thi thoảng bà Huệ lại chạy ra cửa đứng khóc

Từ ngày nhận mình đỗ đại học, Nhân xin đi bốc hàng mã cho một gia đình trong xã để kiếm tiền nhập học.
 
Bà Huệ luôn khóc khi trò chuyện cùng phóng viên trong buổi gặp.
Để có tiền vào nhập học, hơn 1 tháng nay, Nhân đi bốc hàng mã thuê nhưng không biết có ở Hà Nội được 1 tháng không với những chi phí lớn ở thủ đô.

Bà Huệ luôn khóc khi trò chuyện cùng phóng viên trong buổi gặp.
Những ngày nhận tin Nhân đỗ đại học, ông Nghĩa cũng như những người hàng xóm rất vui nhưng cũng buồn vì không biết thằng Nhân có tiền để học đại học hay không nữa.

Nhân tâm sự: “Từ hôm nay đến ngày nhập học cũng còn chưa đầy một tháng nữa, nếu em làm đều cũng được khoảng 2-3 triệu đồng. Hy vọng số tiền này đủ tiền nhập học và trang trải ban đầu. Lúc vào học em sẽ cố gắng học tập thật tốt và đi làm thêm để kiếm tiền ăn học vì cha mẹ em bây giờ đều đã ốm yếu”.

Đang dở câu chuyện với chúng tôi, Nhân lại tất tả ra cửa hàng để đi bốc hàng lên xe. Nhìn dáng cậu học trò nghèo bước vội trên con đường đất sỏi, chiếc áo cũ sờn ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi biết con đường đến giảng đường đại học của Nhân còn lắm chông gai...

Nguyễn Duy