Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình thêm về “giá dịch vụ đào tạo”

(Dân trí) - Chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội về việc tại sao lại đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng học phí, không bỏ học phí. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ.

“Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí” - ông Nhạ nói.

Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học thì căn cứ theo Luật Giá, phí và kiểm định các loại dịch vụ khác quy thành giá theo luật giá. Thực tế, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do nhà nước đặt hàng.

Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá. Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá dã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

“Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ ấy cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành. Như vậy, không gọi là phí mà là giá dịch vụ để trong quá trình các tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ diễn giải.

Trong Luật Giáo dục Đại học đã thêm một điều về “Giá dịch vụ” để phù hợp với tính đúng, tính đủ theo Luật Giá chứ trong giáo dục vẫn gọi là học phí.

“Một số người không kết hợp giữa hai luật với nhau. Điều 105 của Luật Giáo dục vẫn ghi “học phí”. Điều 65 Luật Giáo dục Đại học là thêm một điều để sau này có lộ trình tính học phí theo Nghị định 16 và gần đây là Nghị quyết 19-NQ/TƯ. Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là “thương mại hoá”. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí. Tên gọi vẫn gọi là học phí chứ không phải bỏ đi” - ông Nhạ nói tiếp.

Theo ông Nhạ, trong thực tế, chi phí cho một hoạt động đào tạo một học sinh - sinh viên tính vào học phí mà người học phải trả ở trường công lập chưa đủ. Học phí chỉ là một phần. Phần còn lại, tương đối lớn, nhà nước vẫn phải chi.

Nên giữ cụm từ “học phí”

Thảo luận tại tổ chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình cho rằng vấn đề học phí quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cần được tính toán lại.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Dung khẳng định: “Học phí vẫn là cụm từ quen thuộc, nhưng bây giờ tôi hiểu giá dịch vụ đào tạo là theo quy định Nghị định 16. Nói thật là trong quá trình quản lý trường tôi xây dựng tự chủ cũng thực hiện theo giá dịch vụ đào tạo nhưng chúng tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí để phụ huynh dễ hiểu. Vì thế nên giữ cụm từ học phí”.

Theo bà Dung, khi phụ huynh đến nộp học phí mà nói giá dịch vụ thì thấy không phù hợp môi trường sư phạm vì vậy dự thảo luật cần giữ tên gọi học phí nhưng quy định cụ thể là bao gồm những gì.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho biết vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. “Vẫn gọi tên là học phí thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ” - ông Đạt phân tích.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm