Lãnh đạo các trường đại học nói gì về chuyện “học phí” - “học giá”?
(Dân trí) - Đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng “giá chi phí đào tạo” mà Bộ GD-ĐT đề xuất khi sửa luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học thành chuyện thời sự tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội chiều 30/5. Nhiều đại biểu là Phó Hiệu trưởng, Giám đốc các trường đại học lớn đã lên tiếng về việc này…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) – Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân nhận xét, một điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo luật là đúng vì hiện nay các trường đang thu học phí theo Luật Phí và học phí. Phí đó do Nhà nước ấn định. Các cơ sở giáo dục không được quyền xác định với chương trình chất lượng cao hơn thì giá phải cao hơn. Dự thảo luật đã tính đúng tính đủ chi phí hợp lý, bảo đảm chi phí tương xứng với chương trình đạo tạo chất lượng cao.
Nếu cứ thu theo khung phí và lệ phí sẽ gây khó khăn cho các trường khi đưa ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Bản thân người học có mong muốn học các ngành chất lượng cao và sẵn sàng bỏ chi phí để có điều kiện học tập tốt nhất.
Tính đúng, tính đủ chi phí là điều hết sức hợp lý, góp phần tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo đại biểu, luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng.
"Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, phải khẳng định các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật phí lệ phí" - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Về đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng “giá chi phí đào tạo”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nêu quan điểm: “Tôi đồng ý về nội hàm thì khái niệm “giá đào tạo” rộng hơn học phí, nhưng vẫn có thể dùng từ “học phí”, vốn đã rất quen thuộc, chỉ cần định nghĩa lại trong luật cho rõ là được. Nước ngoài người ta cũng chỉ dùng một khái niệm “tuition fee”, nghĩa là “học phí” thôi. Dùng một thuật ngữ lạ tai quá thì khó chịu, xã hội khó chấp nhận”.
Cũng bàn về vấn đề nên gọi là “phí đào tạo” hay “giá dịch vụ đào tạo” đang gây tranh luận của dư luận, là người trong ngành giáo dục, đại biểu Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM thừa nhận vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
“Vẫn gọi tên là học phí thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ" - đại biểu Huỳnh Thành Đạt nói.
Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, vừa qua dư luận “rối” về phí và giá. Để tránh rối thêm với lĩnh vực giáo dục, ông Nghĩa nêu quan điểm “nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì”.
P.Thảo – Q.Phong