Bộ trưởng kêu gọi sự đồng thuận của toàn xã hội
(Dân trí) - Mặc dù trong cuộc họp giao ban bàn về vấn đề “ngồi nhầm lớp” giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT với 64 Giám đốc Sở diễn ra vào hồi tháng 3, đã có nhiều ý kiến bàn lùi khi cho rằng càng làm ngành giáo dục sẽ càng đi vào đường cụt nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vẫn bày tỏ thái độ không khoan nhượng về hiện tượng này.
Theo Bộ trưởng Nhân, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã làm rõ yêu cầu: Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chính quyền địa phương, các đoàn thể, gia đình và bản thân học sinh đều có trách nhiệm giải quyết tình trạng này.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng kêu gọi các lực lượng xã hội cùng đồng thuận để thay đổi môi trường giáo dục theo hướng tích cực. Với trách nhiệm của mình, ngành giáo dục khẳng định quyết tâm khắc phục tình trạng học sinh yếu kém.
Trước ý kiến của nhiều cơ sở giáo dục cho rằng cuộc vận động “Hai không” của ngành giáo dục trong 7 tháng qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh yếu kém gia tăng, kèm theo đó hiện tượng học sinh bỏ học rất đáng lo ngại, Bộ trưởng Nhân vẫn luôn nhấn mạnh việc thực hiện “Hai không” tiếp tục là là một trong những công việc được ưu tiên thực hiện hàng đầu trong giáo dục hiện nay.
Về sự lo lắng của các Sở GD-ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nếu vừa thực hiện “Hai không”, vừa ra đề khó quá sẽ khiến tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp cao gây sốc cho toàn xã hội thì Bộ GD-ĐT cũng đã sẵn sàng giải pháp giải toả cho sự lo lắng này. Nếu tỉnh nào có tỷ lệ tốt nghiệp thấp, tuỳ theo tình hình cụ thể của các địa phương sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo đến cuối hè sau đó tạo điều kiện cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, tạo điều kiện cho học sinh đỗ tốt nghiệp một cách thực chất.
Những quyết tâm trên được thể hiện bằng 4 bước đi cho thời gian tới mà Bộ trưởng vừa vạch ra. Đó là:
1. Bộ GD- ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chất lượng giáo dục hiện nay, xin ý kiến chỉ đạo thống nhất với lãnh đạo các địa phương cùng ngành giáo dục tìm các biện pháp giảm dần tỷ lệ học sinh yếu kém. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương có khó khăn trong việc triển khai phụ đạo học sinh yếu kém vào hè 2007.
2. Bộ tiếp tục chỉ đạo cuộc vận động “Hai không” trong các cơ sở giáo dục. Các Vụ chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung, tiêu chí, quy trình đánh giá xếp loại học sinh, đặc biệt là học sinh các diện yếu kém, lưu ban, “ngồi nhầm lớp”. Hiện nay, Bộ đã có văn bản hướng dẫn dạy thêm, học thêm trong đó phân cấp trách nhiệm cho UBND các tỉnh tiếp tục hướng dẫn các cơ sở trường học thực hiện quy định của Bộ phù hợp với thực tiễn của địa phương. Về đề thi tốt nghệp, Bộ sẽ ra đề đúng chương trình, đảm bảo sát chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình đã ban hành, đánh giá thực chất trình độ học sinh. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang xây dựng ngân hàng để kiểm tra, các địa phương sẽ tham khảo qua mạng, tổ chức thi thử, đánh giá chính xác hơn năng lực của học sinh để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
3. Các Sở GD- ĐT cần báo cáo vấn đề này với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh để tìm các giải pháp giải quyết tích cực. Đồng thời báo cáo với Bộ để cử cán bộ cùng tham dự với địa phương tìm ra các biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay trong việc giảm tỷ lệ học sinh yếu kém.
4. Các trường học, ngay từ giữa học kỳ II, lập danh sách những học sinh yếu kém, xây dựng kế hoạch trong đội ngũ giáo viên, bàn bạc kỹ với cha mẹ học sinh và học sinh, chuẩn bị tốt các điều kiện dạy học như cơ sở vật chất, chương trình, giáo viên, kinh phí… ưu tiên quan tâm những học sinh cuối cấp lớp 5, lớp 9, lớp 12 vì khi chuyển sang cấp học trên các em ở cấp dưới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức phụ đạo. Tổ chức nhiều hình thức như: bố trí lớp, nhóm, đôi bạn học tập, phân công trách nhiệm của Đoàn, Đội, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém. Việc tổ chức học hè sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những học sinh yếu kém được củng cố thêm kiến thức.
M.M