Bộ trưởng GD&ĐT: Sẽ chỉ đạo quyết liệt vụ game online vào trường học

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 9/12, đơn vị này đang khẩn trương rà soát thông tin về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Theo đó, quan điểm của Bộ trưởng sẽ chỉ đạo quyết liệt, nhất định không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến học sinh.

Đánh đồng là ngụy biện?

Ngày 9/12, facebook của anh Trần Trọng An (Hoàng Mai, Hà Nội) tiếp tục có bài phản hồi thứ hai liên quan đến game “Chinh phục vũ môn”. Được biết, anh An là người đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Bộ GD&ĐT cổ súy cho học sinh- đặc biệt là học sinh tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi “Chinh phục vũ môn”.

Là một phụ huynh của học sinh đang học lớp 5, anh vô cùng lo lắng bởi việc này sẽ vô cùng ảnh hưởng tới con trẻ bởi trong đó có nhiều phần game mang tính bạo lực và nhiều phần yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng.

“Qua trả lời báo chí của Vụ Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), đại diện của Vụ đã cho rằng, “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi kiến thức tổng hợp cho dành học sinh như một số cuộc thi trực tuyến khác. Tôi nghĩ, đại diện của Vụ nên phân biệt giữa E-learning (học và thi trực tuyến) và Game Online (trò chơi trực tuyến)”, anh An nói.

Cũng theo phụ huynh này, “Chinh phục vũ môn” là game online, trên đó có nạp thẻ cào, có mua đồ. Trong đó, cuộc thi “Chinh phục vũ môn” do Bộ GD&ĐT có công văn phát động thành phong trào rầm rộ, kêu gọi các cháu học sinh tham gia (đến nay đã có 800 ngàn em) chỉ là một phần rất nhỏ được "nhúng" trong một hệ sinh thái về game của EGroup.


Phần cược tiền với các mệnh giá khác nhau ở Chinh phục vũ môn

Phần "cược" tiền với các mệnh giá khác nhau ở "Chinh phục vũ môn"

Theo đại diện Vụ HSSV, cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho thiếu nhi; nâng cao nhận thức về khả năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện, giúp các em tránh xa các trò chơi online độc hại, bạo lực, ảnh hưởng không tốt đến thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, anh An chỉ ra, các game trong hệ sinh thái mà “Chinh phụ vũ môn” đã “nhúng” như: Đua xe (Car Racing), Bắng tăng, Bắn máy bay, Quái vật… liệu có phải game trí tuệ và thích hợp với học sinh tiểu học?

Do đó, phụ huynh này cho rằng, “Chinh phục vũ môn là GAME ONLINE” (bản chất CPVM có giấy phép game online và là thể loai MMORPG-PV). Do vậy, gọi nó là cuộc thi, đánh đồng nó như bao cuộc thi online của E- Learning là ngụy biện." (game nhập vai nhiều người chơi lại phát hành với danh nghĩa E-Learning - PV)

Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt

Chiều tối 8/12, trả lời PV Dân trí, ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cho biết, cuộc thi này không phải vừa mới xuất hiện mà đã bước sang mùa thứ 3.

“Chinh phục vũ môn” là game giáo dục do công ty này phát hành, ra đời vào tháng 9/ 2011. Trong phần mềm “Chinh phục vũ môn” được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn” cũng như một số cuộc thi khác.

Tuy nhiên, người sử dụng sẽ phải trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp như: sử dụng các bài học đặc biệt nâng cao; luyện tập nâng cao thêm ngoài thi thì mua vé cào bằng hình thức nạp thẻ. Đơn vị này khẳng định, việc nộp phí là hoàn toàn tự nguyện.

Phần tán gẫu trong Chinh phụ vũ môn rất khó kiểm soát với học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Phần tán gẫu trong "Chinh phụ vũ môn" rất khó kiểm soát với học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Để tìm hiểu sâu hơn về game này có nguy hại như lời của phụ huynh Trọng An, chúng tôi đã lập account để đăng nhập vào phần mềm “Chinh phục vũ môn”. Chúng tôi khá ngạc nhiên bởi là trò chơi được cho là thuần Việt, kích thích trí tuệ trẻ em nhưng trong có rất nhiều mục không mấy thiết thực với trẻ em, nhất là với học sinh tiểu học. Chẳng hạn mục mua hàng có yêu cầu người chơi nạp thẻ mệnh giá 20.000 đồng trở lên. Ngoài ra, còn có các mục như: Tán gẫu, gọi nhau vào phòng thách đấu, chơi nhanh bằng cách đặt cược tiền với mệnh giá khác nhau (như ảnh chụp màn hình)…

Về điều này, anh Trọng An chia sẻ: “Là phụ huynh, khi đưa con đến trường, tôi muốn con mình được học, được vui chơi lành mạnh với bạn bè, được học thêm kỹ năng sống. Tôi không muốn con mình bị dẫn dụ vào chơi ở 1 khu vườn có hoa thơm trái ngọt, nhưng xung quanh đầy cạm bẫy, thú dữ.

Tôi cũng không muốn con mình quen với con đường mà sau đó cháu có thể đến với đam mê tốc độ, thích bắn phá như trong những game như tôi đã nói ở trên. Tôi phản đối”!

Được biết, hiện Bộ GD&ĐT đang khẩn trương rà soát thông tin về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Theo đó, quan điểm của Bộ trưởng sẽ chỉ đạo quyết liệt, nhất định không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến học sinh.

Cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi tìm hiểu kiến thức tổng hợp giành cho học sinh phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015. Từ hiệu quả của cuộc thi dành cho các em học sinh THCS, theo đề xuất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phối hợp với đơn vị này tổ chức cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016-2017).

Trong 2 lần đầu, cuộc thi được tổ chức cho các em học sinh THCS trên toàn quốc. Lần thứ III, năm học 2016 – 2017, cuộc thi đã mở rộng đối tượng cho các em học sinh lớp 3 – 5. Nội dung các câu hỏi của cuộc thi bao gồm:

Kiến thức các môn văn hóa: chiếm 30% tổng số câu hỏi (gồm Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh...).

Kiến thức xã hội chiếm: 30% tổng số câu hỏi (các lĩnh vực : Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể thao, IQ...)

Kiến thức đời sống xã hội: chiếm 40% tổng số câu hỏi (các hiểu biết về xã hội, kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng…).

(Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT)

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)