Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức game online cho học sinh, phụ huynh bức xúc
(Dân trí) - “Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game "Chinh phục vũ môn" trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web. Qua tìm hiểu, tháng 10/2015, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học”.
Trên đây là một phần trong bức thư của anh Trần Trọng An (Hoàng Mai, Hà Nội) gửi tới Bộ GD&ĐT khi phát hiện thấy con mình đang được trường học khuyến khích chơi game. Đặc biệt, trong đó có những phần yêu cầu học sinh nạp tiền bằng thẻ cào.
Theo anh An, hiện mình đang có con học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Lục lịch sử truy cập web, anh phát hiện con thường xuyên chơi game “Chinh phục vũ môn” có những mục yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào. Điều khiến anh lo ngại là trò chơi trực tuyến này do trường và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.
Từ đó đến nay, game Chinh phục vũ môn được tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800.000 người chơi.
Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định”, anh An chia sẻ.
Cũng theo anh An, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị “cài đặt” game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.
“Là cơ quan quản lý, Bộ GD&ĐT không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online. Tôi cũng mong Bộ kiểm tra hoạt động tổ chức chơi game online của các Sở và các trường, kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường”, anh An nói.
Được biết, Chinh Phục Vũ Môn là cuộc thi trực tuyến do Bộ GD&ĐT phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội TƯ và Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức.
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 8/12, ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cho biết, cuộc thi này không phải vừa mới xuất hiện mà đã bước sang mùa thứ 3.
Đến thời điểm hiện tại, trên hệ thống báo đã có 800.000 học sinh tham gia. Trước đây, cuộc thi chỉ dành cho đối tượng học sinh cấp 2 nhưng đây là năm đầu tiên, cuộc thi này mở rộng thêm đối tượng thí sinh là học sinh từ lớp 3-5 tham gia.
Chinh phục vũ môn là game giáo dục do công ty này phát hành, ra đời vào tháng 9/ 2011. Đây là trò chơi giáo dục lấy bối cảnh Việt Nam, cùng với nhiều tính năng, sự kiện được lấy nguyên mẫu từ các lễ hội trong văn hóa Việt. Trong phần mềm Chinh phục vũ môn được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi Chinh phục vũ môn cũng như một số cuộc thi khác.
Có ý kiến của phụ huynh cho rằng, học sinh phải cào thẻ nạp tiền với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng để thi Cuộc thi Chinh phục vũ môn là chưa chính xác. Chinh phục vũ môn là game giáo dục đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và khi thi Chinh phục vũ môn học sinh hoàn toàn miễn phí, điều này đã được quy định rất rõ trong thể lệ cuộc thi và thực tế 3 năm diễn ra cuộc thi.
Tuy nhiên, người sử dụng sẽ phải trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp sau:
Ở phần học trực tuyến: Các bài giảng ở đây được thiết kế như một bài giảng online và miễn phí. Tuy nhiên, trong đó, sẽ có một số bài học đặc biệt hoặc nâng cao hơn thì sẽ phải tính phí.
Ở phần tham gia cuộc thi: Mỗi tuần học sinh có thể thi thật 2 lần và thi xong ban tổ chức sẽ cập nhật thành tích tốt nhất để xét chọn các em vào vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Còn nếu, học sinh có nhu cầu luyện tập nâng cao thêm ngoài thi để bổ trợ kiến thức thì có thể mua vé bằng hình thức nạp thẻ. Và việc này là hoàn toàn tự nguyện.
Ông Thập khẳng định, tất cả những chi phí này, hoàn toàn là tự nguyện và không ép buộc. Thực tế trong ba năm qua, cuộc thi Chinh phục vũ môn chưa nhận được ý kiến nào về việc ảnh hưởng đến các em học sinh.
Trả lời câu hỏi của PV về việc phần mềm Chinh phục vũ môn vừa kết hợp học và thi cho học sinh nhưng trong đó lại có thiết kế thêm cả game, điều đó rất nguy hại với trẻ em? Ông Thập cho rằng: “Chinh phục vũ môn là một game giáo dục thuần túy, không bạo lực, học mà chơi kích thích tư duy trẻ em trong giáo dục hiện đại với chục nghìn câu hỏi. Ngoài ra, trong đó còn được xây dựng như một trường học trực tuyến với rất nhiều những môn học và bài giảng lý thú”.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)