Bộ trưởng GD&ĐT nhận “yếu kém” vụ đáp án ngoài luồng

(Dân trí) - Việc 11 tỉnh ĐBSCL tự soạn đáp án chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định không ảnh hưởng lớn đến kết quả chung vì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nhận “yếu kém” vì chỉ biết khi báo chí phản ánh.

Bộ trưởng GD&ĐT nhận “yếu kém” vụ đáp án ngoài luồng - 1


Báo cáo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại cuộc họp báo tháng 6 của Chính phủ chiều 1/7, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định kỳ thi đã thành công. Đề thi được đánh giá chính xác, khoa học, bám sát chương trình, đảm bảo kiến thức cơ bản, phân hóa được học sinh, đảm bảo bí mật. Việc chấm thi, cơ bản là đúng.

Nhắc lại việc 11 tỉnh ĐBSCL có lưu hành 1 đáp án khác của Bộ, ông Luận cho biết đã chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm trong cuộc làm việc với các địa phương này ngày 30/6.

Bộ trưởng Giáo dục khẳng định: “Về chủ trương, không có việc chỉ đạo hay ý ngầm bật đèn xanh đèn đỏ cho tỉnh chấm chặt, tỉnh chấm lỏng, hạ chuẩn chấm điểm”. Ông Luận phân trần, việc 11 Sở GD&ĐT các tỉnh này “xuất bản” trót lọt đáp án chấm thi môn ngữ văn riêng cho khu vực là vì làm… kín, không báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, đáp án đó là sai nhưng không có sự chỉ đạo của Bộ.

“Đáp án ngoài luồng này có cả chữ ký của thanh tra ủy quyền nhưng vì chưa có cơ chế buộc báo cáo nên xảy ra như vậy”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, sau vụ việc này cũng quyết định xóa bỏ khái niệm “thanh tra ủy quyền”.

Nói về việc xử lý, ông Luận cho biết, ngày 30/6, thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã vào Cần Thơ, triệu tập cuộc họp để xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sự việc.

“Tuy nhiên, việc xảy ra là một thiếu sót. Rõ ràng là yếu kém khi Bộ không biết, hệ thống giáo dục không biết, phải thông qua báo chí. Tôi xin nhận khuyết điểm”, Bộ trưởng GD&ĐT thừa nhận.

Sự việc theo đánh giá của ông Luận có ảnh hưởng nhưng không nhiều tới kết quả chung của cả kỳ thi vì thí sinh của 11 tỉnh chỉ chiếm 10,8% thí sinh cả nước, và chỉ 3 môn trắc nghiệm là có đáp án "ngoài luồng" và cũng không phải tất cả 11 tỉnh, tất cả các hội đồng đều chấm thi theo đáp án này.

“Bài học rút ra thì sâu sắc nhưng không thể vì thế mà đánh giá sụp đổ cái này, tan vỡ giá trị kia”, ông Luận quả quyết.
 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của toàn quốc đạt hơn 95% (tăng hơn năm 2010) là bình thường, xứng đáng với đầu tư của xã hội, Chính phủ, địa phương, của thầy cô cũng như nỗ lực của học sinh. Riêng hệ giáo dục thường xuyên có nơi tăng đột biến. Có địa phương tỷ lệ mọi năm đỗ thấp năm nay lại đỗ tới 100%, lại có địa phương tỷ lệ đỗ cao hơn giáo dục phổ thông. Bộ sẽ thanh tra lại những địa phương “nghi vấn”.

 
P.Thảo