Chấm thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL: Có thật sự bất thường?

(Dân trí) - Một giáo viên đã phản ánh với báo chí về việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “thỏa hiệp” để nâng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ xuất phát từ một văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi để kết luận có vấn đề thì liệu đã thuyết phục?

Đâu là sự thật?
 
Theo tìm hiểu của Dân trí, người phản ánh thông tin về việc chấm thi có vấn đề của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (vùng 6) là một giáo viên tên L. của Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang). Đây là một giáo viên dạy văn đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề và cũng là người từng không ngần ngại “phê bình” về cách ra đề cũng như hướng dẫn chấm thi của Bộ ở các cuộc Hội nghị.

"Chúng tôi sẵn sàng chờ Bộ GD-ĐT chấm thẩm định để làm sáng tỏ vấn đề" - ông Hoàng Văn Nhi, Sở GD-ĐT Đồng Tháp

 
Tuy nhiên điều đáng nói là ở chỗ, giáo viên L. không tham gia vào công tác chấm thi ở các tỉnh vùng 6. Qua sự quen biết, giáo viên L. có trong tay “văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi” và sau đó đã phân tích và đưa ra nhận xét của mình. Dân trí cũng đã nhiều lần liên hệ với giáo viên L. để tìm hiểu thêm về việc dựa vào những chứng cứ nào để kết luận: “Các tỉnh vùng 6 chấm theo đáp án riêng?” nhưng đáng tiếc cô L. lại không nhấc máy.
 
Trong khi đó, khi đón nhận thông tin này, lãnh đạo các Sở GD-ĐT vùng 6 tỏ vẻ đầy bức xúc. Theo họ thì cô L. chỉ phán ánh đúng một phần. Cụ thể, các tỉnh vùng 6 có tổ chức một cuộc họp gồm một số đại diện các Hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi” sau khi nhận được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT. Mục đích của cuộc họp này là thống nhất cách hiểu và vận dụng nhằm tạo sự đồng đều khi chấm thi, tránh tình trạng chấm chặt hay chấm lỏng.
 
Chấm thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL: Có thật sự bất thường? - 1
Thí sinh Cần Thơ trao đổi bài sau khi dự thi môn Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. (Ảnh: Huỳnh Hải)
 
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, Cụm trưởng Cụm Thi đua GD-ĐT vùng 6 chia sẻ: “Do tiền lệ đã có việc một số tỉnh chấm quá chặt gây thiệt thòi cho thí sinh tỉnh bạn nên việc thống nhất để chấm công bằng cho thí sinh tất cả các tỉnh trong khu vực là điều cần thiết. Dư luận cho rằng nội dung thống nhất hướng dẫn chấm thi tạo điều kiện nâng điểm cho thí sinh là không có cơ sở”.

Cũng theo ông Nhi, kết quả chấm thi môn Văn nhìn chung không có gì bất thường so với năm ngoái. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn Văn có tỉnh tăng từ 5 đến 7% nhưng có tỉnh thấp hơn. Chẳng hạn tỉ lệ này ở Đồng Tháp khoảng 72% và so với các môn khác thì tỉ lệ này bình thường, không thấp không cao. Thậm chí tỉ lệ này là thấp so với môn Toán và môn Sử.

Hẳn chúng ta còn nhớ, năm 2009 khi Bộ GD-ĐT lần đầu áp dụng hình thức chấm chéo thì việc chấm thi ở vùng 6 đã không thuận buồm xuôi gió. Cùng xuất phát từ kết quả chấm thi môn Văn một số tỉnh trong vùng thấy “sốc” khi số thí sinh đạt điểm trung bình ở mức rất thấp. Trước dấu hiệu “lạ”, các tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm thẩm định.
 
Kết quả cho thấy việc “chấm không đều tay” ở môn thi Văn, Địa lý do cách vận dụng biểu điểm, hướng dẫn chấm của giám khảo khác nhau là có. Thời điểm đó Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo, với việc tỉ lệ bài thi đạt trên trung bình ở môn Văn bị tụt đến chóng mặt ở một số tỉnh ĐBSCL, chắc chắn sẽ có những nguyên nhân khác nằm ngoài công tác chấm thi cần được tìm hiểu và khắc phục.
 
Theo đánh giá của một số giáo viên dạy môn Văn ở các trường THPT thì chấm thi đối với môn học này là một việc làm rất chủ quan, nên rất dễ xảy ra tình trạng chấm chặt, chấm lỏng. Vì vậy, việc các Sở, giáo viên chấm thi cùng ngồi lại bàn bạc, trao đổi những phán đoán, rồi đưa ra biên bản thống nhất là nhằm để cho điểm thi chính xác và công bằng với thí sinh hơn. Việc làm này không phải là điều gì đó quá bất thường. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là ở chỗ, liệu các đơn vị này có chấm thi theo hướng dẫn chấm của Bộ và tuân thủ quy chế hay không cần phải được làm rõ.
 
Không nên vội vàng “quy chụp”!
 
 “Chúng ta không thể dựa vào thông tin từ một giáo viên để rồi quy chụp chấm thi ở đồng bằng Sông Cửu Long có vấn đề. Hiện tại vụ việc đang được Bộ GD-ĐT khẩn trương xác minh và sẽ sớm đưa ra luận” - ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ với Dân trí chiều ngày 20/6.
 
Cũng theo ông Tuấn, ngay sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, Bộ GD-ĐT đã nghiêm túc ghi nhận và ngay lập tức có công văn gửi 11 tỉnh ĐBSCL yêu cầu báo cáo lại quy trình thực hiện chấm thi và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia chấm thi. Tuy nhiên do rơi vào ngày nghỉ cuối tuần nên chiều nay (21/6), các Sở mới hoàn tất việc giửi báo cáo. Căn cứ vào đấy Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh sau đó sẽ đưa ra ra kết luận cuối cùng.
 
Theo đánh giá của ông Tuấn thì rất khó xảy ra việc các địa phương vùng 6 chấm thi không theo hướng dẫn chấm của Bộ bởi lẽ quy trình chấm thi rất là chặt chẽ. Bên cạnh đó lại có thêm bộ phận thanh tra chấm thi làm việc độc lập với Hội đồng chấm thi.
 
“Trong chấm thi, người có quyền cao nhất là giám khảo và không có ai có thể bắt ép giám khảo được. Trong khi đó nguyên tắc cao nhất của giám khảo là phải tuân thủ quy chế chấm thi. Mà theo điều 25 của quy chế chấm thi thì giám khảo phải dựa vào hướng dẫn chấm thi”- ông Tuấn chia sẻ thêm.
 
Chốt lại vấn đề, ông Tuấn nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta vẫn chưa có cơ sở để kết luận được nên mọi việc vẫn phải bình thường. Việc gây hoang mang cho thí sinh và xã hội là điều không nên”.
 
Cũng liên quan đến vụ việc về chấm thi ở các tỉnh vùng 6, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng quán triệt, đề Văn là đề thi mở nên việc chấm thi cũng không thể máy móc, phải tùy theo sự sáng tạo của từng thí sinh để đánh giá. Nhưng dù thế nào cũng không được vì thế mà phóng điểm. Bộ sẽ xác minh và nếu cần thiết sẽ chấm thẩm định, xử lý theo quy chế.  
 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm