Bỏ thi vào lớp 6 nhưng có cơ chế riêng với các trường đặc biệt
(Dân trí) - "Các Sở GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường, đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường đặc biệt, trường "hot" khi tuyển sinh lớp 6".
Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT liên quan đến quy định bỏ thi vào lớp 6 THCS do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.
Cụ thể theo ông Thành, năm 2014, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, quy định một phương thức tuyển sinh duy nhất cho THCS là xét tuyển.
Tuy nhiên, điều này khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, do đó Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT quy định: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển.
Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".
Thời điểm ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi, nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao, nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.
Qua thực tế triển khai những năm qua, một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" như một kì thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng kí vào trường.
Vai trò của việc "xét tuyển" trong phương thức kết hợp với "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.
"Thông tư số 30/TT-BGDĐT mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển cùng với quy định giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Theo đó, các Sở GD&ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao", ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh, hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định.
Cần lưu ý thêm, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào theo nguyên tắc Thông tư số 30/TT-BGDĐT đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.
Trước đó, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về quy chế tuyển sinh THCS và THPT nêu rõ: Phương thức tuyển sinh THCS là phương thức xét tuyển.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Với những trường phổ thông nhiều cấp học trực thuộc đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do cơ quan chủ quản hướng dẫn.
Kế hoạch tuyển sinh lớp 6 của các trường phải được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Kỳ thi vào lớp 6 THCS tại một số trường điểm ở một số thành phố lớn luôn căng như dây đàn, thậm chí một số trường có tỷ lệ chọi "khủng".
Thông thường, các trường top đầu của các tỉnh, thành phố sẽ tuyển sinh lớp 6 theo hai bước, một là xét tuyển học bạ (thường là điểm số các môn học phải trên 9), sau vòng xét tuyển là thi tuyển (thường sẽ thi 3 môn chính toán, tiếng Việt, tiếng Anh hoặc có thể thêm bài thi tổng hợp hay tin học…).
Ngoài ra, một số học sinh đoạt giải học sinh giỏi thành phố hoặc có giải thi quốc tế, có huy chương thể thao, nghệ thuật có thể được tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên.
Tại Hà Nội, một số trường như: Hà Nội - Amsterdam; THCS Ngoại ngữ; các trường chất lượng cao Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm; trường Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh..., hầu hết tuyển sinh vào tháng 6, bằng bài khảo sát toán, tiếng Việt, tiếng Anh.