Bộ Nội Vụ: Đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá thực trạng nâng chuẩn đội ngũ GS,PGS

(Dân trí) - Góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Bộ Nội Vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần có đánh giá thực trạng và yêu cầu thực tiễn đối với chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu theo hướng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn phó giáo sư so với hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn của phó giáo sư để quy định tiêu chuẩn của giáo sư cho phù hợp.

Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu theo hướng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn phó giáo sư so với hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn của phó giáo sư để quy định tiêu chuẩn của giáo sư cho phù hợp.

Bộ Nội Vụ cho rằng, hiện nay, quy định về tiêu chuẩn; thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS,PGS và các quy định về Hội đồng Giáo sư được thực hiện nhiều văn bản khác nhau.

Vì vậy, Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để thay thế và hủy bỏ các văn bản quy định về vấn đề này từ trước đến nay để phù hợp với Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, để có đủ căn cứ góp ý, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT có báo cáo đánh giá thực trạng vấn đề này, trong đó đánh giá chi tiết những kết quả tích cực đạt được cần kế thừa, những hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục để sửa đổi, bổ sung.

Ngoài báo cáo đánh giá thực trạng, cần có báo cáo đánh giá tác động của văn bản mới, đặc biệt là quy định về tiêu chuẩn của giáo sư, phó giáo sư và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn đối với chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Nội Vụ cũng đề nghị quy định cụ thể đối với giáo sư, phó giáo sư, không nên quy định chung "đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên" cho phù hợp với yêu cầu khác nhau giữa giáo sư và phó giáo sư.

Về tiêu chuẩn cụ thể của chức danh phó giáo sư, Bộ Nội Vụ cho rằng, do chức danh phó giáo sư được xếp hạng I, hạng cao nhất theo phân hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức nói chung và của giảng viên đại học nói riêng, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần quy định tiêu chuẩn cụ thể của phó giáo sư bảo đảm tương ứng với tiêu chuẩn của chuyên viên cao cấp (ngạch công chức đang áp dụng đối với chức danh Thứ trưởng và lãnh đạo chủ chốt của cấp tỉnh) và tiêu chuẩn của viên chức hạng I các ngành khác (y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật...).

Đồng thời, thực tế từ khi bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh phó giáo sư theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGD DT - BNV ngày 6/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập;

Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định bổ nhiệm đối với hơn 2.500 phó giáo sư, trong đó có nhiều trường hợp đang xếp lương bậc 4 của chức danh giảng viên (tương đương bậc 4 ngạch chuyên viên có thời gian công tác kể cả thời gian tập sự, thử việc chỉ khoảng từ 7 năm đến dưới 10 năm) lên chức danh giảng viên hạng I (tương đương chuyên viên cao cấp), mặc dù có tính "đột phá" khuyến khích người trẻ tuổi có tài năng nhưng cũng có những tâm tư và chưa thực sự đồng thuận trong đội ngũ công chức, viên chức.

Từ yêu cầu và thực tế nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu theo hướng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn phó giáo sư so với hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn của phó giáo sư để quy định tiêu chuẩn của giáo sư cho phù hợp.

"Sẽ có ý kiến cụ thể khi Bộ GD&ĐT có báo cáo đánh giá thực trạng và báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này" - Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Miễn nhiệm chức danh GS,PGS với người chuyển sang công tác khác

Về Hội đồng Giáo sư, Bộ Nội Vụ đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ một số cơ cấu cứng của thành viên Hội đồng giáo sư.

Ngoài ra, về đối tượng miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung trường hợp được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học này khi chuyển sang làm công tác giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học khác nhưng cơ sở giáo dục đại học chuyển đến không có nhu cầu của chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức không thực hiện công tác giảng dạy hoặc doanh nghiệp.

Về trình tự, thủ tục miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trong dự thảo, Bộ Nội Vụ đề nghị Bộ GD&ĐT quy định rõ về thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng).

Đồng thời, nghiên cứu và bổ sung nội dung quy định đối với trường hợp miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thì hủy bỏ quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp khi đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Bộ GD&ĐT thừa nhận nhiều bất hợp lý trong tiêu chuẩn chức danh GS,PGS

Trước khi đưa ra dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận quy định hiện nay đã nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý.

Việc đổi mới tiêu chuẩn chức danh GS,PGS, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũng có những hạn chế, bất cập như: Giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng: phân biệt về điểm quy đổi đối với 02 đối tượng này là bất hợp lý.

Theo Bộ GD&ĐT, ngay cả về tên gọi và quy trình bổ nhiệm cũng chưa có quy định rõ ràng về tên gọi và chức danh: có chức danh GS, PGS nhưng chưa gắn với ngành khoa học và cơ sở đào tạo bổ nhiệm.

Thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng chưa coi trọng việc bổ nhiệm, tổ chức vinh danh ngay sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn.

Đối với tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, nhiều tiêu chuẩn định tính, khó có minh chứng, kiểm chứng như đạo đức, uy tín nghề nghiệp, thành thạo ngoại ngữ …Tiêu chuẩn đạt tỷ lệ số phiếu tín nhiệm không hợp lý.

Đặc biệt, quy định hiện nay thiếu cập nhật với xu hướng, chuẩn quốc tế; Chưa thể hiện sự đặc thù của các nhóm ngành; Không quy định về tuổi của ứng viên (có ứng viên được xét xong không thể bổ nhiệm do tuổi quá cao).

Bên cạnh đó, phân cấp chưa mạnh mẽ, chưa quy định việc cơ sở giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm của đơn vị (thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học chỉ thực hiện quy trình bổ nhiệm).

Thủ tục hành chính còn nặng nề bởi 03 cấp Hội đồng (Cơ sở, Ngành, Nhà nước), không có sự khác biệt về quy trình xét giữa cấp cơ sở và cấp ngành.

Đối với công tác quản lý, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũ chưa có chế tài rõ ràng đối với GS, PGS không hoàn thành nhiệm vụ; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét đạt tiêu chuẩn còn hạn chế.

Hồng Hạnh (ghi)