Bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quý Thanh làm Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục

(Dân trí) - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 868/QĐ-ĐHQGHN bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quý Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục.


Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định số 868/QĐ-ĐHQGHN ngày 15/3/2017 của Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quý Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định số 868/QĐ-ĐHQGHN ngày 15/3/2017 của Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quý Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục.

Gửi lời chúc mừng tới tân Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị, để thực hiện sứ mệnh phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, Trường ĐH Giáo dục phải tập trung theo hướng phát huy tinh thần khoa học trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên và các cán bộ quản lý giáo dục, định hướng tập trung vào hoạt động kiến thiết các ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, tăng cường công bố và phát ngôn học thuật trong và ngoài nước là một trọng những hướng đi chiến lược quan trọng để Trường khẳng định vị thế, uy tín học thuật trong lĩnh vực khoa học giáo dục trên cả nước.

Hoà vào triết lý giáo dục khai phóng của ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục phải định vị rõ triết lý giáo dục của Nhà trường. Triết lý giáo dục cần hướng tới phát triển năng lực tư duy độc lập của người học, có tính phản biện và ý thức công dân sâu sắc, phát triển tiềm năng cá nhân, khả năng sáng tạo và thích ứng cao. Trên cơ sở đó, các sản phẩm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường phải gắn bó mật thiết với yêu cầu thực tiễn của xã hội. Triết lý này cần được ý thức sâu sắc, rộng rãi và là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục của Nhà trường”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn yêu cầu.

Bày tỏ vinh dự khi được bổ nhiệm chức vụ mới, tân Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cho biết sẽ tiếp tục phát huy tính độc đáo, bản sắc riêng và những thành tựu của Trường, đồng thời đề ra một số định hướng phát triển trong thời gian tới là đẩy mạnh việc xây dựng Trường theo sát định hướng nghiên cứu của ĐHQGHN; quy hoạch và phát triển năng lực đội ngũ giảng viên theo định hướng nghiên cứu, từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin để ngày càng có nhiều giảng viên có thể giảng dạy được bằng tiếng Anh.

Đồng thời, tiếp tục phát huy những nền tảng đã được xây dựng, đặc biệt trong đào tạo sau đại học; phát triển những chương trình đào tạo mới mang tính chất liên ngành, có ứng dụng công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu trong các lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh nhất là các ngành công nghệ trong quản lý giáo dục, quản trị trường học, tham vấn học đường, đo lường và đánh giá giáo dục.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho các đề tài nghiên cứu theo hướng hướng đến sản phẩm cuối cùng, không chỉ của giảng viên mà của cả người học; khuyến khích phát triển các chuỗi đề tài hướng đến các sản phẩm có thể ứng dụng và chuyển giao trong khoa học ứng dụng.

Đặc biệt, chú trọng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, xem đó là nguồn lực quan trọng để phát triển; liên kết đào tạo quốc tế, kể cả đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý, nhà quản trị, nhân viên công nghệ giáo dục, nhân viên tham vấn học đường với các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ các nước phát triển về giáo dục.

Nhật Hồng