Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân

Hoàng Chung

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây phát hiện 6,1% học sinh tự hủy hoại bản thân bằng cách cắt, cắn, nhéo cơ thể…

Cắt, cắn, nhéo cơ thể

Kể câu chuyện thực tế với Dân trí, bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) - cho biết, vài năm trước nhà trường ghi nhận trường hợp một nữ sinh lớp 9 học giỏi nhưng lại tự cắt tay mình, may mắn giáo viên đã phát hiện kịp. 

Sau khi bình tâm, em này cho biết, nguyên nhân do em gặp vấn đề về áp lực trong gia đình. Sau đó, nhà trường mời phụ huynh lên chia sẻ về tình trạng của con và mẹ của em cũng bất ngờ về điều này.

Tại chuyên đề "Triệu chứng tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi THCS" do Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) vừa tổ chức, ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH TPHCM - đã đưa ra những con số đáng suy ngẫm.

Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 1

ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh chia sẻ tại chuyên đề "Triệu chứng tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi THCS" do Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) (Ảnh: Hoàng Chung).

Với thực tế hoạt động tâm lý của mình, bà Hạnh đã tham vấn cho nhiều tình huống trẻ tự hủy hoại bản thân. Việc này được định nghĩa là bất kỳ hành động nào gây tổn thương tâm lý hoặc thể chất mà không có ý định tự sát. 

Nữ giảng viên đã thực hiện một nghiên cứu trên 3.480 học sinh THCS, THPT tại 8 đô thị phía Nam và sàng lọc ra được 213 học sinh đang có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân (nghiên cứu trong vòng 1 năm gần nhất). Tỷ lệ này chiếm 6,1%.

Trong số này, đối với hành vi tự cắt, tự khắc trên cổ tay hoặc trên cơ thể, có 151 em tự đánh giá thực hiện rất thường xuyên, 31 em thường xuyên và 23 em thỉnh thoảng.

Với hành vi cắn, cào, ngắt, nhéo cơ thể, có 100 em rất thường xuyên thực hiện, 41 em thực hiện thường xuyên và 36 em thỉnh thoảng.

Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 2
Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 3
Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 4

Một số biểu hiện của tự hủy hoại bản thân (Nội dung: ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh).

Một biểu hiện khác là hành vi tự đánh vào đầu, vào cơ thể hoặc đập đầu và các bộ phận khác trên cơ thể, có 104 em đánh giá thực hiện rất thường xuyên, 32 em thường xuyên và 43 em là thỉnh thoảng…

Đáng nói, trong số này có 46,5% học sinh chọn giải pháp im lặng, che giấu, không cho ai biết hành vi của mình; 10,3% học sinh không muốn ai giúp đỡ mình và 7% các em mong muốn tiếp tục thực hiện thêm nhiều lần để làm đau cơ thể hơn nữa.

Nghiên cứu này cũng thể hiện, có 6,6% học sinh tự đánh giá rơi vào tình trạng rất nghiêm trọng (phải nhập viện cấp cứu, để lại hậu quả lâu dài về mặt tâm lý và tinh thần); 1,4% khá nghiêm trọng (cần sự trợ giúp y tế); 16,9% có tình trạng nghiêm trọng (để lại vết thương nhưng tự chăm sóc vết thương và bản thân được, để lại sẹo); 29,6% cho rằng ít nghiêm trọng (tổn thương mất đi sau vài ngày, không để lại tổn hại trên cơ thể) và 40,4% học sinh tự đánh giá hành vi tự hủy hoại bản thân là không nghiêm trọng (không để lại tổn thương, dấu vết trên cơ thể).

Chỉ xảy ra ở con người khác?

ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh nhận định, hành vi tự hủy hoại bản thân đang xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi vị thành niên. Các em có dấu hiệu tự làm đau cơ thể khi gặp chuyện không mong muốn trong cuộc sống như điểm thấp, mâu thuẫn với bạn bè, người thân, bố mẹ ly hôn, bị ép học quá đà hoặc so sánh với "con nhà người ta"…

"Có những bạn học rất giỏi, biểu hiện trên lớp bình thường, chỉ có điều thường xuyên mặc áo khoác, đội mũ kín người để che đi những vết khắc trên cơ thể. Không phải dễ dàng để phát hiện ra trẻ bị tự hủy hoại bản thân. Điều này rất cần phụ huynh, giáo viên thường xuyên gần gũi và quan tâm tới sự phát triển của trẻ" - bà Hạnh nói.

Trẻ chọn đây là cách thức để giảm nỗi đau tinh thần, để quên đi một điều gì đó; hoặc gây ảnh hưởng đến người khác để tìm kiếm sự giúp đỡ, muốn được chú ý, tự trừng phạt chính bản thân, lấy lại cảm giác làm chủ…

Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 5
Giáo viên, phụ huynh đến dự và chia sẻ tại buổi chuyên đề (Ảnh: Hoàng Chung).

Còn Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang cũng bày tỏ lo lắng khi phụ huynh hiện nay đang chủ quan trước việc trẻ tự hủy hoại bản thân. Nhà trường đã tổ chức một số buổi nói chuyện chuyên đề nhưng nhiều người cho rằng, điều này chỉ xảy ra ở con ai đó, chứ không phải con mình.

Bởi, đa số phụ huynh nghĩ họ đang chăm sóc và giáo dục con tốt, không thể xảy ra trường hợp tự hủy hoại bản thân. Nếu có, đó cũng chỉ là hành vi làm nũng, ăn vạ để cha mẹ "xuống nước" - bà Nguyễn Đoan Trang bày tỏ.

Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 6

Vòng tuần hoàn nguy hiểm và một thói quen tiêu cực gây hậu quả lâu dài (Nguồn: ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh).

Để phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ, ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh cho rằng, cần có sự nhập cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ để ngăn chặn các hành vi trên. Đồng thời, cần quan sát, phát hiện sớm các dấu hiệu để tìm nguyên nhân và giải pháp phù hợp để hỗ trợ. Các em cũng cần có môi trường an toàn, đủ tin tưởng để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn đang gặp phải…

Đặc biệt, mỗi gia đình, nhà trường cần tạo điều kiện cho trẻ học tập và phát triển, giúp trẻ có niềm tin vào bản thân và khả năng xử lý vấn đề của mình. Gia đình cần dành thời gian cho trẻ, thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và sự ủng hộ để giúp trẻ vượt qua khó khăn.

Bố mẹ tá hỏa vì con học giỏi nhưng mắc chứng tự hủy hoại bản thân - 7

Một nữ ca sĩ nổi tiếng cũng từng tự bóc da trên tay mình đến rỉ máu vì quá căng thẳng (Ảnh: FBNV).

Thế hệ gen Z là đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Các em ngày càng trở nên đơn độc vì cứ phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao và cao cả. Các em áp lực với giấc mộng khẳng định vị thế bản thân, với nỗi lo không sánh bằng bạn bè đồng trang lứa.

"Cha mẹ, thầy cô cần quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn; cần tăng cường các hoạt động giáo dục, kỹ năng sống, phối hợp với phòng tư vấn tâm lý học đường để có biện pháp phòng ngừa…", bà Mỹ Hạnh khuyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm