Bộ Giáo dục: Dạy nghề về Bộ LĐ - TB &XH sẽ bị phân tán, chia cắt
(Dân trí) - Bộ Giáo dục vừa có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo. Tại bản góp ý Bộ Giáo dục cho rằng, một số điều trong Luật Giáo dục nghề nghiệp không phù hợp, chưa đủ cơ sở pháp lý.
Chưa có sự thống nhất
Trong công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Giáo dục – Đào tạo nói rõ: Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ: phải tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới hệ thống theo hướng mở, vì vậy việc đề cập đến cơ quan quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần được cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ càng Nghị quyết nói trên để thực hiện đổi mới giáo dục thành công.
Trong quá trình Quốc hội thảo luận để thông qua Luật GDNN còn nhiều ý kiến phân tán và rất khác nhau về vấn đề này. Chính vì thế, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể và đã quy định trong Luật GDNN. Vì thế cần có sự bàn bạc, cân nhắc kỹ của Chính phủ và có quyết định vấn đề này khi bàn về chức năng nhiệm vụ của các Bộ ngành.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể: “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp ở TƯ”, cùng nhiều chương, điều, khoản quy định thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về GDNN trong khi chưa có sự thống nhất giao nhiệm vụ của Chính phủ là chưa phù hợp.
Như vậy, việc Dự thảo Nghị định quy định Bộ LĐ TBXH là cơ quan quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp ở TƯ là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 – NQ/TW, quy định của Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và chưa đủ cơ sở pháp lý.
Phân tán, chia cắt
Trong bản góp ý của mình, Bộ Giáo dục cho rằng, trên thực tế hiện nay, giáo dục là lĩnh vực duy nhất có 2 bộ cùng quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng phân tán, chia cắt. Căn cứ về mục tiêu và đối tượng quản lý thì đối tượng quản lý của ngành giáo dục là học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, trong khi đó Bộ GD TBXH đối tượng quản lý người lao động và việc làm.
Từ năm 1997 đến nay, Bộ GD ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ LĐ - TBXH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề. Sự thống nhất này đã làm mất đi hệ thống, dẫn tới nhiều loại văn bằng chứng chỉ, thiếu tính tiêu chuẩn, nhiều cơ chế chính sách chồng chéo trong cùng hệ thống giáo dục quốc dân, khó khăn cho việc xây dựng xã hội học tập, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực mất cân đối. Khó khăn cho việc quy hoạch hệ thống tổng thể (từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học) và gây ra những lãng phí lớn.
Những năm qua, do các chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành giáo dục không thống nhất nên đã nảy sinh những khó khăn trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo cùng với việc hình thành 2 bộ máy hành chính cồng kềnh cùng quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối quản lý.
Hơn nữa, ở cấp địa phương giao cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về GDNN theo ngành dọc Sở LĐTBXH giúp UBND thực hiện nhiệm vụ này sẽ không phù hợp với đối tượng quản lý là học sinh, sinh viên, nhà giáo mà Sở GDDT vốn có kinh nghiệm hơn nhiều.
Ngoài ra, các Sở LĐ - TBXH lại phải biên chế thêm bộ máy để quản lý mạng lưới các cơ sở GDNN tại địa phương, trong khi các Sở GDDT tại địa phương hầu như không cần thiết phải cơ cấu lại bộ máy nếu nhận nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về GDNN trên địa bàn.
Điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác cải cách hành chính, giảm bớt đầu mối quản lý và biên chế.
Việc đề xuất quản lý Nhà nước về GDNN thuộc Bộ LĐ TBXH như dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, GDNN, giáo dục đại học. Những vấn đề tập trung nguồn lực tạo ra sự đột phá trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, sự phân luồng bị cản trở (Do Sở LĐ-TBXH địa phương không thể can thiệp vào nhà trường phổ thông để làm công tác giáo dục hướng nghiệp như Sở GD - ĐT hiện nay đang quản lý).
Thực tế quản lý hệ thống GDNN ở các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy: GDNN luôn gắn với nhà trường, học sinh, sinh viên và nhà giáo. Ở hầu hết các quốc gia phát triển và ASEAN, Trung Quốc, Úc thì cơ quan quản lý nhà nước về GDNN đều là Bộ GD-ĐT còn nhiệm vụ đào tạo kỹ năng nghề có thể do Bộ ngành khác.
Do đó, nội dung dự thảo Nghị định (Điều 3) quy định “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương” là chưa đủ cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn.
Bộ Giáo dục sẽ trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 73
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Dự thảo Nghị định chưa đảm bảo tính thống nhất: phạm vi điều chỉnh chưa phản ánh hết nội dung quy định ở các chương, điều, đồng thời cấu trúc của Nghị định chưa hợp lý, chưa bám sát với cấu trúc của Luật GDNN.
Nội dung một số khoản (điều 4) không phải là nguyên tắc về QLNN mà là yêu cầu quản lý nhà nước. Các nguyên tắc trong điều này cần được quy định phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước.
Dự thảo Nghị định có nhiều nội dung chồng chéo với các văn bản hiện hành, nhưng không có quy định thay thế hay sửa đổi, bổ sung như: Một số nội dung về hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp đã có quy định tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hơp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Vì vậy, sau khi Luật GDNN có hiệu lực, Bộ GD ĐT có thể trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2012 hoặc ban hành thông tư riêng để hướng dẫn thi hành Nghị định số 73 về những nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.
Không đưa vào Nghị định hướng dẫn luật nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức, đổi tên tổ chức, nếu sau này Chính phủ quyết định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cụ thể là Bộ nào, thì nội dung đề nghị đưa vào Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ đó.
Hay như tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp cho các địa phương, cơ sở, không nên làm kém đi tình trạng phân cấp hiện hành. Do đó cần phân cấp QLNN cụ thể đối với các cấp QLNN như UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thức và trình độ đào tạo…
Quy định về quản lý nhà nước như dự thảo Nghị định còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được tính đến, lường hết như: Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng đang triển khai trong các trường đại học, học viện; các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như: Cao đẳng sư phạm, cao đẳng cộng đồng, cao đẳng y – dược, cao đẳng văn hóa nghệ thuật…
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Các căn cứ nêu trong Tờ trình còn thiếu cơ sở khoa học, chưa tính hết những khó khăn, tốn kém…. Khi thay đổi cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng vốn do Bộ GD-ĐT quản lý và đã phân cấp rất nhiều cho địa phương.
Bộ Giáo dục đề nghị Bộ LĐ – TBXH nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Nghị định trình Chính phủ xem xét.
Hồng Hạnh