1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bộ GD&ĐT yêu cầu khắc phục việc xét tuyển đại học thiếu công bằng

Mỹ Hà

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố kịp thời phương thức tuyển sinh năm 2025, trong đó khắc phục triệt để việc thiếu công bằng giữa các phương thức, tiêu chí xét tuyển.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 -2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học năm 2025 là hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học hoàn thành việc tuyển sinh năm 2024 theo chỉ tiêu, phương thức đã công bố.

Đặc biệt, các trường phải công bố kịp thời phương thức tuyển sinh năm 2025, trong đó khắc phục triệt để việc thiếu công bằng giữa các phương thức, tiêu chí xét tuyển.

Bộ GDĐT yêu cầu khắc phục việc xét tuyển đại học thiếu công bằng - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Hiện các trường có khoảng 20 phương thức xét tuyển sớm, hay còn gọi là xét tuyển kết hợp, xét tuyển có điều kiện. Các thí sinh chưa học hết lớp 12 có thể đã biết mình đỗ đại học. Như vậy phần nào giảm đi áp lực thi cử. Các trường đại học, cao đẳng chủ động hơn trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, quá trình tuyển sinh này cũng đang bộc lộ một số băn khoăn, lo ngại về tính công bằng. Và liệu xét tuyển sớm có gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông?

Tại hội nghị giáo dục đại học 2024, diễn ra ngày 9/8 tại Hà Nội, đại diện một trường đề xuất bỏ xét tuyển sớm, đưa về 1 kỳ xét tuyển chung.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, tuyển sinh sớm có mặt tích cực nhưng cũng khiến các em phân tán tư tưởng. Thời gian qua, nhiều sở GD&ĐT, các trường phổ thông phản ánh và lo lắng về điều này, bởi nhiều em khi biết mình đã trúng tuyển sớm nên sao nhãng học tập.

Xét tuyển sớm nếu dành cho tuyển thẳng, thí sinh rất tài năng, năng khiếu hay trường có thể nhận thoải mái mà không lo chỉ tiêu thì rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được chỉ tiêu, sẽ dẫn đến mất công bằng.

Trước thực tế đó tại hội nghị này, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm từ năm sau.

Cũng tại hội nghị giáo dục đại học 2024 vừa diễn ra tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm mà tự chủ trong khuôn khổ quy định.

"Việc tuyển sinh sớm khiến các em sao nhãng học hành rất tai hại. Các trường đại học chỉ yên tâm với số thí sinh sớm vào trường mình nên tuyển sinh bằng điểm thi ít, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, dẫn đến mất công bằng. Chính vì vậy, ở kỳ tuyển sinh năm sau, Bộ GD&ĐT sẽ có định hướng", Bộ trưởng nói.  

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các trường không nên quá nhiều phương án xét tuyển, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh và xã hội.

Các trường tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm, tự chủ phải tự chủ trong khuôn khổ các quy định, có thể thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải điều tiết.

Bộ trưởng động viên các trường hãy yên tâm, nguồn tuyển vẫn còn dồi dào, trường nào uy tín thì không lo, nên không phải chen lấn xô đẩy.