Bộ GD&ĐT: Chất lượng giảng viên đại học vẫn là dấu hỏi lớn

(Dân trí) - Tại hội nghị tổng kết năm học giáo dục đại học và các trường sư phạm sáng ngày 11/8, Bộ GD&ĐT cho biết, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

Bộ GD&ĐT: Chất lượng giảng viên đại học vẫn là dấu hỏi lớn - 1

Công bố 594 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).

Trong năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công nhận 65 giáo sư, 638 phó giáo sư trong đó, số đang trực tiếp làm việc tại các cơ sở đào tạo là 48 giáo sư (chiếm 73.85%); 508 phó giáo sư (chiếm 79.62%).

Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là: 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ: Tiến sĩ - 115 người; Thạc sĩ - 2.187 người.

Số lượng giảng viên các cơ sở GDĐH phân theo trình độ và chức danh khoa học như sau:


Nguồn: Thống kê giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017

Nguồn: Thống kê giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017

Số lượng cán bộ cơ hữu (giảng dạy và hướng dẫn NCS) tại các viện NCKH phân theo trình độ và chức danh khoa học:


Nguồn: Thống kê Vụ Giáo dục Đại học, 2017

Nguồn: Thống kê Vụ Giáo dục Đại học, 2017

Số lượng nhiệm vụ KH&CN các cấp đã được nghiệm thu năm 2016 là 274 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ này đã thu hút gần 3.000 lượt cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tham gia, đào tạo được 312 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 77 tiến sĩ, xuất bản 36 đầu sách tham khảo và chuyên khảo, công bố 594 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (63,8 % đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, 36,1% đăng trên tạp chí nước ngoài, còn lại đăng trên các kỷ yếu hội thảo), 115 sản phẩm ứng dụng là quy trình kỹ thuật, sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển ngành và địa phương.

Tính đến năm học 2016-2017, toàn quốc có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy – nghiên cứu là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (24 nhóm), ĐHQG Hà Nội (23 nhóm).

Giảng viên tăng nhưng chất lượng chưa tăng

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao.

Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc.

Năm học này, số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm còn thấp (chiếm ~ 3,4%).


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT

Bà Phụng cho rằng, công tác bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý chưa được quan tâm đồng đều trong toàn hệ thống. Chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế,...

Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và có độ tuổi cao nên chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công cập trong hệ thống.

Theo bà Phụng, nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

Trong quá trình triển khai Đề án đào tạo giảng viên bằng NSNN (Đề án 911), nhiều ứng viên từ các cơ sở đào tạo không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết khác trong khi nhu cầu giảng viên có trình độ cao là rất lớn.

Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn và tự chủ đại học.

Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên

Để giải quyết hạn chế trên, đại diện lãnh đạo Bộ GD&DT cho biết, tập trung đổi mới cơ chế tài trợ nghiên cứu cho GDĐH để thúc đẩy giảng viên nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Công khai, minh bạch các công trình đã công bố, các hướng nghiên cứu đang thực hiện của giảng viên trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị đại học cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các nhà trường trên nền thực hiện tự chủ đại học.

Có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống theo các đề án có sử dụng NSNN, các chương trình học bổng hiệp định và một số học bổng song phương.

Thực hiện hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như: chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở GDĐH; công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai phân tầng, xếp hạng các trường đại học.

Tổ chức quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên.

Đối với chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, hoàn thành việc xây dựng chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý làm căn cứ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao và quản lý cơ sở đào tạo hiệu quả trong điều kiện tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.

Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện NCKH được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).

Nhật Hồng