Bộ GD-ĐT thừa nhận “có phần trách nhiệm”
Chiều 13/2, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp giải quyết hậu quả của vụ “SITC đột ngột biến mất”, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.
Trao đổi với phóng viên, ông Lại Hữu Miễn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) - cho biết Bộ GD-ĐT đã đánh giá lại toàn bộ phần trách nhiệm quản lý của ngành đối với SITC. Lãnh đạo bộ nhận định việc dừng hoạt động của SITC không phải do chương trình đào tạo mà hoàn toàn vì lý do kinh tế. Vì thế vụ việc cần được giải quyết theo đúng các qui định pháp luật về kinh tế.
Tuy nhiên ông Miễn cũng thừa nhận Bộ GD- ĐT có phần trách nhiệm trong vụ việc là chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh văn hóa tư tưởng khi cơ quan này thông báo một số dấu hiệu vi phạm của SITC vào tháng 7/2005. Bộ GD- ĐT đã tổ chức thanh tra các cơ sở đào tạo của SITC và có văn bản yêu cầu SITC chấn chỉnh các sai phạm nhưng lại chưa thông báo kết quả thanh tra lại cho cơ quan an ninh để cùng phối hợp giám sát hoạt động của SITC.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng quyền lợi về kinh tế (học phí, lương đang bị SITC nợ), phải do đầu mối là cơ quan cấp phép đầu tư là bộ và các sở kế hoạch - đầu tư giải quyết theo đúng qui định hiện hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trước mắt, để hỗ trợ học viên SITC, Vụ Giáo dục thường xuyên sẽ làm đầu mối chỉ đạo các sở GD-ĐT lên danh sách các trung tâm ngoại ngữ chính thức đồng ý tiếp nhận học viên của SITC vào học tập dưới dạng miễn hoặc giảm học phí.
Đồng thời phải kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận học viên vào học theo đúng cam kết đã công bố của các trung tâm này. Hôm nay, 14/2, bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc SITC.
Cũng chiều 13/2, ông Phan Hữu Thắng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) - cho biết đến thời điểm này chưa nhận được hồi âm của chủ đầu tư - công ty “mẹ” - của SITC là Life Knowledge Consultancy Pte Ltd từ Singapore. Ông Thắng khẳng định Bộ Kế hoạch - đầu tư hiện chưa có kế hoạch cử đoàn công tác qua Singapore cho đến khi có thông tin cụ thể về chủ đầu tư.
30 cơ sở đồng ý tiếp nhận học viên của SITC
Đến thời điểm này đã có gần 30 cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo ngoại ngữ trong nước cũng như các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đồng ý tiếp nhận và hỗ trợ học viên của SITC.
Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang thống kê số lượng và thiệt hại của học viên SITC. Theo thông tin từ công ty mẹ của SITC tại Singapore thì tại thời điểm đổ vỡ có khoảng 30.000 học viên đang theo học tại các trung tâm ngoại ngữ của SITC Việt Nam. |
Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động