Bộ GD-ĐT “hé lộ” việc dạy học tích hợp, phân hóa
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đề án đưa ra quan điểm dạy học tích hợp và dạy học phân hóa trong chương trình mới. Vậy Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị như thế nào?
Dạy học tích hợp và dạy học phân hóa là gì?
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay: Tích hợp là một hoạt động mà ở đó cần phải kết hợp, liên hệ, huy động các yếu tố, có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết một vấn đề, qua đó đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Dạy học tích hợp là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng...thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập; thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.
Phân hóa là một hoạt động mà ở đó cần phải phân loại và chia tách các đối tượng, từ đó tổ chức, vận dụng nội dung, phương pháp và hình thức sao cho phù hợp với đối tượng ấy nhằm đạt hiệu quả cao. Dạy học phân hóa là định hướng trong đó giáo viên tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, nhằm đảm bảo yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của những người học; trên cơ sở đó phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Tích hợp và phân hóa là hai yêu cầu luôn cần được quán triệt đồng thời, thống nhất nhưng khác nhau ở các cấp học và trình độ đào tạo; được chú ý cả mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục.
Trong cuộc tập huấn hiệu trưởng trường THPT mới đây, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận: Trong chương trình hiện hành, quan điểm tích hợp và phân hóa chưa được coi trọng đúng mức; việc tích hợp nội dung giáo dục vừa thiếu, vừa chưa đảm bảo tính khoa học nên phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai (như giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tệ nạn xã hội, kỹ năng tiếp cận nghề nghiệp...); chưa tích hợp nhiều kiến thức liên quan của các lĩnh vực thành một môn học ở cấp THCS và cấp THPT; số môn học bắt buộc của mỗi lớp học, cấp học còn khá nhiều. Việc chưa coi trọng rèn luyện, vận dụng kiến thức cũng làm hạn chế tính tích hợp; chưa coi cọi trong phương pháp dạy học phù hợp từng đối tượng học sinh cũng làm hạn chế tính phân hóa.
Phương thức dạy học phân hóa bằng phân ban kết hợp với tự chọn ở cấp THPT chưa thành công. Với cách thiết kế nội dung giáo dục và chỉ đạo phương pháp dạy học như vậy thì chưa thể đáp ứng được yêu cầu của dạy học tích hợp và phân hóa, ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu phát triển năng lực học sinh.
Đã chủ động tiếp cận dạy tích hợp, phân hóa
Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình mới được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Cụ thể, ở cấp tiểu học và cấp THCS, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp.
Thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Nội dung các môn học tích hợp được thiết kế theo hướng vẫn giữ các nội dung chính của các môn học nhưng lựa chọn, lồng ghép, sắp xếp và bố trí các chủ đề/đề tài liên quan với nhau của các môn học này để chúng bổ sung, làm sáng tỏ cho nhau trong quá trình dạy và học; đồng thời sẽ xây dựng các chủ đề dạy học liên môn.
Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ. Học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường. Các chuyên đề học tập tự chọn nhằm đáp ứng hiểu biết nâng cao hoặc mở rộng kiến thức các môn học; cung cấp những hiểu biết và kỹ năng ban đầu như là nhập môn các khoa học hoặc ngành nghề; giúp học sinh có những thông tin định hướng và tiếp cận nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Các trường THPT cần bố trí phòng học và giáo viên; phối hợp, liên kết với các trường trên cùng địa bàn, với các đơn vị sản xuất, kinh doanh...để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tự chọn của học sinh.
Trong những năm gần đây ngành đã tiến hành thực nghiệm việc vận dụng quan điểm tích hợp vào xây dựng và triển khai chương trình ở THCS như: thực nghiệm chương trình của mô hình trường học mới, xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề liên môn, nghiên cứu khoa học của học sinh theo định hướng tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; tổ chức nhiều “sân chơi” trí tuệ đáp ứng nhu cầu và năng khiếu riêng của các học sinh khác nhau...Các hoạt động thực nghiệm này đã thành công và ngày càng được nhân rộng trong toàn quốc, là kinh nghiệm cho việc tăng cường dạy hoc kết hợp tích hợp và phân hóa vì mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Sẽ đánh giá thường xuyên bằng nhận xét đối với THCS? Theo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì việc thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phải dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực học sinh được quy định trong chương trình; phối hợp đánh giá quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học, đánh giá của nhà trường với đánh giá gia đình và của xã hội. Để chuẩn bị cho lộ trình này, năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trong cách thực hiện nhưng nhiều giáo viên thừa nhận: Thông tư 30 rất có tính nhân văn, học sinh cảm thấy vui mỗi khi đến trường khi mà áp lực về điểm số được dần xóa bỏ. Không chỉ ở bậc tiểu học mà ngay cả ở cấp THCS trog những năm gần đây và hiện nay, việc kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đang và sẽ được đổi mới theo hướng chuyển từ chú trọng kiểm tra kết quả ghi nhớ kiến thức cuối kỳ, cuối năm sang coi trọng kết hợp kết quả đánh giá phong cách học và năng lực vận dụng kiến thức trong quá trình giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học để hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không. Theo tìm hiểu của Dân trí, năm học 2014 - 2015, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở ở các trường thực nghiệm mô hình trường học mới (VNEN) đã coi trọng nhận xét, hướng dẫn học sinh học, việc chấm điểm chỉ còn áp dụng trong bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học. Qua một học kì thực hiện đã có nhiều tín hiệu tốt từ việc thay đổi này. Năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục mở rộng các trường THCS thực nghiệm VNEN để tiếp nhận học sinh tham dự VNEN ở cấp tiểu học bước vào lớp 6. |
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |