Bộ GD-ĐT giải thích các vấn đề “nóng” về môn Lịch sử

(Dân trí) - Nhằm để dư luận hiểu rõ hơn về chủ trương của ngành đối với giáo dục Lịch sử và môn học Lịch sử ở cấp THPT, Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa chính thức đưa ra những lời giải thích cặn kẽ đối một số vấn đề nóng mà đang được sự quan tâm của dư luận.

Ông Đoàn Văn Ninh - Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, trưởng ban thường trực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho biết: Ngày 5/8/2015, Bộ GD-ĐT đã cho phép đăng tải trên mạng dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể để xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá dự thảo CT GDPT tổng thể đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng (NQ29), Quốc hội (NQ88) và Đề án về Đổi mới chương trình, SGK GDPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhất trí với nội dung dự thảo CT tổng thể. Bên cạnh đó cũng còn một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề, Ban xây dựng CT tổng thế đã tập hợp và có báo cáo giải trình, tiếp thu công khai trên Website của Bộ. Các ý kiến chưa đồng tình với dự thảo CT tổng thể về giáo dục Lịch sử và môn học Lịch sử có thể tổng hợp lại một số vấn đề và Ban soạn thảo xin giải thích thêm như sau:

Tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử

Ban xây dựng CT không coi trọng GD LS, để LS là môn học tự chọn thì sẽ rất ít HS chọn học LS, như thế chẳng khác gì xoá sổ LS trong giáo dục cấp THPT.

Không phải là HS thích thì (chọn) học, không thích thì thôi, xoá sổ môn học LS. Trái lại, theo Dự thảo CT tổng thể tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung GD Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học Xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được học LS trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về LS. Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung GD LS trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong CT hiện hành, điều này là rõ ràng vì CT hiện hành bắt buộc HS học LS 1,5 tiết/ tuần; dự thảo CT tổng thể mới bắt buộc HS phải học Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn KHXH 3 tiết/tuần hoặc LS 3 tiết/tuần.

 

Bắt buộc học nội dung Lịch sử đối với học sinh phổ thông
Bắt buộc học nội dung Lịch sử đối với học sinh phổ thông

 

Ban xây dựng CT tổng thấy nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu các góp ý, văn bản CT tổng thể sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho rõ vấn đề này.

Giáo viên có thể dạy được tích hợp ngay

Theo tinh thần coi trọng GDLS, có ý kiến cho rằng nếu tích hợp trong môn KHXH hoặc môn Công dân với Tổ quốc thì không thể hiện được tầm quan trọng của GDLS; khó tích hợp các mạch kiến thức GDCD, GDLS và GDQPAN; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT; đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này.

Liên quan đến dạy học tích hợp và phân hóa, trước hết phải khẳng định đây là vấn đề có nhiều yêu cầu mới của CT GDPT nên không thể tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc. Ban xây dựng CT xin được làm rõ như sau:

Theo định hướng đảm bảo tính thống nhất giữa tích hợp và phân hoá trong GD để người dạy, nhất là người học dễ dàng vận dụng tổng hợp các kiến thức khác nhau nhưng có liên quan để giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của người học thì mỗi môn học cần phải đề cập nhiều lĩnh vực kiến thức và mối lĩnh vực kiến thức cần được bố trí trong một số môn học khác nhau.

Mỗi lĩnh vực giáo dục được thực hiện qua nhiều môn học, trong đó có một hoặc một số môn học cốt lõi. Nhà giáo dục giỏi phải biết tổ chức nội dung trong từng môn học, cũng như giữa các môn học sao cho các kiến thức được dạy không bị chồng chéo mà lại có tác dụng soi sáng, hỗ trợ lẫn nhau để tăng hiệu quả giáo dục. Cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn KHXH (hoặc môn) LS trong dự thảo CT mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của CT hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của CT GD một số nước. Việc tiếp sau đây là phải xây dựng CT môn học, viết SGK và thực hiện quá trình giáo dục sao cho tốt nhất.

Về tên gọi của môn học, chúng ta biết rằng để bảo đảm tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không phải là cần gọi tên môn học đó một cách “đích danh”, “trực tiếp” (như tên các môn học trong các chương trình truyền thống) mà là: người học nắm được kiến thức của môn học/lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào (có hiệu quả không) và kiến thức đó có chuyển hoá thành phẩm chất (hứng thú, niềm tin, đạo đức, thái độ...) và năng lực (vận dụng kiến thức cùng với các phẩm chất cá nhân để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống). Việc lựa chọn tên môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học. Ở cấp THPT, có 4 môn học bắt buộc đối với tất cả HS thì 3 môn được đặt tên “trực tiếp” theo truyền thống là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp,...), là do tính chất công cụ cho hoạt động của con người và 1 môn Công dân với Tổ quốc (là môn học có tên mới) do vai trò đặc biệt, có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học/lĩnh vực giáo dục khác trong CT.

 

Giáo viên hoàn toàn có thể dạy được tích hợp
Giáo viên hoàn toàn có thể dạy được tích hợp

 

Việc sắp xếp môn học như vậy không trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT vì đã đảm bảo cho HS phân hoá: Ngoài môn Công dân với Tổ quốc là bắt buộc chung, những HS định hướng các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xã hội có thể học môn Lịch sử (với yêu cầu cao về kiến thức và khoa học Lịch sử) và chọn thêm các chuyên đề mở rộng/ nâng cao về Lịch sử, những học sinh khác thì học môn KHXH (với yêu cầu nhẹ hơn về LS).

Việc thiết kế môn học tích hợp mới theo các mạch kiến thức dựa theo các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh (như một số nước phát triển đã làm) là một giải pháp đã cân nhắc đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay. Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.

Mặt khác, việc thiết kế như vậy tạo thuận lợi cho việc thiết kế trong mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu, Hiệu trưởng trường phổ thông sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy từng chuyên đề cụ thể.

Kết quả thực nghiệm dạy học môn KHXH ở lớp 6, lớp 7 của mô hình trường học mới trong 2 năm qua đã chứng minh điều đó. Xin nói thêm rằng: Kết quả cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh hiện nay những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy được một số chuyên đề dạng này. Giáo viên sẽ được tiếp tục bồi dưỡng để sẵn sàng dạy học theo CT mới. Đồng thời các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và đổi mới cách thức tổ chức đào tạo để đào tạo được những giáo viên dạy được toàn bộ các nội dung trong từng môn học mới của CT GDPT.

Lịch sử là môn độc lập thì rất khó để đổi mới

Nếu để kiến thức LS ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, KHXH, Lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức LS bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn.

Về vấn đề thứ tư, trong CT mới HS sẽ học kiến thức LS trong ít nhất 2 môn học nghĩa thì kiến thức LS sẽ được sắp xếp theo lôgic mới chứ không phải là xé lẻ kiến thức. Việc xây dựng CT, viết SGK phải đảm bảo yêu cầu này và phải tránh chồng chéo/lặp lại kiến thức LS giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn KHXH, giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn LS; giữa 2 môn KHXH và môn LS thì có thể có cùng có một số nội dung kiến thức LS vì 2 môn này nhằm đáp ứng 2 nhóm HS khác nhau (mỗi em không bắt buộc phải học cả 2 môn này). Thực tế là kiến thức LS hay những vấn đề có liên quan đến LS đang tồn tại trong nhiều hoạt động, quá trình, hiện tượng khác nhau, việc lựa chọn, tách ra và sắp xếp như thế nào trong các môn học là nghệ thuật của nhà giáo dục trong việc chuyển tải nội dung khoa học thành nội dung dạy học, tránh cho môn học không chỉ là bản sao chép rút gọn một khoa học chuyên ngành, rất đảm bảo lôgic hình thức, nhưng chính vì vậy mà không tránh được hiện tượng phải có nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời cuộc sống, gây quá tải cho học sinh như nhiều môn học hiện nay. Ban xây dựng dự thảo CT TT đã cân nhắc đến việc này nhưng, theo tinh thần đó, CT môn học phải là sản phẩm của tác giả CT môn học và cần có sự góp ý xây dựng của nhiều người, nhất là các nhà Sử học và các nhà giáo dục.

Đề nghị duy trì LS là môn học riêng, bắt buộc với tất cả các học sinh.

Về vấn đề cần có môn học riêng với tên gọi Lịch sử, như trên đã trình bày, việc bố trí các môn học ở cấp THPT cũng như trong toàn bộ CT GDPT mới phải quán triệt yêu cầu đổi mới, phải đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các môn học, phải tạo thuận lợi cho việc đổi mới cả nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá HS, hướng tới đáp ứng tốt nhất mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, phát triển hài hoà cả thể chất và tinh thần, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người công dân Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Ban xây dựng chương trình cho rằng nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với lôgic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Với tinh thần cầu thị và khoa học, Ban xây dựng CT tổng thể xin trân trọng cảm ơn và sẵn sàng trao đổi và tiếp thu các góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một CT GDPT tổng thể tốt nhất”

Nguyễn Hùng (ghi)
(Email hungns@dantri.com.vn)