Việc lên tiếng môn Lịch sử bị “khai tử” là phản ứng quá vội vàng!
(Dân trí) - GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Việc lên tiếng rằng môn Lịch sử bị loại bỏ, bị “khai tử” trong giáo dục phổ thông là phản ứng quá vội vàng. Là người đã đọc kĩ dự thảo chương trình, tôi phải đính chính, không hề có chuyện môn Lịch sử bị bỏ khỏi chương trình phổ thông để tích hợp vào môn khác”.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ như vậy khi sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo lo ngại, môn Lịch sử có thể bị “xé nát” hoặc ghép nối vụn vặt trong chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể mà Bộ GD-ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến.
Vậy môn Lịch sử sẽ đứng ở đâu trong tương lai? Việc dạy và học tập môn học này sẽ như thế nào?... phóng viên đã có buổi trò chuyện với GS Nguyễn Minh Thuyết.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Những ồn ào xung quanh việc tích hợp nội dung Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” trong CTGDPTTT hiện nay là do sự hiểu lầm
Phản ứng quá vội vàng
Việc tích hợp môn Lịch sử đã gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại, môn học này có thể bị “xé nát”, hoặc ghép nối vụn vặt. Cá nhân ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng những ồn ào xung quanh việc tích hợp nội dung Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” trong CTGDPTTT hiện nay là do sự hiểu lầm. Đây là một thói quen của nhiều người Việt Nam chúng ta. Khi các cơ quan đưa văn bản trưng cầu ý kiến của người dân thì không mấy người đọc; có những luật rất quan trọng mà Chính phủ muốn đưa ra xin ý kiến người dân trước khi trình Quốc hội hoặc Quốc hội xin ý kiến trước khi bàn thảo quyết định cũng chỉ có lác đác vài người đọc. Đến khi ai đó nêu vấn đề thì dư luận cũng nổi sóng theo, trong đó có rất nhiều người chưa hề đọc văn bản. Theo tôi, đó là một thói quen rất đáng được khắc phục.
Thứ hai, việc lên tiếng rằng môn Lịch sử bị loại bỏ, bị “khai tử” trong giáo dục phổ thông là phản ứng quá vội vàng. Tuy không tham gia biên soạn Chương trình GDPT tổng thể nhưng là người đã đọc kĩ, tôi phải đính chính là không phải số giờ dạy lịch sử bị bớt đi, không hề có chuyện môn Lịch sử bị bỏ khỏi chương trình phổ thông để tích hợp vào môn khác.
Trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học được đề cao, chiếm rất nhiều thời gian, nên nhiều môn đều bị bớt giờ, ví dụ môn Ngữ văn trước đây học sinh học 3-4 tiết/ tuần, hiện này giảm xuống chỉ còn 2 tiết. Riêng môn Lịch sử không bị bớt giờ. Hơn nữa, nội dung giáo dục Lịch sử còn được tích hợp trong nhiều môn khác, như: Công dân với Tổ quốc, KHXH, Ngữ văn, trong đó Công dân với Tổ quốc là nội dung giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh cấp trung học phổ thông.
Dự thảo CTGDPTTT do Bộ GD-ĐT công bố mới đây có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Dự thảo này được kỳ vọng là sẽ góp phần giảm nhẹ chương trình, tạo hứng thú cho học sinh và nâng cao hiệu quả giáo dục. Ông đánh giá như thế nào về thay đổi này?
Tích hợp là một xu hướng dạy học có tính khoa học và thực tiễn trên thế giới hiện nay, nó góp phần thúc đẩy nhanh việc hình thành và phát triển năng lực của học sinh.
Nếu đọc kỹ dự thảo CTGDPTTT, chúng ta sẽ thấy môn Lịch sử trong chương trình này rất được coi trọng. Ở Trung học phổ thông, môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp kiến thức từ 3 hợp phần: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Như vậy, nội dung giáo dục Đạo đức – Công dân, Lịch sử, Quốc phòng – An ninh đều là những nội dung giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh cấp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, ở cấp học này, những học sinh theo định hướng KHTN còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học Xã hội hoặc ở môn Lịch sử; những học sinh theo định hướng KHXH sẽ học Lịch sử như một môn trong định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, tất cả học sinh còn được học một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử, nếu các em có nguyện vọng.
Trước THPT, từ tiểu học lên THCS, học sinh vẫn được học những nội dung về giáo dục lịch sử. Tóm lại, trong chương trình mới, việc học lịch sử không có gì bất thường, không những thế vị trí của giáo dục lịch sử còn được coi trọng hơn trước.
Theo nhiều chuyên gia, việc tích hợp các môn học không phải là thay đổi nội dung kiến thức mà chỉ là điều chỉnh lại cấu trúc cho phù hợp, khoa học. Và thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp học này và đã rất thành công, thưa GS?
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới coi tích hợp là một quan điểm cơ bản trong việc triển khai chương trình môn học từ tiểu học đến THCS và THPT, tiêu biểu như Hoa Kì, Canada, Australia, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines,... Cách đây khoảng 15 năm, GS Nguyễn Khắc Phi đã cho tôi xem cuốn sách giáo khoa tiểu học của nước ngoài tích hợp toàn bộ các môn học vào đó.
Ở Việt Nam, thực ra không phải đến bây giờ mới có dạy học tích hợp mà từ xa xưa đã có tích hợp rồi. Ví dụ trong nhà trường Nho giáo, khi quan niệm “Văn Sử Triết bất phân” đang tồn tại, học trò phải học đủ các kiến thức, từ triết lý, văn chương đến cách cai trị, thông thạo cả nho y lý số, cho nên trong các kỳ thi xưa, đề thi thường liên quan đến những vấn đề an dân trị quốc, đạo làm vua, làm thầy,…
Ngay thời chúng tôi đi học, môn Quốc văn là môn tích hợp, bên cạnh tập đọc thông thường có cả tập đọc Khoa -Sử - Địa (Khoa hoc - Lịch sử- Địa lý). Sau này, khi khoa học phát triển, người ta bắt đầu có xu hướng tách các môn ra để tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu, tự nhiên tính tích hợp bị giảm, tính hàn lâm tăng. Ví dụ, trong cải cách giáo dục bắt đầu năm 1979, ở bậc Trung học, chúng ta bắt đầu tách môn Văn hay Quốc văn ra thành 3 môn riêng rẽ: Tiếng Việt, Văn, Làm văn. Vậy là học sinh có đến 3 cuốn sách giáo khoa, kiến thức nặng hơn, chưa kể đến sự vênh nhau về kiến thức, tiến độ, không phát huy được tính liên kết với nhau giữa các môn học này.
Tích hợp là một giải pháp giảm tính kinh viện, tăng tính thực hành, gắn kết chặt chẽ kiến thức trong những lĩnh vực gần nhau, thúc đẩy nhanh sự hình thành, phát triển năng lực ở học sinh.
Tích hợp giống như làm một món ăn
Thưa GS, ông có thể phân tích mặt tích cực cũng như hạn chế của việc tích hợp nói chung, cũng như việc tích hợp môn Lịch sử nói riêng? Việc tích hợp này có ưu điểm gì so với cách dạy và học cũ?
Theo tôi, việc tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Nói cho dễ hiểu, tích hợp giống như làm một món ăn. Thay vì dọn riêng món cà rốt sống, hành tây luộc, nước mắm, gia vị, thịt bò xào v.v…, chúng ta xào tất cả với nhau thành một món ăn thì món ăn ấy sẽ đủ chất, đủ vị mà có thể ngon miệng hơn. Sự ngon miệng chỉ kém nếu người nấu kém tài hoặc mỗi người nấu vẫn muốn giữ riêng món độc lập của mình.
Nói như vậy có nghĩa là hạn chế trong tích hợp chỉ xảy ra nếu chúng ta không đạt được mức độ tích hợp cần thiết, khiến môn học thành nửa nọ nửa kia hay đơn giản là lắp ghép hai cuốn sách giáo khoa lại với nhau.
Hạn chế thứ hai có thể xảy ra trong tích hợp là người dạy chưa được đào tạo để đáp ứng yêu cầu tích hợp. Vì hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn, nên chưa có người dạy được môn tích hợp. Dĩ nhiên để thực hiện điều này, ngay từ bây giờ các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo. Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có, vì vậy cũng chưa thể có giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm. Đó là hạn chế chung của các môn học tích hợp hiện nay.
Về tích hợp nội dung lịch sử, khi đọc CTGDPTTT tôi thấy giải thích về môn Công dân với Tổ quốc tương đối rõ. Tôi cho rằng khả năng tích hợp là hoàn toàn có thể và đó không phải là cơ hội duy nhất để học sinh học lịch sử nên chúng ta không sợ môn Lịch sử biến mất khỏi trường phổ thông. Còn về chuyện tốt hơn trước hay không, tôi cho rằng ít nhất sẽ tốt hơn ở việc những kiến thức phục vụ trực tiếp cho việc giáo dục công dân, hình thành người công dân yêu nước, hiểu biết trách nhiệm của mình trên cơ sở kiến thức về lịch sử, văn hóa, pháp luật.
Tình trạng học sinh chán môn Lịch sử đang là một thực tế đang buồn và đáng lo ngại. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến công chúng lo ngại về tính khả thi của việc học môn Lịch sử khi nó bị tích hợp vào môn học mới – Công dân với Tổ quốc?
Tôi thấy không phải như thế. Cái chính là người dân thể hiện thái độ không đồng tình nếu Chương trình GDPT mới bỏ môn Lịch sử. Nếu hiểu nội dung môn Công dân với Tổ quốc là giáo dục “những hiểu biết ban đầu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự và nghĩa vụ quân sự của công dân” như dự thảo Chương trình GDPT mới thì môn học này không thể thiếu các kiến thức lịch sử.
Để giới trẻ mê lịch sử hơn thì cần có sự hỗ trợ của văn hóa - nghệ thuật.
Học sinh chê sử do… nặng về số liệu, nhiều thầy cô dạy nhàm chán
Những năm gần đây, học sinh “thờ ơ” với môn Sử ngày càng gia tăng. Tại nhiều kỳ thi quốc gia quan trọng, số lượng học sinh đăng ký thi môn học này rất ít. Trong nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử đều bị đánh giá là thấp nhất với hàng chục nghìn bài thi dưới điểm trung bình, hàng trăm bài bị điểm 0 và điểm liệt … Vậy theo GS, lý do của thực trạng này là gì?
Theo tôi, ít nhất có ba lý do:
Thứ nhất, THPT là cấp học định hướng nghề nghiệp. Phần đông HS chọn định hướng KHTN vì diện tuyển sinh đại học khối KHTN rộng hơn, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp và cơ hội nâng cao thu nhập sau khi có việc làm dễ hơn các khối KHXH, thể thao, nghệ thuật. Vì định hướng KHTN nên HS không đầu tư thời gian vào môn Lịch sử.
Thứ hai, sách giáo khoa Lịch sử viết một chiều, nặng về số liệu, nhiều thầy cô dạy nhàm chán, không khơi dậy được hứng thú của học sinh với môn học này. Trách nhiệm này thuộc về các thầy cô, về người viết SGK. Nhưng trách nhiệm rất lớn, không thể thoái thác thuộc về các nhà nghiên cứu lịch sử, viết chính sử quốc gia. Bởi vì người viết sách giáo khoa phải viết theo chính sử, không thể nào viết khác.
Mình trách những người viết sách giáo khoa khi viết về lịch sử Việt Nam chỉ thiên về lịch sử chiến tranh, ít nói về lịch sử kinh tế, văn hóa, ít nói về những cách nhìn nhận khác nhau mà mới chỉ nói thuận chiều,… Nhưng trách thế chưa chắc đã đúng. Bởi vì dù có tư liệu hay chính kiến khác, người viết SGK cũng phải dựa trên nền kiến thức được phần đông xã hội, giới chuyên môn, Nhà nước chấp nhận.
Vậy chúng ta phải làm gì để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới thưa ông?
Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, phải tính đến những thay đổi cho phù hợp. Trước hết là nội dung dạy học phải đổi mới. Dĩ nhiên đã nói đến lịch sử, đến các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc hay nói về thành tựu kinh tế, văn hóa, vẫn phải có số liệu nhưng người dạy, người kiểm tra đừng nặng về số liệu hay diễn biến mà cần phải giúp cho học sinh có một cái nhìn khái quát và rút ra bài học từ trong lịch sử, đó mới là điều quan trọng.
Bên cạnh đó, nội dung dạy lịch sử phải tránh khô khan, đơn điệu, một chiều. Nhưng điều này một mình Bộ GD-ĐT không làm được, một mình người viết sách không làm được, mà nó còn phụ thuộc vào thành tựu nghiên cứu của ngành Sử học nói chung. Nếu không có thành tựu nghiên cứu về lịch sử kinh tế, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần thì người viết sách giáo khoa không lấy đâu ra kiến thức để viết.
Về phía các thầy cô dạy Sử ở trường phổ thông, tôi hy vọng trong chương trình sắp tới, bên cạnh môn học Lịch sử còn một số chuyên đề sâu về Lịch sử thì những chuyên đề đó có thể được học tại bảo tàng, những nơi diễn ra sự kiện lịch sử, xem phim tài liệu, phim nghệ thuật về những giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử,… điều này sẽ tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên đây là điều rất khó khi chúng ta hạn chế về tài chính, giao thông, con người…
Cuối cùng, để giới trẻ mê lịch sử hơn thì cần có sự hỗ trợ của văn hóa - nghệ thuật. Nếu chúng ta có nhiều thơ hay, truyện hay, phim hay, nhạc hay v.v… về các thời kì lịch sử, các nhân vật lịch sử, các chiến công trong lịch sử thì chẳng những giới trẻ mà toàn dân đều hiểu sử, yêu sử hơn.
Tóm lại, để nâng cao chất lượng giáo dục – quốc sách hàng đầu thì các điều kiện phải đảm bảo, nó có thể không lý tưởng nhưng ít nhất phải đạt những điều kiện tối thiểu mới thực hiện được. Đây không phải trách nhiệm của riêng các thầy cô dạy Lịch sử, riêng người viết sách giáo khoa hay riêng ngành GD-ĐT mà cần sự chung tay của tất cả các lực lượng trong xã hội.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Thúy Hằng (thực hiện)