Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn tổ chức khai giảng một cách phù hợp
(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng: “không nên đặt vấn đề phải cắt ngắn diễn văn của Hiệu trưởng hoặc không mời các vị Lãnh đạo phát biểu. Các bài phát biểu là cần thiết nếu nội dung động viên được nhà trường, khích lệ được học sinh...Vì vậy, Đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn tổ chức khai giảng một cách phù hợp”.
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thống nhất tổ chức Lễ khai giảng vào ngày 5/9 với tinh thần gọn nhẹ và thiết thực với học trò. Sau buổi lễ khai giảng hôm nay,ông có cảm nhận như thế nào về sự thay đổi này?
Ông Cao Xuân Hùng: Qua một thời gian khá dài, ngày khai giảng nặng về hình thức và mang tính biểu diễn, ít quan tâm đến đối tượng chính là các em học sinh. Các bài phát biểu dài, mang tính chỉ đạo tầm chiến lược, nặng về đường lối, không sát với thực tiễn của nhà trường cũng như đối tượng nghe. Học sinh vất vả, chờ đợi lãnh đạo đôi khi mệt mỏi và quá tải, nhất là với các em ở bậc học Mầm non, Tiểu học.
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên phủ nhận hoàn toàn mặt tích cực của những lễ khai giảng đó, bới nó vẫn chứa đựng tính nghiêm túc, long trọng, trang nghiêm, tạo cho học sinh cảm hứng nhất định. Những ngày vất vả tập luyện cho để chuẩn bị cũng là những ngày tạo cho học sinh tâm lý phấn chấn, háo hức chờ đợi ngày khai giảng chính thức. Ngày khai giảng kết thúc cũng cho các em cảm giác vừa hoàn thành một nhiệm vụ đầy trách nhiệm, các em mang theo tình cảm và trách nhiệm đó khi bước vào buổi học đầu tiên.
Với tinh thần mới, buổi lễ khai giảng hướng đến đối tượng chính là học sinh, vì học sinh, tạo cho học sinh tinh thần vui vẻ, phấn khích. Ngày Hội toàn dân đưa trẻ đến trường sôi động hơn, thiêng liêng và ý nghĩa hơn; các em học sinh đỡ vất vả hơn, được hoạt động vui chơi nhiều hơn, không bị căng thẳng, ép buộc trong hàng giờ đồng hồ diễn ra các nghi thức nặng nề về hình thức. Tuy đơn giản, gọn nhẹ trong phần Lễ song không mất đi tính trang nghiêm. Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương mới.
Có điều gì đó mà ông còn cảm thấy băn khoăn với Lễ khai giảng năm nay không?
Ông Cao Xuân Hùng: Năm nay, các bài diễn văn của Hiệu trưởng ngắn gọn, thiết thực. Hầu hết các vị lãnh đạo không phát biểu hoặc phát biểu ngắn gọn không đọc theo một bài viết sẵn.
Thực ra, chúng ta cũng không nên đặt vấn đề phải cắt ngắn diễn văn của Hiệu trưởng hoặc không mời các vị Lãnh đạo phát biểu. Các bài phát biểu là cần thiết nếu nội dung của nó phù hợp, động viên được nhà trường, khích lệ được học sinh, phù hợp lứa tuổi của các em làm cho các em hiểu, thấy vui, thấy thích, thấy tự hào, thấy trách nhiệm... Vì vậy, Đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn tổ chức khai giảng cho từng cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT một cách phù hợp.
Nam Định là mảnh đất hiếu học, trong những năm qua địa phương luôn đạt những thành tích cao trong các kì thi. Với cương vị là tân Giám đốc Sở GD-ĐT, ông có cảm thấy bị áp lực? Mục tiêu của giáo dục Nam định trong năm học mới là gì?
Ông Cao Xuân Hùng: Nhiều thập kỷ qua, giáo dục Nam Định luôn là điểm sáng của ngành GD-ĐT cả nước, có tính ổn định, bền vững cao. Thành tích của giáo dục Nam Định được làm nên từ chính người dân Nam Định. Vì vậy, vai trò của người đứng đầu là quan trọng nhưng không quyết định. Người đứng đầu ngành không đơn độc, mà xung quanh có cả đội ngũ các nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức; có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp; sự phối hợp của các tổ chức; sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người dân. Do vậy, đối với tôi có cả áp lực và có cả niềm tin.
Năm học mới chúng tôi tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ, giúp đội ngũ đủ năng lực thực hiện công cuộc đổi mới. Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy. Quan điểm chủ đạo là “Dạy học sinh cách học” sau khi học sinh đã được trang bị kiến thức cơ bản; Dạy - Học là chu trình kín, kiểm định theo từng bài học, từng giai đoạn, lỗi từ đâu khắc phục ngay từ đó. Đổi mới phương pháp học tập của học sinh, lấy việc tự học làm cơ bản (cá nhân tự học, tổ nhóm tự học, lớp tự học -PV). Tăng cường việc tự kiểm tra, tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau trong học sinh. Gắn việc thực hiện chương trình hành động thực hiện NQ 29 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh với phong trào thi đua “Hai tốt” và các cuộc vận động, các phong trào do Bộ GD-ĐT phát động.
Được biết vừa qua Nam Định đang nỗ lực đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông bằng cách kết nối với giáo viên bản ngữ. Ông kỳ vọng điều gì với sự thay đổi này?
Ông Cao Xuân Hùng: Trong một buổi làm việc với Hội Đồng Anh, tôi có nói rằng: Chất lượng giảng dạy các môn khoa học cơ bản, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng của nhiều trường THPT tại Nam Định không thua kém bất kỳ ngôi trường nào trên toàn quốc và kể cả những ngôi trường của các nước tiên tiến.
Có chăng, học sinh Nam Định thiếu Ngoại ngữ, thiếu phương tiện để tiếp cận và lan tỏa, dẫn đến thiếu tự tin, không dám tư duy vượt tầm. Việc đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tạo cơ hội cho học sinh Nam Định tiếp cận chương trình giáo dục quốc tế, để học sinh Nam Định thấy mình có thể làm được, làm tốt hơn những điều mà trước đó các em mơ ước, tôn sùng. Từ đó, các em tự tin hơn, dám nghĩ, dám làm, dám khẳng định, dám đi đến bất kỳ đâu.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)
(Email hungns@dantri.com.vn)