Bộ đội xuất ngũ ngại tham gia học nghề

Xuân Trường

(Dân trí) - Những năm gần đây, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (bộ đội xuất ngũ - BĐXN) ở TPHCM ngại tham gia các khóa học nghề.

Theo Chính sách của Đảng, Nhà nước, BĐXN được hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp miễn phí, được tư vấn, giới thiệu việc làm… Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều thanh niên ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự không mặn mà với việc được học nghề miễn phí.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh Khánh An chia sẻ, khi gần đến ngày xuất ngũ, anh và các bạn được các trường nghề, trung tâm đào tạo nghề ở TPHCM đến trực tiếp đơn vị tư vấn, hướng nghiệp.

"Qua các nghề được tư vấn mình thấy không chắc chắn có việc làm như mong muốn nên đã chọn học bằng lái xe ô tô. Nhưng sau khi nộp hồ sơ, thẻ học nghề và số tiền chênh lệch vào trung tâm đào tạo lái xe đến nay đã gần 2 năm vẫn chưa được thi bằng lái trong khi thẻ học nghề đã hết hạn", anh An đượm buồn nói.

Còn bạn trẻ Nhật Trường (SN 2001), cho rằng: "Giờ học nghề phải nộp thêm một khoản tiền khoảng 10 triệu đồng tiền chênh lệch học phí. Học nghề mất mấy tháng rồi chắc gì đã xin được việc làm".

Bộ đội xuất ngũ ngại tham gia học nghề - 1

Bộ đội xuất ngũ sau khi được đào tạo nghề sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (Ảnh: Xuân Trường).

Ngoài ra, hiện nay nhiều trường, cơ sở đào tạo nghề tại TPHCM còn ngại tiếp nhận, đào tạo nghề cho BĐXN dù có thẻ học nghề.

Anh H. một giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe ô tô tại TPHCM chia sẻ, trước đây chi phí dạy nghề lái xe còn thấp thì trung tâm còn tuyển BĐXN. Nhưng những năm gần đây chi phí phát sinh cho một bằng lái xe cao gần như gấp đôi (gấp 2 lần) buộc các học viên phải đóng thêm số tiền chênh lệch lớn, từ đó trung tâm phải bổ sung nhân sự để liên tục tư vấn và giải đáp những thắc mắc của học viên là BĐXN. 

"Ngoài ra, từ khi có quy định mới, chúng tôi không tiếp nhận, đào tạo BĐXN nữa vì việc thanh toán rất khó khăn", anh H. nói thêm.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết bình quân hàng năm TPHCM có hơn 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của thành phố và các tỉnh xung quanh.

Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết sớm. Trong đó, việc triển khai thực hiện một số chính sách đào tạo nghề cho BĐXN gặp trở ngại khi mức chi phí ngân sách hỗ trợ thấp, người học phải đóng phần chênh lệch học phí cao nên BĐXN ít tham gia các khóa đào tạo nghề.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm