1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia

Quang Trường

(Dân trí) - Năm 18 tuổi, Lương Văn Tiến mới được động vào chiếc máy tính. 2 năm sau, tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, chàng trai người Sán Dìu giành Huy chương Bạc (HCB) lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT)

Lương Văn Tiến vừa vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là 1 trong 100 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Bỏ đại học top đầu về học nghề

Tháng 7 vừa qua, Lương Văn Tiến tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc, nhận tấm bằng Giỏi. Sang tháng 8, Tiến được nhận ngay vào vị trí lập trình viên tại một công ty chuyên sản xuất model wifi. Với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, Tiến đã có thể giúp đôi vai bố mẹ bớt nhọc nhằn.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 1
Lương Văn Tiến - sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Lương Văn Tiến sinh năm 2000, là người dân tộc Sán Dìu dưới chân núi Tam Đảo (thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình làm nông, Tiến lớn lên với đồng ruộng nên sớm nhận thức được nỗi khó khăn, vất vả của bố mẹ mình. Nam sinh phấn đấu vào đại học. Bố Tiến động viên con "đây là con đường thoát nghèo".

Tốt nghiệp THPT, Tiến đỗ vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Năm ấy, cả lớp cấp 3 của Tiến có 3/33 bạn đăng ký nguyện vọng đại học. Kết quả, chỉ có cậu trúng tuyển. Tiến cũng là sinh viên đại học duy nhất trong làng thời điểm đó.

Tháng 8/2018, Tiến khăn gói xuống Hà Nội nhập học một mình. Niềm vui đỗ đại học chưa nguôi, Tiến đã sớm vỡ mộng.

Nam sinh nhẩm tính, mỗi tháng cậu về quê 2 lần, mỗi lần mang đi hơn 1 triệu đồng của bố mẹ, tiền mua công cụ thực hành, chưa kể học phí. Chi phí cho một năm học lên tới vài chục triệu.

"Em biết ý nên không dám xin tiền bố mẹ, nhưng mỗi lần ra bến xe xuống Hà Nội, mẹ lại nhét tiền vào tay em. Em còn đi làm phục vụ quán ăn để đỡ cho gia đình phần nào", Tiến nói.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 2
Quyết định bỏ học đến với Tiến sau một năm ròng suy nghĩ (Ảnh: NVCC).

Suốt một năm học, Tiến vẫn không bắt nhịp được với cuộc sống ở Hà Nội. Kết quả học tập năm nhất chỉ ở mức trung bình. Tiến nhận ra mình không phù hợp với ngành đã chọn. Nam sinh nhen nhóm ý định bỏ học.

Sau buổi học cuối cùng của năm nhất, Tiến đi học về liền gọi cho bố mẹ để thông báo bỏ học. Sáng hôm sau, chàng trai thu dọn hành lý về quê luôn.

"Bố mẹ chỉ khuyên em không học được thì về. Ngày em đi học đại học, bố mẹ kỳ vọng bao nhiêu, thì hôm đó thất vọng bấy nhiêu. Bản thân em cũng thất vọng. Em thấy phí công sức và tiền bạc", Tiến cho biết.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 3
Lương Văn Tiến tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 (Ảnh: NVCC).

Tiến về quê và đối mặt với lời ra tiếng vào của hàng xóm. Cả làng đồn ầm lên "Thằng Tiến bỏ học".

Mùa hè năm đó, tối nào ăn cơm xong, Tiến cũng một mình ra công viên ngồi đến nửa đêm. Cậu vẽ ra nhiều dự định. Chàng trai tính sang năm sẽ đi nghĩa vụ quân sự.

Một hôm, Tiến nghe tin người anh họ đang học cao đẳng đạt giải Nhì kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, lĩnh vực CNTT. Tiến suy nghĩ và quyết định sẽ đi học nghề. Cậu đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc.

"Trong lúc bế tắc, đó là lựa chọn khả quan nhất của em. Em chọn học CNTT vì chỉ nghe nói đây là ngành hot. Thậm chí, lên đại học em mới biết mở máy tính vì trước đó em không có máy, cũng không đi chơi điện tử bao giờ", Tiến cho biết.

8 tháng ôn luyện cho chiếc HCB

Bước vào trường nghề, Tiến mua chiếc laptop đầu tiên cho mình để phục vụ học tập. Nam sinh nhanh chóng bắt nhịp với nghề. Tiến dần yêu thích kỹ thuật mạng. Cậu cho rằng, lĩnh vực này hay ở chỗ mình được tiếp xúc và quản trị hệ thống mạng.

Cách học của Tiến là tập trung tối đa cho việc thực hành sau mỗi bài học. Có cơ hội là Tiến lại miệt mài với phòng thực hành của nhà trường.

Tiến là một trong những sinh viên đầu tiên mà thầy cô tìm đến, mỗi khi hệ thống mạng và máy tính gặp vấn đề. Sẵn thiết bị của trường, cậu giúp thầy cô bảo trì hệ thống mạng và máy tính của nhà trường, sửa lỗi máy tính cá nhân.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 4
Tiến phát biểu trong lễ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc (Ảnh: NVCC).

Sang năm học thứ hai, Tiến được thầy cô giới thiệu việc làm thêm trong các công ty lắp đặt thiết bị máy tính, hệ thống camera. Ngoài ra, Tiến và một số sinh viên lập nhóm, chuyên làm thuê theo yêu cầu của các khách hàng. Lúc này, cậu đã không phải xin tiền bố mẹ.

"Những lỗi thực tế mà máy móc bên ngoài gặp phải phức tạp hơn nhiều so với bài toán trên lớp. Có những máy mà em tìm cả ngày không ra lỗi. Vừa học vừa làm, tay nghề của em được nâng cao hơn", Tiến cho biết.

Tháng 9/2020, sau kỳ nghỉ hè, Tiến được chọn để chuẩn bị tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12. Nam sinh phải cân nhắc một tuần trước khi nhận lời. Chàng trai cao 1m79 chỉ nặng 53kg sợ mình không đủ sức khỏe để dự thi.

Tiến cho biết, nghề lắp cáp mạng thông tin không chỉ yêu cầu giỏi kiến thức. Sợi cáp quang rất chắc chắn, phải có sức mới bóc tách được. Thi kỹ năng lại yêu cầu tốc độ cao, thí sinh phải vừa khỏe vừa nhanh.

"Sau một tuần suy nghĩ, em quyết định tham gia để thử thách chính mình, nếu không sẽ không còn cơ hội", Tiến nói.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 5
Tiến thực hành dưới sự hướng dẫn của thầy giáo (Ảnh: NVCC).

Kỳ thi diễn ra vào tháng 12/2021, sau nhiều lần bị trì hoãn vì dịch Covid-19. Trước đó 8 tháng, Tiến đã bắt đầu ôn thi dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Hai thầy trò ngồi lại phân tích đề, giải đề của các năm trước. Sau khi được thầy hướng dẫn "phá" đề, cậu tự luyện tập.

Vướng dịch bệnh, Tiến một mình ở lại trường, nhốt mình trong phòng thực hành. Đồng hồ báo hiệu giờ nghỉ ngơi của Tiến chỉ reo lên 2 lần trong ngày, là khi bụng đói cồn cào và lúc cậu buồn ngủ.

Sau gần 8 tháng luyện tập, Tiến đã tự tin chinh phục kỳ thi. Tuy nhiên, 2 ngày trước kỳ thi, cú sốc ập đến với nam sinh. Ban tổ chức bất ngờ điều chỉnh đề thi. Tiến đánh giá, độ khó của đề tăng gấp đôi sau điều chỉnh.

"Những gì em chuẩn bị trong 8 tháng qua coi như đổ sông đổ bể. Lúc đó, em chỉ còn 2 ngày để ôn lại từ đầu. Em đã nghĩ đến thất bại", Tiến nói.

Sốc lại tinh thần, hai thầy trò tiếp tục tìm hướng giải quyết. Cậu nhờ thêm hai bạn khác hỗ trợ kỹ thuật để mình tập trung giải quyết những nội dung chính. Tiến thực hành 18 tiếng mỗi ngày.

Bỏ đại học về học nghề, nam sinh Sán Dìu giành giải Bạc Quốc gia - 6
Tiến ôn tập trước kỳ thi (Ảnh: NVCC).

Tiến đánh giá đề thi năm nay khó hơn mọi năm. Trong 3 ngày thi, thử thách lớn nhất đối với cậu nằm ở bài thi cáp quang.

"Trên sợi cáp quang loại to có 24 sợi, mỗi sợi có 12 màu, em phải chọn nối từ sợi 1 đến sợi 24 bằng máy hàn quang. Do quá nhiều màu nên em loạn cả lên. Lúc làm bài thi thật thì em làm không tốt bằng lúc ôn luyện", Tiến cho biết.

Tuy nhiên, đa số bài thi đều được nam sinh hoàn thành trước thời gian quy định. Trong lúc thi, đã có thời điểm Tiến nghĩ mình đạt được Huy chương Vàng (HCV). Nam sinh chỉ thua về tốc độ so với đối thủ dẫn đầu. Kết quả, Tiến giành HCB với 702 điểm, kém chủ nhân của tấm HCV 4 điểm.

"Khi biết kết quả, em rất tự hào. Trường em khá mạnh về nghề lắp cáp mạng thông tin, từng có anh đạt giải Ba ở kỳ thi trước. Lần này, thầy cô giao cho em nhiệm vụ tối thiểu là phải giành HCB", Tiến nói.

10 ngày sau kỳ thi, Tiến về quê khoe thành tích với bố mẹ. Bố mẹ cậu không hiểu giải thưởng này có "mồm ngang mũi dọc" ra sao nhưng đã rất vui. Nhắc đến cậu Tiến bỏ học ngày nào, thôn xóm đều tự hào, thầy cô trong trường ai cũng biết đến.

Tiến cho biết, trong thời gian tới, cậu sẽ tiếp tục làm việc trong công ty để nâng cao tay nghề và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mục tiêu xa hơn của cậu là tiếp tục học lên để nâng cao kiến thức và trình độ.