Bộ Công an cảnh báo bút tàng hình, kính có camera dùng để gian lận thi cử

(Dân trí) - “Việc siết chặt an ninh phòng thi rất quan trọng. Hiện thị trường hiện có nhiều thiết bị cao giúp gian lận thi cử như: Kính có camera, sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM và bút tàng hình... nên các địa phương phải cảnh giác cao độ”.

Trên đây là ý kiến của Đại tá Nguyễn Kim Khôi, Trưởng phòng 6, Cục A03 (Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ công an), Uỷ viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi tỉnh Quảng Ninh ngày 4/6.

Không vì miễn phí mà ảnh hưởng sức khoẻ thí sinh

Từ ngày 3-5/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cùng một số thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Quảng Ninh và Thái Bình.

Ghi nhận ban đầu, các địa phương đã có phương án chi tiết cho kì thi quan trọng này.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Ninh ngày 4/6, địa phương này có 14.180 thí sinh đăng kí dự thi, với 34 điểm thi và 42 phòng thi.

Trong đó, thí sinh lớp 12 năm học 2081- 2019 là 13.665 em. Số học sinh THPT là: 12.149 em; Học sinh giáo dục thường xuyên: 1.516 em; Thí sinh tự do: 516 thí sinh.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi của Quảng Ninh cho biết: “Hậu quả của việc gian lận thi cử vẫn chưa giải quyết hết. Việc gian lận thi cử muôn hình vạn trạng nên đặt lên vai những người làm công tác thi THPT quốc gia rất cao. Hiện địa phương làm tốt công tác chuẩn bị giữa các ban ngành trong địa phương. Mục tiêu, tổ chức kì thi tuyệt đối an toàn, không vi phạm quy chế, không có thí sinh nào không thể đi thi do khó khăn hoặc không thể đi lại”.

Theo thống kê, trong số này có 6.727 thí sinh thi để xét công nhận tốt nghiệp; Số học sinh để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ… là 7.088 thí sinh; Chỉ xét tuyển ĐH là 366 thí sinh.

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, các phương án đều được chuẩn bị rất kĩ lưỡng.

Việc ôn tập cho học sinh triển khai tập trung, đảm bảo trang bị kiến thức cho các em. Địa phương này đã phân chia các đối tượng học sinh theo năng lực để ôn tập.

Sau tháng 6, đặc điểm ở đây hay có mưa lũ, sẽ có thể có các địa bàn bị chia cắt nên Ban chỉ đạo thi đã lên phương án tốt nhất.

Địa phương phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh xây dựng phương án bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm...; Lên phương án hỗ trợ phương tiện đi lại phục vụ thí sinh và người nhà, Đội thanh niên tình nguyện được bố trí tại các địa phương khó khăn, bố trí chỗ trọ cho thí sinh và người nhà đến dự thi.

Bộ Công an cảnh báo bút tàng hình, kính có camera dùng để gian lận thi cử - 1

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Ngoài ra, địa phương cũng chỉ đạo các hỗ trợ khác như phát đồ ăn miễn phí, trông giữ đồ, phát đồ uống miễn phí, xe ôm tình nguyện, liên hệ chỗ ăn ở an toàn… được triển khai.

Tuy nhiên, địa phương yêu cầu các đơn vị lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của đồ ăn này, không vì miễn phí mà ảnh hưởng đến sức khoẻ thí sinh.

Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, thí sinh ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Không thể để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn hoặc do đi lại mà bỏ thi.

“Năm ngoái, có một điểm thi ở huyện Hoành Bồ, do mưa lũ gây khó khăn khi đi lại trong những ngày thi. Do đó năm nay, địa phương đã chủ động bố trí điểm thi khác đề phòng mưa lũ bất thường”, bà Liên Oanh cho hay.

Bộ Công an cảnh báo bút tàng hình, kính có camera dùng để gian lận thi cử - 2

Bà Vũ Liên Oanh (trái), Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh. 

Gian lận làm xấu xí kì thi

Theo bà Vũ Liên Oanh, địa phương trải rộng, có thành phố, miền núi, hải đảo… Một số điểm thi phải đặt ở các huyện đảo xa xôi. Đặc biệt, hiện nay, các phương tiện gian lận tinh vi rất phát triển.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã chủ động nắm tình hình trên địa bàn, phân công giám sát chặt chẽ liên quan đến kì thi. Xử lý các đối tượng photocopy tài liệu, buôn bán các thiết bị gian lận thi cử.

Ngoài ra, theo bà Oanh, một số trường ĐH, CĐ đến hỗ trợ kì thi, trong đó có trường CĐ địa phương, chưa có kinh nghiệm tổ chức thi nên cần được Bộ GD&ĐT hỗ trợ công chấm thi trắc nghiệm.

GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, uỷ viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, cho biết: “Qua khảo sát, không phải ai cũng nhớ được các chi tiết của kì thi. Do vậy cần có check list cho từng đầu việc của từng cán bộ ở từng vị trí, ai làm xong việc gì đánh dấu vào đó thì sẽ khó có sai sót”.

GS Văn cũng yêu cầu địa phương cần có các phương án y tế chi tiết tại các điểm thi và nhân viên y tế như thế nào, dự trữ cơ số thuốc ra sao nào để đề phòng bất trắc.

Đại tá Nguyễn Kim Khôi, Trưởng Phòng 6, cục A03 (Cục An ninh Chính trị nội bộ), Bộ công an, Uỷ viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn của kỳ thi.

Hiện Bộ công an đã nhận được kế hoạch tham gia bảo vệ sự an toàn kỳ thi của Công an Quảng Ninh.

“Siết chặt an ninh phòng thi rất quan trọng. Không chỉ việc phát hiện gian lận kì thi ở các thí sinh như lợi dụng công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài là rất nguy hiểm.

Bộ Công an cảnh báo bút tàng hình, kính có camera dùng để gian lận thi cử - 3

Cục trưởng Mai Văn Trinh kiểm tra camera an ninh ở điểm thi Trường THPT Chu văn An (huyện Móng Cái, Quảng Ninh)

Qua khảo sát các chợ, hiện có kính lắp camera được kết nối ra bên ngoài, sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM và bút tàng hình, camera ghi hình dưới dạng cúc áo, sử dụng đồng hồ thông minh…

Do đó công an địa phương cần có phối hợp chặt chẽ với các điểm thi để thực hiện đúng trách nhiệm và đề phòng gian lận để có kì thi an toàn", ông Khôi nói.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Trinh cho rằng, nhiều người đặt cao vấn đề công nghệ cao nhưng gian lận thi cử lại liên quan đến công nghệ thấp, công nghệ truyền thống nhưng gây hậu quả khủng khiếp. Vì thế, người làm thi không được phép lơ là.

Năm 2018, việc thi cử có những hình ảnh rất xấu xí, làm ảnh hưởng. Việc gian lận thi cử là do công nghệ nhưng vận hành công nghệ ấy là con người. Do đó, phải lựa chọn cán bộ tham gia kì thi có năng lực và tư cách.

Vấn đề quan trọng nữa ông Trinh đưa ra, việc tập huấn phải thực hiện tốt đến từng cán bộ liên quan.

Đồng thời, đề nghị các trưởng điểm thi phải chỉ đạo nghiêm túc, cán bộ mới thực hiện nghiêm túc.

Việc chỉ đạo và công tác chuẩn bị cần được giám sát, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng sở ngành.

“Qua khảo sát, nhiều trường đã lắp camera trong phòng học nhưng trước ngày 22/6, các camera này phải được ngắt kết nối, đề phòng lộ đề.

Đặc biệt, khâu coi thi năm nay, có thể dễ bị lợi dụng nhất, do đó địa phương phải hết sức cẩn thận”, ông Trinh cho hay.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm