Bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài, về quê làm nông nghiệp
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, rồi đi du học, có cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng Trịnh Quốc Toản (SN 1985) quyết định về quê xã Yên Phong, huyện Yên Định (Thanh Hóa) để lập nghiệp. Mô hình làm nông nghiệp sản xuất hàng hóa của anh Toản đang cho doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm.
Bỏ việc tại công ty lớn
Tiếp chúng tôi trên cánh đồng trồng nhiều loài hoa chuẩn bị bán dịp Tết Ất Mùi, anh Toản cho biết: Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, Toản trở thành thực tập sinh tại Ramat Negev (Israel) và lấy bằng Thạc sĩ nông nghiệp năm 2014. Khoảng thời gian này, Toản vừa học vừa làm tại một số công ty ở Bắc Giang, Lâm Đồng, với các vị trí nhân viên thu mua nông sản, trưởng bộ phận sản xuất, với mức thu nhập cao.
Dù có nhiều cơ hội để làm việc với các công ty lớn và công ty ở nước ngoài, nhưng năm 2012, anh Toản quyết định trở về quê để lập nghiệp tại quê nhà xã Yên Phong, với sự ra đời của Công ty TNHH nông nghiệp VietGAP.
Anh Toản kể lại: “Từ năm thứ 2 đại học, mình đã nung nấu ước mơ xây dựng một doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, với mục đích thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống của bà con nông dân địa phương bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm sức lao động, tăng chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế”.
Từ đây, dự án “Xây dựng trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất rau, hoa, quả tại huyện Yên Định- Thanh Hóa” được anh Toản từng bước xây dựng, đi vào hoạt động.
Xác định được mục tiêu, tháng 11/2012 Công ty TNHH nông nghiệp VietGAP thuê 1,2 ha đất ngoài đê sông Mã ở xã Yên Phong. Anh Toản cho xây dựng gần 1.000m2 nhà kính, khu vực sân bãi, nhà kho và 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm kết hợp kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.
Bước đầu, các bạn trẻ trong công ty của Toản trồng hoa cúc luân canh với các loại rau, quả như cà chua, dưa chuột, dưa lê, dưa hấu, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Tất cả đều phải làm đồng bộ, lựa chọn vật liệu phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu từng vùng. Ví dụ khung sắt của nhà lưới anh Toản phải đặt thợ gia công, làm chắc chắn hơn bình thường để đảm bảo chắn được gió bão. Mô hình này sử dụng nilon, hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, nhằm kéo dài độ bền cho nilon lên tới 5 năm.
Doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm
Khi bắt tay vào làm mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, anh Toản lo lắng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Lặn lội tìm đến các thị trường trong nước để giới thiệu, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, đến nay anh Toản đã có nhiều bạn hàng đặt mua, tiêu thụ sản phẩm, gồm rau, củ, quả thực phẩm, các loại hoa tươi…
Sau bước đầu khởi nghiệp thành công, anh Toản tiếp tục đầu tư sản xuất trên diện tích gần 4 ha ở xã Yên Ninh và Định Bình (Yên Định). Kết quả hạch toán cho thấy sản xuất trong nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả gấp hai, ba lần sản xuất truyền thống. Mô hình này còn hạn chế được phun thuốc bảo vệ thực vật từ 30 - 40%. Anh Toản nhẩm tính, xây dựng 1.000m2 nhà kính và hệ thống tưới nhỏ giọt hết khoảng 160 triệu đồng.
Chi phí đầu tư 1 sào hoa cúc hết 10 triệu đồng, sau 3,5 tháng thu hoạch bán với giá 1.000 đồng/cành, tổng doanh thu đạt từ 18 - 20 triệu đồng/sào/vụ. Sau khi trừ chi phí đầu tư và khấu hao tài sản, các anh còn lãi được khoảng 420 triệu đồng/ha/năm. Hiện, công ty của anh Toản đang tạo việc làm cho 10 công nhân chính thức và hàng chục lao động lúc thời vụ. Tổng doanh thu hằng năm của công ty đạt 1,2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hàng trăm triệu.
Là một kỹ sư trẻ, đam mê với ruộng đồng, cây trồng nông nghiệp, anh Toản rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội thanh niên tại địa phương. Anh Toản là người xây dựng phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế trang trại; nâng cao chất lượng tổ chức đào tạo, tư vấn khuyến nông; tăng cường kết nối giữa các trung tâm khoa học kỹ thuật, cơ quan nhà nước với đội ngũ thanh niên lập nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng lập nghiệp.
Chia tay anh Toản, chúng tôi nhớ câu nói chắc nịch của chàng kỹ sư nông dân: “Có sức người cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, thì đất cằn cũng đơm hoa, kết trái”. |
Theo Hoàng Lam
Tiền Phong