DNews

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học

Hạnh Linh

(Dân trí) - Bị liệt, phải ngồi xe lăn sau tai nạn tàu hỏa, anh Lê Tuấn Hùng vẫn cần mẫn, lặng thầm với sự nghiệp giáo dục, giúp hàng trăm học trò nghèo, khó khăn viết tiếp ước mơ nơi giảng đường đại học.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học

Thành "thầy giáo xe lăn" sau vụ tai nạn tàu hỏa

Cánh cửa phòng học mở ra, trước mắt tôi là anh Lê Tuấn Hùng (41 tuổi), phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngồi trên xe lăn đang say sưa hướng dẫn học sinh giải bài toán khó. Ít phút sau khi ghi chép miệt mài, cả thầy và trò cười lên, phá vỡ không gian yên tĩnh của lớp học.

"Các em làm bài tập đi nhé, bài nào khó, chưa hiểu để lại tý thầy hướng dẫn", anh Hùng nói với học trò rồi rót chén nước chè mời tôi.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 1

Dù phải ngồi xe lăn để giảng bài nhưng anh Hùng đã giúp học trò, trong đó có nhiều học trò nghèo, khuyết tật "chạm tới ước mơ" (Ảnh: Hạnh Linh).

Anh Hùng bảo, mình là "thầy giáo làng", thầy giáo "bất đắc dĩ". Đến với nghề như một "định mệnh" nhưng làm nghề rồi mới thấy nghề giáo thật cao quý.

Năm 2012, khi anh đang tập phục hồi chức năng, bạn bè đến chơi, hỏi thăm hay nói chuyện học hành của con, cháu. Nhiều người than rằng, nay học hành vất vả, nhiều bài toán khó không giải được.

"Nghe vậy tôi nói, đưa tôi giải cho, rồi hướng dẫn cho các bạn ấy làm bài. Thấy tôi giải được toán, dạy dễ hiểu, bạn bè lập một nhóm lớp khoảng 20 học sinh, nhờ dạy kèm và tôi đã đến với nghề giáo như một cái duyên", anh Hùng kể.

Bằng chuyên môn của mình, anh Hùng dạy môn toán và vật lý ở cả 3 khối từ lớp 10 đến lớp 12. Hiện anh dạy khoảng 50 học sinh ở 3 khối lớp.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 2

Chưa bao giờ anh Hùng xem mình là người khuyết tật, anh luôn nỗ lực vươn lên, tự khẳng định bản thân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các huyện miền núi xa xôi như Mường Lát, Quan Sơn,… cũng gửi con đến nhờ anh Hùng kèm cặp. Từ lớp học có 20 bạn năm đầu đỗ đại học, đến nay anh Hùng không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu học trò "viết tiếp ước mơ" nơi giảng đường.

Ngược dòng thời gian, anh Hùng kể, năm 2000, anh học ngành sư phạm vật lý, trường Đại học Hồng Đức, ra trường không thỏa chí nên tiếp tục thi vào đại học Bách khoa Hà Nội và theo học ngành tự động hóa.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 3

Thầy giáo làng luôn muốn gửi gắm ước mơ còn dang dở của mình vào học trò (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhà nghèo, bố mẹ không có tiền cho ăn học vì thế suốt quãng thời gian sinh viên, chàng trai làm đủ thứ nghề để kiếm tiền phục vụ cho sự nghiệp đèn sách.

Năm 2009, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, anh Hùng làm cho một công ty nước ngoài chuyên về lĩnh vực công nghệ.

Thời gian sau, anh và một số bạn bè cùng chí hướng thành lập công ty tự động hóa Tân Hoàng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao. Là cơ sở tự động hóa đầu tiên của Thanh Hóa, công ty của anh Hùng ăn nên, làm ra, tạo việc làm cho cả chục lao động.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 4

Với anh Hùng kiến thức là vô hạn và càng dạy thì mình càng phải học hỏi (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhưng nghiệt ngã thay, năm 2011, anh Hùng gặp tai nạn tàu hỏa. "Sau cú đâm tôi bị vỡ cột sống, phải phẫu thuật. Tôi không nghĩ là mình bị liệt nên cố gắng tập phục hồi chức năng, song dù có tập bao nhiêu thì đôi chân vẫn không thể bước đi", anh Hùng kể.

Đang từ một người bình thường bỗng nhiên phải ngồi xe lăn, anh Hùng khủng hoảng, bất lực. Những cơn đau hậu phẫu thuật kéo dài khiến anh cáu gắt, khó chịu, chị Ngọc (vợ anh) động viên, nắm chặt tay chồng, giúp anh lấy lại tinh thần, sống lạc quan.

Dù phải ngồi xe lăn, bị khiếm khuyết nhưng chưa bao giờ anh coi mình là người khuyết tật. Định mệnh đưa anh đến với nghề giáo và chính nghề cầm phấn đang mang lại niềm vui, làm anh quên những cơn đau thấu tận xương tủy.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 5

Vượt qua bao khó khăn, vợ chồng anh Hùng có cuộc sống hạnh phúc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Học sinh gọi tôi là "thầy", ghé qua nhà trò chuyện, tâm sự mỗi lúc về quê thăm gia đình, đó là diễm phúc của một thầy giáo. Là người "lái đò" tôi luôn muốn gửi gắm ước mơ, hoài bão dang dở của mình vào học sinh. Tôi mong trở thành một "tệp" không bao giờ bị xóa trong trái tim của các trò", anh Hùng xúc động nói.

"Cái đáng sợ hơn là khuyết tật về tâm hồn"

Anh Hùng cho biết, anh không có tiêu chí lựa chọn học sinh để đào tạo và chưa bao giờ bắt học sinh phải là một "bản sao" hoàn mỹ của một ai đó, bởi mỗi người là một cá thể riêng biệt.

Hơn 10 năm dạy học trò, "thầy giáo xe lăn" chưa bao giờ thu tiền, nhận quà cảm ơn của học sinh nghèo, học sinh khuyết tật. Chỉ cần gặp học sinh có đam mê học là anh nhận vào lớp và nỗ lực truyền đạt kiến thức mà mình có.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 6

Với mỗi học sinh anh Hùng đưa ra phương pháp dạy riêng (Ảnh: Hạnh Linh).

Anh Hùng không phân học sinh theo lớp để dạy mà mỗi ngày anh thông báo kế hoạch học tập đến từng bạn, các bạn có thể chọn lựa thời gian học phù hợp với bản thân.

Không chỉ dạy học, kèm cặp, anh còn trò chuyện, tâm sự, tìm hiểu những điểm mạnh, yếu và đưa ra phương pháp dạy riêng.

Theo anh Hùng, với những cô cậu học trò ham chơi, bỏ bê việc học, trượt đại học, gia đình đưa đến nhờ kèm cặp phải sử dụng phương pháp "trong cương có nhu".

"Lúc dạy thì thầy ra thầy, trò ra trò. Khi trò chuyện, tâm sự thì nói đúng, trúng vào "điểm cần giải" của các bạn ấy là hôm sau có sự thay đổi", anh Hùng chia sẻ.

Người thầy khuyết tật, cho biết, ngồi xe lăn không phải là điều tồi tệ nhất bởi đó chỉ là khiếm khuyết về hình thể, cái đáng sợ hơn là khuyết tật về tâm hồn. Chính vì thế, mỗi chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải có bản lĩnh, niềm tin trong cuộc sống.

Anh Hùng quan niệm, khi dạy, học sinh là số 1, các em có cá tính, suy nghĩ riêng. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo đức, dạy các em cách làm người. Anh luôn nhìn vào điểm tốt, định hướng, thúc đẩy học sinh phát huy hết khả năng của mình để sống có khát vọng, sau này cống hiến được cho xã hội.

"Bao nhiêu năm dạy học sinh tôi thấy một điều rằng, càng dạy càng thấy mình "ngu", anh Hùng hóm hỉnh.

Biến cố bất ngờ của thầy giáo làng từng tốt nghiệp 2 trường đại học - 7

Với anh Hùng ngồi xe lăn không phải là điều tồi tệ nhất (Ảnh: Hạnh Linh).

Em Lưu Đình Minh, sinh viên Đại học Bách khoa, cho biết, lần đầu đến học nhìn thấy thầy dùng tay di chuyển chiếc xe lăn đến từng học sinh để giảng giải, chỉ dẫn em rất xúc động. Khi biết được câu chuyện của thầy em thêm quý mến, trân trọng. Chính thầy đã truyền cho em niềm tin, sự lạc quan. 

Theo Minh, toán và vật lý vốn là những môn học khô khan nhưng thầy đã "thổi hồn" vào chúng bằng cách truyền đạt mộc mạc, hóm hỉnh, dễ hiểu. Xen lẫn các giờ học, thầy Hùng lồng ghép câu chuyện về gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ, cho biết, anh Hùng là một tấm gương sáng, điển hình về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Hơn 10 năm dạy học, người thầy giáo làng đã "chở" hàng chục chuyến đò cập bến tri thức, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp trồng người của đất nước.