Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:
Bị sinh viên phản ứng, trường kéo dài thời hạn áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ
(Dân trí) - Ngày 14/11, nhiều sinh viên trường ĐH Ngân hàng TPHCM bày tỏ bức xúc khi nhà trường có văn bản hướng dẫn theo chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới. Các sinh viên cho rằng những thay đổi này gây khó và khiến sinh viên không kịp thời gian để xoay sở xét tốt nghiệp.
Thay đổi quy định “ép” sinh viên phải theo học tại Trung tâm Ngoại ngữ của trường?
Ngày 13/11, nhiều sinh viên (SV) khóa 31 của trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết cảm thấy sốc và bức xúc với thông báo mới (số 2040/TB-ĐHNH) về việc “Hướng dẫn sử dụng chứng chỉ TOEIC trong xét chuẩn đầu ra các chương trình ĐH chính quy, chất lượng cao theo thông báo số 2034/TB-ĐHNH” của nhà trường. Thậm chí có SV còn làm đơn kiến nghị gửi lên trường.
N.P.H, học khóa 31 ngành Tài chính - ngân hàng cho rằng: “Chúng em rất hoan nghênh quyết định hạ chuẩn điểm TOEIC 2 kỹ năng ban hành lúc đầu từ 530 xuống còn 450 vì nhà trường tạo điều kiện cho SV tốt nghiệp đúng hạn. Thế nhưng các SV trong đó có em đều sốc và bức xúc về thông báo mới đây. Nếu thông báo này có hiệu lực thì hiện tại thì các SV đang ôn thi TOEIC 2 kỹ năng rất mệt mỏi và gây áp lực có thể hủy thi, bỏ thi hoặc rớt”.
Do đó, P.H kiến nghị nhà trường cân nhắc lùi thời hạn áp dụng ngày hiệu lực của thông báo này.
Một SV năm 4 khác thì cũng phản ứng: “Mới đầu nghe giảm tiêu chuẩn từ 530 điểm TOIEC xuống còn 450 điểm tính ăn mừng thì ngờ đâu lại tăng thêm 2 kỹ năng TOEIC là 4 kỹ năng (Nghe, Nói, Đọc, Viết). Tại sao trường không công bố sớm mà lại nay nói bớt mai lại nói thêm và mang ra áp dụng ngay? Thật sự quá vô lý và bất cập trong khi tụi em cũng đã đăng kí thi chứng chỉ TOEIC đầu ra sao cho nộp bằng đúng hạn trước ngày 25/1/2018. Vậy mà bây giờ với những SV đã đăng ký thi vào ngày 15/12 trở đi phải làm gì cho phải với quyết định mới của trường?”.
Trong khi đó, một SV phản ánh tới báo Dân trí với ý kiến khá gay gắt rằng: “Những SV không học Anh văn tại trung tâm của trường, thay vì lúc trước chỉ cần chứng chỉ TOEIC 2 kỹ năng đạt 530 điểm để ra trường, nay trường ra quyết định mới "ép" SV phải đạt được chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng vừa khó hơn và mất nhiều chi phí hơn rất nhiều mới đủ chuẩn ra trường. Trong khi đó, nếu học Anh văn trong trung tâm của trường thì điều kiện đầu ra vẫn không thay đổi là đạt được chứng chỉ tiếng Anh B1”.
SV này nêu nghi vấn: “Những quyết định trên của nhà trường là không vì lợi ích của SV, mà phải chăng chỉ cốt dồn ép SV phải theo học tại Trung tâm Ngoại ngữ và tin học (FLIC) của trường nhằm thu lợi nhuận?”.
Trường điều chỉnh thời hạn áp dụng chứng chỉ TOEIC 2 kỹ năng trong xét chuẩn đầu ra
Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, trường đang áp dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT về Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, nêu rõ SV các ngành không chuyên ngữ, hệ đại học phải đạt tối thiểu trình độ ngoại ngữ bậc 3/6, theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Do đó, SV có quyền lựa chọn nhiều chương trình khác nhau, miễn các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ 3/6, như IELTS 4.5, TOEFL iBT 45, TOEIC 450, BULATS 40… hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương cấp độ B1 châu Âu.
Ông Trung nhấn mạnh, đây là số điểm tối thiểu mà người học phải đạt được, để chứng tỏ SV đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 3/6. “Ví dụ bậc 3/6 thì SV phải nói được một đoạn ngắn gọn, viết một bài văn đơn giản có chủ đề. Tóm lại là sử dụng được ngoại ngữ một cách thành thạo tại khu vực sử dụng tiếng Anh. Nhà trường căn cứ vào Khung này để quy định ra các yêu cầu tối thiểu về chứng chỉ mà SV nộp về, để chứng tỏ mình có được kỹ năng bậc 3/6 đủ điều kiện tốt nghiệp hệ đại học không chuyên ngữ. Do đó, nếu nói trường vì sao từ điểm TOEIC 530 xuống TOEIC 450. Thật ra, không phải là xuống, mà tối thiểu SV phải đạt được 450 điểm TOEIC, và yêu cầu 4 kỹ năng chắc chắn phải áp dụng”.
Về vấn đề SV bức xúc vì nhà trường liên tục đưa ra 3 văn bản khiến người học thích nghi không kịp, ông Trung giải thích rằng: “Do một chút lỗi của nhà trường nên 2 thông báo số 2034/TB-ĐHNH và 2040 TB-ĐHNH không đến người học cùng lúc khiến SV bức xúc. Còn lại tất cả các văn bản nhà trường ban hành đều có lộ trình phù hợp”.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung cũng cho biết thêm, ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của người học từ kênh chính thống là Đoàn Thanh niên và Hội SV của trường, trường đã ra ngay văn bản 2058 lùi thời hạn áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới như trên đã đề cập.
Theo đó, chiều tối ngày 14/11, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có văn bản số 2058 điều chỉnh thời hạn áp dụng chứng chỉ TOEIC 2 kỹ năng trong xét chuẩn đầu ra các chương trình đại học chính quy, trừ chương trình chất lượng cao và ngành Ngôn ngữ Anh.
Cụ thể, cho đến đợt xét tốt nghiệp cuối cùng của năm học 2018 - 2019, SV có thể nộp chứng chỉ TOEIC 2 kỹ năng (Nghe và Đọc) điểm số 530 trở lên; hoặc chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng với điểm số 450 trở lên. Kể từ đợt xét tốt nghiệp đầu tiên của năm học 2019 - 2020, trường chỉ chấp nhận chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng với điểm số từ 450 trở lên.
Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng nhà trường đang bắt ép SV phải học ở Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của trường, ông Trung phản bác rằng: “Phải chăng có những ý kiến muốn phá hoại nhà trường?”. Ông Trung khẳng định: “Trung tâm đào tạo Ngoại ngữ - tin học của trường là một đơn vị thuộc nhà trường và được phép tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn về tiếng Anh. Đồng thời, Trung tâm cũng hợp tác toàn diện với Trung tâm IIG Việt Nam để tổ chức nhận các hồ sơ đăng ký thi TOEIC 4 kỹ năng, bên cạnh đó cũng hợp tác với đơn vị cấp chứng chỉ IELTS, sắp tới cũng sẽ hợp tác đơn vị cấp chứng chỉ TOEFL. Trung tâm đào tạo được vì có nhiều giáo viên giỏi, có những người chuyên về dạy TOIEC ở TPHCM. Điều thứ 2, khi đi thi tiếng Anh, SV phải học tập nghiêm túc nhưng mỗi đề thi có format khác nhau thì sẽ có cách ôn tập khác nhau, đòi hỏi người học sẽ có thời gian thích ứng”.
Ông Trung cũng cho rằng: “Nhà trường không có kế hoạch ép cái này để đạt cái kia. Hơn nữa về mặt kinh tế, Trung tâm dạy rất nhiều thứ nên không thể nói chuyện ép để tăng doanh thu bởi rất phi lý về mặt kinh tế”.
“Nhà trường được chính thức công nhận việc cấp chứng chỉ tương đương B1, B2 (theo khung tham chiếu châu Âu) theo quy định của Bộ GD-ĐT một số trường được thí điểm. Điều kiện để cấp được các chứng chỉ này là trường phải có khoa Tiếng Anh, đồng thời phải có hệ thống phòng thi, đề thi theo đúng chuẩn, phải có phòng lưu lại bài thi và hình ảnh người thi theo đúng quy định mới được tổ chức kỳ thi này. Hơn nữa SV được phép chọn nhiều chương trình khác nhau không nhất thiết phải chọn học ở trung tâm của trường”, ông Trung nói.
Lê Phương