Bí kíp giúp sinh viên "hạ gục" nhà tuyển dụng từ cái nhìn đầu tiên

Mỹ Hà

(Dân trí) - Không ít sinh viên ra trường nhiều năm vẫn loay hoay không biết mình cần gì, có điểm mạnh ra sao và phải làm thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm "Định vị bản thân và chinh phục nhà tuyển dụng", trong khuôn khổ ngày hội "Hành trình nghề nghiệp và kết nối việc làm" năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Bí kíp giúp sinh viên hạ gục nhà tuyển dụng từ cái nhìn đầu tiên - 1

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội của ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: M. Hà).

Thất vọng vì ứng viên mặc trang phục xộc xệch đi phỏng vấn

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc tuyển dụng tập đoàn Sungroup cho biết, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực nhân sự, ông nhận thấy nhiều sinh viên còn yếu kĩ năng khi đi phỏng vấn.

"Mới đây tôi nhận được hồ sơ của một ứng viên đến phỏng vấn. Theo CV (hồ sơ cá nhân), ứng viên từng học ở nước ngoài, dự phỏng vấn cho một vị trí cần sự chỉn chu, tỉ mỉ. Thế nhưng tôi khá thất vọng khi nam sinh đến với một bộ đồ xộc xệch, đầu tóc kém gọn gàng", ông Thành cho biết.

Sở dĩ đưa ra câu chuyện trên, theo ông Thành, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chưa ý thức rõ tầm quan trọng của vẻ ngoài trong tuyển dụng nên họ chuẩn bị khá sơ sài khi đến phỏng vấn.

Thực tế, nhà tuyển dụng ngầm quan sát ứng viên từng chi tiết nhỏ và cho điểm ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về những điểm yếu của sinh viên mới ra trường khi phỏng vấn xin việc, ông Thành cho hay, điểm yếu chung của các ứng viên trẻ tuổi khi mới ra trường là chưa biết bản thân muốn làm gì.

Thực tế khi phỏng vấn các ứng viên trẻ tuổi mới ra trường đều có điểm yếu chung là nhiều bạn chưa biết bản thân muốn làm gì, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để vạch ra hướng phát triển, nhằm bổ sung các kỹ năng.

Bên cạnh đó, có ứng viên lại tự tin thái quá so với năng lực thực tế. "Điểm chung của Gen Z gần đây hơi bốc đồng, bất cần, không chịu được áp lực, khi khó khăn nhanh chóng bỏ cuộc", ông Thành nhận định.

Bí kíp giúp sinh viên hạ gục nhà tuyển dụng từ cái nhìn đầu tiên - 2

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, Ngân hàng SHB (Ảnh: Bảo Hà).

Theo chuyên gia này, với những người như vậy, rất khó thu hút nhà tuyển dụng. Thay vì khoe khoang, bạn nên tập trung thể hiện ưu điểm của bản thân như năng lực đảm nhận công việc, tính kiên trì, làm việc có mục tiêu…

Tất nhiên mỗi người trong cuộc đời sẽ có những góc cua nhưng chắc chắn ít ra bạn phải có định hướng ban đầu trong công việc.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, Ngân hàng SHB cho biết, trên phương diện nhà tuyển dụng hơn 20 năm qua, bà làm việc với nhiều sinh viên mới ra trường thì thấy, nhiều em mông lung không biết mình cần gì, không biết có điểm mạnh ra sao.

Nhiều bạn loay hoay một thời gian rất lâu vẫn không tỏa sáng. Một số bạn chỉ trong vài ba năm luôn thay đổi lựa chọn. Theo bà, thực tế chúng ta không thể thay đổi mãi được mà phải có định hướng để khẳng định bản thân trong cuộc sống.

Bí kíp hạ gục nhà tuyển dụng

Theo một số chuyên gia, cho dù bạn là ứng viên mới hoặc chưa biết cách để lại ấn tượng cũng không nên quá lo lắng. Chỉ cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, thái độ tốt và một số "bí kíp", sinh viên mới ra trường có thể tạo được thương hiệu cho bản thân, đưa đến nhiều cơ hội tuyển dụng.

Theo bà Hiền, có 5 bí kíp giúp sinh viên chinh phục nhà tuyển dụng: Thứ nhất, ngay buổi phỏng vấn đầu tiên bạn nên mặc trang phục chỉn chu, chuyên nghiệp; biết lắng nghe, ghi nhớ các thông tin từ nhà tuyển dụng; chỉ nói khi cần thiết và nói vừa đủ; phong thái điềm tĩnh, tự tin, lạc quan; điều khiển thái độ ứng xử trong quá trình phỏng vấn, không nên "khoe" bản thân quá nhiều.

Bí kíp giúp sinh viên hạ gục nhà tuyển dụng từ cái nhìn đầu tiên - 3

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc tuyển dụng tập đoàn Sungroup (Ảnh: Bảo Hà).

Còn theo ông nguyễn Tiến Thành, để "hạ gục" nhà tuyển dụng, ứng viên cần căn cứ vào tính chất cụ thể của buổi phỏng vấn để có cách thức phù hợp và chuẩn bị kỹ trước, trong, sau phỏng vấn.

Trước khi đến phỏng vấn, ứng viên cần tìm hiểu về doanh nghiệp và cả người sẽ phỏng vấn mình. Các thông tin này, ứng viên có thể tìm được qua facebook cá nhân hoặc trên trang web của doanh nghiệp.

Khi đến phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu về văn hóa, đồng phục (nếu có) và phong cách ăn mặc phù hợp với đặc tính công việc. Chính điều này giúp bạn tự chọn trang phục, phụ kiện, kiểu tóc… phù hợp và làm cho mình trở nên chỉn chu nhất.

Bên cạnh đó quan trọng không kém là phong thái tự tin bình tĩnh. Tất cả yếu tố này giúp bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp của một ứng viên tiềm năng.

Khi đến phỏng vấn, ứng viên nên mang theo CV và giấy tờ cần thiết, mang theo cuốn sổ tay cùng với tinh thần thoải mái, tự tin. Ứng viên nên đến đúng giờ, tốt nhất nên đến trước 10-15 phút, chỉnh đốn lại trang phục.

"Một số ứng viên đến phỏng vấn nhưng không thể hiện được niềm đam mê công việc, điều này cũng khiến chúng tôi đánh trượt các bạn", ông Thành nói.

Đặc biệt một kinh nghiệm mà ông Thành đưa ra, sau buổi phỏng vấn, ứng viên nên có tin nhắn hoặc email cảm ơn nhà tuyển dụng. Nếu được doanh nghiệp giao bài tập, tốt nhất nên hoàn thành trước thời hạn để tạo ấn tượng tốt.

"Hành trình nghề nghiệp và kết nối việc làm" năm 2024 thu hút gần 8.000 sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN với khoảng 60 gian tư vấn, tuyển dụng của 44 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước mang tới hơn 7.000 cơ hội việc làm và thực tập.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường cho biết, sự kiện được tổ chức với mục đích giúp sinh viên định hướng, chuẩn bị những kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động; bắt kịp xu thế việc làm và yêu cầu tuyển dụng nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp.

Đây là dịp để sinh viên mới tốt nghiệp, chuẩn bị tốt nghiệp, sinh viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm tìm kiếm, trao đổi thông tin cần thiết về cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp.