Sinh viên dễ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra nhiều cơ hội, hiện đại ở mọi lĩnh vực nhưng mang đến nhiều thách thức về nghề nghiệp, khiến sinh viên dễ thất nghiệp sau khi ra trường.

Sinh viên dễ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo? - 1

Ngày hội việc làm để sinh viên chuẩn bị kỹ năng cần thiết trước khi tốt nghiệp (Ảnh: Mỹ Hà).

Nhân sự làm công việc lặp đi lặp lại sẽ bị thay thế?

Tại hội thảo "AI - thời thế hay thế thời", do Trường ĐH Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ ngày hội việc làm 2024, ông Lê Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản trị Tài chính và Công nghệ Giáo dục cho rằng, AI đã mở ra nhiều cơ hội, giúp nhiều lĩnh vực hiện đại hơn nhưng một lượng lớn nhân lực sẽ thất nghiệp.

Theo ông Đức, thị trường AI toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Ước tính AI có thể đóng góp đến 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Các ngành ảnh hưởng bởi AI gồm: Dịch vụ khách hàng; truyền thông và sáng tạo nội dung; tài chính và sản xuất.

Sinh viên dễ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo? - 2

TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

"Khoảng 70% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, tăng hiệu quả, giảm chi phí.

Đặc biệt, AI cho phép doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa cao độ cho khách hàng", ông Đức nói.

Ông Đức dự báo, các nhân sự phụ trách những công việc lặp đi lặp lại có khả năng bị thay thế trong tương lai và nhiều người lao động lo lắng AI sẽ thay thế vị trí công việc của họ.

Trước câu hỏi cụ thể của sinh viên Việt Nam về sự thay thế của AI trong vấn đề việc làm, tại một buổi nói chuyện mới đây, GS Sunil Gupta (trưởng nhóm Trí tuệ Nhân tạo, Tối ưu hóa và Khám phá Vật liệu, Viện A2I2, ĐH Deakin) cho rằng, AI giúp cuộc sống của con người thuận lợi, nâng cấp cuộc sống lên chuẩn cao hơn thông qua việc bớt đi những thao tác thủ công.

Một lượng lớn công việc đã và sẽ tiếp tục bị thay thế vì AI nhưng đi cùng đó cũng sẽ có một lượng lớn công việc tương ứng sẽ ra đời đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân sự thật sự giỏi để thực hiện.

Sinh viên dễ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo? - 3

Thanh Thảo (trái) phải làm thêm nhiều việc bên ngoài để tích lũy kinh nghiệm (Ảnh: Mỹ Hà).

Không ngồi im chờ đợi

Tuy nhiên theo GS Sunil Gupta, AI chỉ sàng lọc chứ không phải đuổi việc, lấy mất việc của con người. AI sẽ đe dọa công việc của những ai không tự nâng cấp bản thân chứ AI không thể khiến con người thất nghiệp hay mất việc.  

Cũng với góc nhìn này, ông Lê Minh Đức khẳng định, nguồn nhân lực không thể ngồi im chờ đợi mà phải lựa chọn các ngành học để điều khiển AI nhằm phù hợp với thời thế.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một số sinh viên cho biết, trong thời đại 4.0, khi sự thay thế của AI đang ngày càng cao, các em phải năng động và tự học hỏi bên ngoài để tìm kiếm thêm kỹ năng, sao cho phù hợp thực tế. 

Một sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh (thuộc ĐH Hà Nội) cho biết, ngay từ những năm đầu đại học, em đã tích cực tham gia các câu lạc bộ để có thêm kỹ năng mềm làm việc nhóm. Em cũng cố gắng dạy thêm bên ngoài để tích lũy thêm kinh nghiệm.

"Ở trường, thầy cô cung cấp nhiều cơ hội kỹ năng mềm và cơ hội thực hành nhưng chúng em cần lăn lộn ở bên ngoài để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc", nữ sinh nói.

Sinh viên dễ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo? - 4

Sinh viên ĐH Hà Nội tìm hiểu cơ hội việc làm (Ảnh: Mỹ Hà).

Đoàn Thanh Thảo, sinh viên năm 4, ngành truyền thông doanh nghiệp của ĐH Hà Nội cho hay, việc học ở trường chủ yếu cung cấp kiến thức nền tảng nhưng để có thêm nhiều kinh nghiệm đối đầu trong thời đại 4.0, cách tốt nhất chúng em phải sớm tiếp xúc với thị trường qua các doanh nghiệp", Thảo nói.

Cũng theo Thanh Thảo, từ năm nhất, năm hai, em đã phải đi làm thêm nhưng chủ yếu là công việc tay chân, bưng bê ở các quán cà phê, để có thêm thu nhập.

Sang năm 3-4, em dành nhiều thời gian để đi làm bên ngoài liên quan đến công việc chuyên ngành, có thể thu nhập không cao như trước nhưng công việc đó giúp em có nhiều kinh nghiệm làm việc sau này.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, để phù hợp với xu thế, giúp sinh viên không lạc hậu, hiện một số doanh nghiệp cùng bắt tay với nhà trường để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

Trung bình 2 năm, nhà trường chỉnh sửa chương trình đào tạo để phù hợp với thời đại, gia tăng hoạt động thực tập thực tế cho sinh viên theo định hướng nghề nghiệp.

"Mỗi lần ra chương trình mới, chúng tôi đều tham khảo ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh phù hợp thực tế", TS Dũng nói.