Bế mạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới: Cơ hội nào cho thí sinh Việt Nam?
(Dân trí) - Rạng sáng 16/9 (giờ Việt Nam), kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 sẽ bế mạc cùng với chủ nhân những tấm huy chương được xướng lên. Vậy khả năng giành huy chương của đoàn Việt Nam sẽ ra sao?
Cạnh tranh khốc liệt
Theo thông tin từ Ban tổ chức, kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 (WSC Lyon 2024), trong số 59 nghề thi đấu chính thức (không tính 3 nghề biểu diễn) thuộc 6 nhóm nghề thi khác nhau, số thí sinh tham dự lên tới hơn 1.400 em.
Đoàn Việt Nam thi đấu ở 9 nghề, bao gồm Phạm Thành Đạt (phay CNC), Cù Đức Hiếu (tiện CNC), Nguyễn Khoa Hải Minh (thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD), Hồ Chí Nguyên (quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin), Nguyễn Minh Dũng (sơn ô tô), Bùi Quốc Định - Lê Nhật Duy (cơ điện tử), Nguyễn Bách - Lê Văn Thịnh (công nghiệp 4.0), Châu Huỳnh Minh - Trần Khánh Duy (robot di động) và Lê Duy Linh (lắp cáp mạng thông tin).
Nếu xét theo mức độ cạnh tranh ở 9 nghề thi có thí sinh Việt Nam tham dự, nghề thi cơ điện tử có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất với 36 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, tiếp theo là thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD (31), phay CNC (26), tiện CNC, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin (25).
Bên cạnh đó, mức độ tranh chấp huy chương cũng vất vả không kém đối với nghề sơn ô tô (23 nước, vùng lãnh thổ tham gia tranh tài), robot di động (22), công nghệ công nghiệp 4.0 (21). Nghề thi lắp cáp mạng thông tin ít cạnh tranh nhất cũng có tới 17 đoàn thi đấu.
Theo các chuyên gia đánh giá, không chỉ đông đảo về số lượng đối thủ cạnh tranh, 9 nghề mà đoàn Việt Nam dự thi đều có sự góp mặt của những đoàn rất mạnh luôn thuộc top đầu các kỳ thi kỹ năng nghề từ trước tới nay như Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Brazil... do vậy mức độ tranh chấp huy chương của các tuyển thủ Việt Nam trở nên khó khăn gấp bội.
Nỗi lo thường trực mang tên "lỗi kỹ thuật"
Bên cạnh nỗ lực khắc phục về chênh lệch múi giờ (một nửa số bài thi của đoàn Việt Nam thực hiện trong khung giờ tối và đêm theo giờ Việt Nam), thể lực đảm bảo duy trì thời gian làm bài thi trong 4 ngày liền, khác biệt về đồ ăn (đoàn Việt Nam đã phải yêu cầu Ban tổ chức bổ sung thêm cơm vào thực đơn hàng ngày), một trong những nỗi lo lớn nhất của đoàn Việt Nam cũng như nhiều đoàn là "lỗi kỹ thuật".
Ở nghề lắp cáp mạng thông tin, thí sinh Lê Duy Linh ở module đầu do vấn đề này nên được giám khảo bù giờ 15 phút. Đến bài thi cuối tốc độ nhanh (speed test), máy của thí sinh này cũng "dở chứng" buộc giám khảo, chuyên gia máy phải vào cuộc, hội ý.
Ở nghề phay CNC, thiết bị tiền tỷ của ban tổ chức cũng gặp vấn đề khiến thí sinh Phạm Thành Đạt cũng phải tạm dừng làm bài thi, báo lỗi kỹ thuật và được bù giờ 45 phút vì chuyên gia phải dừng máy kiểm tra lại hệ thống. Ở các nghề khác, một số lỗi kỹ thuật nhỏ cũng xảy ra.
Theo một chuyên gia cho biết, ở bất kỳ một cuộc thi kỹ năng nghề nào, yếu tố lỗi kỹ thuật đều có thể xảy đến cho dù trước đó chạy thử, máy hoạt động trơn tru do thiết bị và công nghệ mang đến kỳ thi là mới và hiện đại bậc nhất trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên ở một sân chơi lớn như kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, khi máy bị lỗi kỹ thuật, cho dù được bù giờ, các thí sinh đều bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn bởi đề thi rất dài và có độ khó, độ phức tạp cao.
Nếu thí sinh không đủ độ lỳ, các thao tác trở nên gấp gáp, vội vàng rất dễ kéo tới những sai sót tiếp theo, dẫn đến mức độ hoàn thiện sản phẩm không cao, kết quả làm bài không được như ý.
Nền tảng đầu tư, song hành nhà trường với doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Dân trí tại WSC Lyon 2024, chuyên gia Thụy Điển của nghề sơn ô tô cho biết nữ thí sinh Gustav Weber của nước này theo học nghề sơn từ năm 15 tuổi và được hưởng phụ cấp của nhà nước từ đó đến nay.
Trong suốt thời gian học và chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề lớn nhất hành tinh, Gustav Weber được đào tạo bài bản, chuẩn bị công phu, thử sức ở nhiều cuộc thi nghề ở các cấp độ khác nhau (trong nước, châu Âu và bây giờ là thế giới), luôn có sự hỗ trợ của chuyên gia, máy móc hiện đại của nhà xưởng, đơn vị tài trợ.
Nhờ sự kết nối, đầu tư của đơn vị tài trợ, em được cập nhật những yêu cầu kỹ năng, công nghệ mới nhất liên quan tới ngành của mình và được cọ xát liên tục thông qua các cuộc thi. Khi bước vào WSC Lyon 2024, em cũng có đội ngũ chuyên gia, quan sát viên do nhà tài trợ hỗ trợ đi cùng.
Câu chuyện về việc song hành với doanh nghiệp cũng là hướng đi hiệu quả được nhiều nước dự thi áp dụng. Sự phối hợp hai bên ở từng nội dung thi giúp các đoàn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển có được sự chuẩn bị rất kỹ càng và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ năng nghề của kỳ thi, của ngành công nghiệp cũng như có sự tập trung, tâm lý ổn định khi vào thi đấu.
Trong số các nghề thi mà Việt Nam tham gia, sự phối hợp mạnh mẽ, đầu tư trọng điểm của các doanh nghiệp hiện mới ở nghề thi tiện CNC, phay CNC (do DENSO tài trợ), thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD và quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin (do Samsung tài trợ).
Nhờ có sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực và tài chính không hề nhỏ này, các thí sinh những nghề trên có nhiều cơ hội được ra nước ngoài tập luyện, làm quen với thiết bị, công nghệ mới như thí sinh thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD được sang Hàn Quốc huấn luyện, đào tạo chung với thí sinh nước này trong thời gian 2 năm qua.
Hay thí sinh nghề tiện CNC, phay CNC thường xuyên được làm việc với chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế trong xử lý các đề bài phức tạp, mô phỏng theo đề thi cũng như được tiếp xúc với máy móc giống như khi thi thật khi có cơ hội cọ xát, làm quen máy công nghệ mới tại Hàn Quốc, Áo…
Đánh giá về cơ hội, nỗ lực của đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề kiêm Phó trưởng đoàn Việt Nam tại WSC Lyon 2024, cho biết: "Đoàn Việt Nam năm nay gồm 12 thí sinh tham dự ở 9 nghề với mục tiêu nỗ lực cao nhất đạt huy chương, đồng thời để cọ xát, học hỏi tại sân chơi kỹ năng lớn nhất hành tinh này.
Thông qua đó, chúng tôi đánh giá, nhìn lại về khả năng thích nghi, thích ứng trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và phát triển kỹ năng nghề trước sự tiến bộ, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ thời kỳ mới, từ đó, đóng góp tích cực cho đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động".
"Tôi tin rằng các quốc gia khác cũng cùng mục tiêu như vậy khi tham dự tại kỳ thi này, nên việc cạnh tranh khốc liệt là dễ hiểu và những thách thức kỹ thuật gặp phải trong việc trình diễn kỹ năng của thí sinh trước các máy, thiết bị mới, hiện đại là khó tránh khỏi, nhất là có những máy, thiết bị hiện chưa có ở Việt Nam.
Trước những khó khăn, thách thức này, Tổng cục GDNN đã phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp hàng đầu, các cơ sở đào tạo uy tín trong gần 2 năm qua để chuẩn bị tham dự tại kỳ thi này.
Hiện các thí sinh đã hoàn tất phần thi của mình, chúng ta cùng đợi kết quả khi Ban tổ chức công bố rạng sáng 16/9 theo giờ Việt Nam", Phó trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ.