Bé gái Trung Quốc nghi bị bạn học dùng dùi khâu đâm vào chân cả trăm nhát

Bích Ngọc

(Dân trí) - Dư luận Trung Quốc tranh cãi trước vụ việc bé gái nghi bị bạn học dùng dùi khâu đâm vào chân hàng trăm nhát, nhưng hoạt động điều tra không tìm ra bằng chứng để kết luận đây là bắt nạt học đường.

Dư luận Trung Quốc đang xôn xao trước vụ việc một bé gái học tiểu học tại một trường nội trú ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nghi là nạn nhân của bắt nạt học đường. Dù vậy, hoạt động điều tra ban đầu không thể tìm ra bằng chứng đủ thuyết phục để kết luận về vụ việc.

Cha mẹ của bé gái cho biết lớp học của con mới có một học sinh nam chuyển tới và được xếp ngồi cạnh con gái của họ. Nam học sinh này ngày ngày mang tới lớp một chiếc dùi khâu để đâm vào chân bạn nữ ngồi cạnh.

Bé gái Trung Quốc nghi bị bạn học dùng dùi khâu đâm vào chân cả trăm nhát - 1

Một bé gái tiểu học ở tỉnh Sơn Đông tố cáo việc bị bạn nam ngồi cạnh dùng dùi khâu đâm vào chân hàng trăm nhát (Ảnh minh họa: SCMP).

Trong thời gian 3 tháng, bé gái ước tính đã phải chịu hơn 200 nhát dùi khâu đâm vào chân. Những vết đâm của dùi khâu có để lại dấu tích trên chân cô bé. Ngoài ra, nam học sinh còn dùng kéo cắt giấy đâm vào bạn học, thậm chí tát bạn, bắt bạn phải ăn giấy, nhai ngòi bút chì...

Cô bé dần dần bị cô lập trong lớp học, do các bạn học đều cảm thấy sợ hãi và muốn né tránh. Nam học sinh còn dọa dẫm và yêu cầu bé gái phải đưa tất cả tiền tiêu vặt cho mình.

Thoạt tiên, cô bé cố gắng giấu gia đình bởi cha mẹ cô bé luôn rất bận rộn, thường xuyên vắng mặt ở nhà. Cô bé đã tới gặp giáo viên để kể về vấn đề gặp phải, nhưng giáo viên không thể giải quyết dứt điểm sự việc.

Sau cùng, không thể chịu đựng được nữa, cô bé đã kể mọi chuyện cho cha mẹ về những gì mình đang gặp phải ở trường nội trú. Cha mẹ cô bé đã tới trường yêu cầu nhà trường xử lý dứt điểm vụ việc và nghiêm khắc trừng phạt nam học sinh gây ra bạo lực học đường.

Cha mẹ cô bé đưa ra bằng chứng là những vết tích để lại trên chân con gái, cũng như trên đồng phục của cô bé, khi bề mặt vải có quá nhiều dấu vết nhát đâm của chiếc dùi khâu.

Dù vậy, sau quá trình điều tra không tìm ra bằng chứng thuyết phục, nhà trường quyết định tiến hành bỏ phiếu với tổng cộng 14 phiếu phát ra, để quyết định xem vụ việc này có thể bị xem là bạo lực học đường hay không.

Những người tham gia bỏ phiếu bao gồm ban giám hiệu, một số giáo viên, luật sư, cảnh sát địa phương... Trong số 14 phiếu phát ra, có 8 phiếu thu về cho rằng đây không phải một vụ bạo lực học đường. Cha mẹ của bé gái không chấp nhận kết quả điều tra này và tiếp tục đưa vụ việc lên cấp cao hơn.

Bé gái Trung Quốc nghi bị bạn học dùng dùi khâu đâm vào chân cả trăm nhát - 2

Dấu vết để lại trên chân cô bé (Ảnh: SCMP).

Dù vậy, nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục tại tỉnh Sơn Đông cũng thừa nhận rằng đây là một sự vụ khó giải quyết, bởi những hành vi của nam học sinh (nếu có) đã không để lại bằng chứng rõ ràng tại thời điểm điều tra, khiến các bên liên quan loay hoay trong việc đưa ra kết luận.

Trước mắt, nhà trường đã quyết định chuyển lớp cho nam học sinh trong lúc một cuộc điều tra mới sắp được tiến hành. Cuộc điều tra này sẽ do đơn vị chức năng của ngành giáo dục tỉnh Sơn Đông trực tiếp thực hiện.

Sự việc đang khiến dư luận Trung Quốc rất quan tâm. Nhiều phụ huynh cho biết họ cảm thấy sợ hãi trước vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Những chiêu thức bắt nạt ngày càng tinh vi, khó lường, gây ám ảnh nặng nề đối với tâm lý học sinh bị bắt nạt.

Vì các chiêu thức bắt nạt có thể không để lại dấu vết rõ ràng ở thể chất, nên chính cha mẹ của nạn nhân có thể không kịp thời nhận ra những vấn đề nghiêm trọng mà con mình đang gặp phải.

Luật sư Vương Quỳnh Hoa của công ty luật Tri Hằng (Quảng Đông) cho biết, theo quy định của nhà chức trách Trung Quốc về bảo vệ trẻ vị thành niên trong không gian trường học, bắt nạt học đường bao gồm những hành vi cố ý gây thương tích về thể chất và gây tổn hại về vật chất.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, học sinh gây ra bạo lực học đường có thể bị nhìn nhận ở góc độ tội phạm, nhưng do chưa đủ tuổi trưởng thành, nên sẽ có cách xử lý đặc biệt.

Học sinh bị kết luận là gây ra bạo lực học đường dù không phải chịu hình phạt trước pháp luật, nhưng sẽ bị buộc phải chuyển vào các cơ sở giáo dưỡng để học tập, sinh hoạt.

Theo SCMP