1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bé gái "tranh chấp" đã được đến trường, mẹ nghẹn khóc trong lễ khai giảng

Hoài Nam

(Dân trí) - "Ngồi dự khai giảng mà mẹ khóc. Ngày hôm nay con được dự khai giảng, với mẹ là một nhiệm màu!", chị M. - mẹ của cháu bé không được đi học vì bố mẹ tranh chấp - chia sẻ trong ngày con trở lại trường.

Chị N.T.M. - người mẹ ròng rã đi tìm chỗ học cho con trong bài báo "Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học" - nghẹn khóc trong khi dự lễ khai giảng cùng con gái sáng 5/9. 

Con gái chị, cháu N.N.N. sau một năm phải ngưng học vì bố mẹ tranh chấp, hôm nay đã chính thức nhập học tại một trường THCS ở quận 7, TPHCM.

Bé gái tranh chấp đã được đến trường, mẹ nghẹn khóc trong lễ khai giảng - 1

Cháu N.N.N. đã trở lại trường học sau một năm ngừng học vì bố mẹ tranh chấp (Ảnh: M.N).

Giọt nước mắt lúc này của chị M. là giọt nước mắt của sự an ủi, hạnh phúc. Trước đó, trong nỗi tuyệt vọng, chị đã từng uất ức tự hỏi: "Sao ông trời lại bất công với con như vậy? Chả nhẽ tất cả nhìn một đứa trẻ không thể đến trường?". 

Chỉ mới vài tuần, chị M. vừa đi làm vừa khóc, nước mắt nhòe ướt đẫm khẩu trang trong nỗi bế tắc không biết con gái mình sẽ thất học tới khi nào.  

Thời gian qua, chị đã gửi đơn cầu cứu đến trường học cũ của con, đến nhiều cơ quan quản lý nhưng mọi thứ trôi trong vô vọng. 

Khi một năm học nữa đang đến gần, vào giữa tháng 8/2024, chị tìm đến trụ sở của Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Chính nơi đây, chị nhận được sự giúp đỡ chân tình của các luật sư, rồi làm đơn gửi đến 8 cơ quan ban ngành giúp con được đi học.

Bé gái tranh chấp đã được đến trường, mẹ nghẹn khóc trong lễ khai giảng - 2

Đơn cầu cứu của bé N.N.N. về việc "xin được đi học" (Ảnh: M.N).

Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khu vực phía Nam cũng vào cuộc ngay và làm công văn đề nghị các bên liên quan hỗ trợ cháu N. Công văn được gửi nhưng vẫn chưa có phản hồi tích cực. 

Chị N.T.M. tìm đến báo Dân trí, câu chuyện khó tin về bé gái không được đi học vì bố mẹ tranh chấp được chia sẻ. Với chị M., chính bài báo đã khiến phép màu hiện ra. 

Ngay sau bài báo, ngày 30/8, Trường THCS Cầu Giấy đã sao y học bạ của bé N.N.N từ kết quả học tập gốc, có chứng thực gửi cho chị N.T.M.

Tiếp đó, chị M. cho biết xuyên cả những ngày lễ là các cuộc họp khẩn, những cuộc điện thoại hỏi thăm và thể hiện ý chí "giúp cháu đi học" từ các cơ quan quản lý.

"Suốt từ tháng 11/2023 tới nay, với tôi là những đau khổ, bế tắc nhưng cũng là 9 tháng với biết bao nhiêu sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, báo chí, các cơ quan quản lý, hội bảo vệ trẻ em, hội phụ nữ...  Tất cả sự hỗ trợ này không thể nào nói hết trong hai từ "cảm ơn", chị N.T.M. trải lòng. 

Ông Đặng Hữu Thịnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận 7, TPHCM - cho biết ngay khi nắm thông tin về trường hợp của cháu N.N.N., ngay trong ngày 4/9, Phòng GD&ĐT quận 7 đã bố trí trường THCS để cháu N. kịp đón khai giảng năm học mới.

Như Dân trí đã đưa tin, chị N.T.M. phản ánh trường hợp con mình là N.N.N. (ngụ quận 7, TPHCM) một năm nay không được đi học liên quan đến tranh chấp giành nuôi con của chị và chồng cũ.

Khi ly hôn năm 2017, để tránh tranh chấp đôi bên, chị M. chấp thuận theo quyết định của tòa giao bố nuôi hai con gái sinh năm 2010 và 2012. Mỗi tháng chị M. có trách nhiệm chu cấp nuôi con và không ai được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

Đến tháng 11/2023, cháu N. khi đang là học sinh lớp 6, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội đã "tháo chạy" khỏi bố để vào sống cùng mẹ ở TPHCM.

Tuy nhiên, từ đó đến nay cháu đã không được đi học do Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - theo yêu cầu của bố cháu bé - đã không trả hồ sơ hay xác nhận để giải quyết chỗ học cho bé.

Suốt thời gian này, chị N.T.M,. vừa khởi kiện ra tòa giành lại quyền nuôi con vừa gửi đơn cầu cứu khắp nơi để con được đi học nhưng chưa được giải quyết.

Bé gái tranh chấp đã được đến trường, mẹ nghẹn khóc trong lễ khai giảng - 3

Người mẹ với hành trình dài đấu tranh cho quyền được đi học của con nhỏ (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, cho hay ngay sau khi nắm được thông tin, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM đã trao đổi trực tiếp với Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội, đề nghị có sự hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu học tập chính đáng của trẻ trong năm học mới.

Ông Bình cũng thông tin, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Cầu Giấy, làm việc với Ban giám hiệu Trường THCS Cầu Giấy để cung cấp học bạ bản sao của cháu N. có chứng thực gửi cho mẹ bé, nhằm đáp ứng quyền lợi học tập chính đáng của trẻ.

Ngay khi có bản phô tô học bạ, chứng thực của nhà trường, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM đã đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM xử lý gấp trường hợp của em N.N.N., làm việc với Phòng GD&ĐT quận 7, tạo mọi điều kiện học tập cho em vào lớp 6 kịp năm học mới.

Trong trường hợp này, ông Bình cho hay cần có sự thống nhất từ phía ngành GD&ĐT TPHCM cũng như Hà Nội, trong việc chấp nhận kết quả học tập của bé N.N ngay cả khi học bạ chỉ là bản sao y chứng thực.

Bởi đây là quyền lợi chính đáng của trẻ, không thể vì sự tranh chấp của người lớn mà trẻ không được đến trường.