Bé gái lớp 1 "mang nước tiểu về nhà", mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng

Hoài Nam

(Dân trí) - Mỗi lần đi học về là cô con gái lớp 1 của chị Luyến tái mét mặt mày, ném cặp sách rồi túm quần lao ngay vào nhà vệ sinh...

Trước đây, con gái chị Luyến, nhà ở Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM học lớp 1 tại một trường công lập gần nhà. Ngôi trường này được xem là trường điểm của khu vực. 

Sau 2 tháng con vào học, chị mới phát hiện một sự việc khó tin liên quan đến nhà vệ sinh trường học. Lâu nay, ngày ở trường hơn 8 tiếng đồng hồ, con gái chị nhịn đi vệ sinh hoàn toàn. 

Bé gái lớp 1 mang nước tiểu về nhà, mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng - 1

Nhiều nhà vệ sinh trường học quá tải, mất vệ sinh, gây ám ảnh cho học trò (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Hàng ngày, chị Luyến nhờ em gái đón con nên đã không kịp thời phát hiện vấn đề của cháu. Đợt đó, em gái đi công tác, chị thu xếp đi đón con mới nhận thấy con thường tái mét mặt mày, cuống quýt thúc giục khi bước ra khỏi trường.

Vừa về đến nhà là cháu ném cặp sách, túm quần rồi lao ngay vào nhà vệ sinh. Có hôm, con bé còn tè luôn ra giữa nhà tắm, không kịp ngồi bồn cầu... 

Chị Luyến hỏi han, mới biết từ đầu năm học đến nay, sau một hai lần đi vệ sinh ở trường học, con gái chị đã chọn cách... nhịn. Cứ bước vào nhà vệ sinh là cháu buồn ói. Mẹ hỏi mãi, cô bé mới thổ lộ, không chỉ con mà một số bạn khác cũng "đem nước tiểu về nhà" như vậy. 

Chị Luyến đến trường quan sát mới hiểu ra phần nào sự chịu đựng của con.  Nền nhà vệ sinh thường trong tình trạng ướt nhẹp, hôi hám, mùi khai nồng nặc, đặc biệt là lúc cao điểm.

Theo chị Luyến, vấn đề nằm ở chỗ là số học sinh quá đông, số lượng nhà vệ sinh ở trường học ít, không đáp ứng nổi nhu cầu. Các cô lao công lau dọn liên tục vẫn không xuể, nhất là vào lúc tập trung đông học sinh cùng giải quyết nhu cầu. 

Biết tình trạng không thể khắc phục được ngay, chị Luyến chọn cách hàng ngày đón con về nhà vào buổi trưa để con ăn uống, nghỉ ngơi, đi vệ sinh. 

Người mẹ cho biết, lớp con chị là lớp bán trú, nếu chị rút dịch vụ bán trú thì cô bé sẽ phải chuyển lớp. Vậy nên chị vẫn đóng tiền bán trú cho con, hơn một triệu đồng mỗi tháng nhưng cháu không ăn uống tại trường.

Chưa kể, để có người đón đưa con vào mỗi buổi trưa, lo cho con việc ăn uống, đi vệ sinh, chị phải thuê người với chi phí 3 triệu đồng. Tính ra, vì con nhịn tiểu ở trường, chị Luyến mất thêm khoản chi phí hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. 

Bé gái lớp 1 mang nước tiểu về nhà, mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng - 2

Nhiều học trò nhịn tiểu vì ám ảnh nhà vệ sinh trường học (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

"Bù lại, con tôi không còn phải nhịn tiểu nên thoải mái hơn về mặt tâm lý, cũng đỡ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngày này qua ngày khác mà phải chịu đựng nhà vệ sinh hôi hám hoặc nhịn tiểu thì quá nguy hại", chị Luyến bày tỏ. 

Khi con lên lớp 2, chị Luyến quyết định chuyển con sang trường tư thục với mức học phí hơn 100 triệu đồng/năm mà với chị, lý do lớn nhất là để... giải quyết khâu vệ sinh hàng ngày cho con. 

Học sinh không muốn đi học vì nhà vệ sinh 

Trước đây, tại TPHCM, Trường THCS Colette, quận 3 từng gây xôn xao, tranh cãi với ý tưởng xây hệ thống nhà vệ sinh thông minh với số tiền đầu tư 2 tỷ đồng. Ý tưởng này được đưa ra trước tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, quá tải gây khổ sở cho học sinh, nhiều em phải bịt mũi, cố nín thở khi vào giải quyết nhu cầu. 

Bé gái lớp 1 mang nước tiểu về nhà, mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng - 3

Nhà vệ sinh ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng học tập của học sinh (Ảnh: Hoài Nam).

Thời điểm đó, theo lãnh đạo nhà trường, nhà vệ sinh tác động rất lớn đến tâm lý của người học, người dạy. Họ không xem đây là "chuyện nhỏ" trong giáo dục mà là vấn đề cần được ưu tiên. 

Tuy nhiên, ý tưởng xây hệ thống nhà vệ sinh thông minh đó đã bị bác bỏ vì phần lớn ý kiến cho rằng không cần thiết. 

Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ, chưa nói đến cách thực hiện, bản thân ông rất ủng hộ ý tưởng xây dựng hệ thống nhà vệ sinh trường học.

Điều này cho thấy người lãnh đạo trường học có tư duy, hiểu đúng tầm quan trọng của nhà vệ sinh liên quan đến chất lượng cuộc sống, học tập. Vấn đề này lâu nay vẫn thường bị nhiều người, nhiều nhà quản lý xem nhẹ. 

Khảo sát gần nhất của SaigonChildren's Charity (tổ chức xóa bỏ rào cản đến với giáo dục cho trẻ em thiệt thòi) về những thách thức mang yếu tố giới đối với trẻ em gái trong giáo dục cho thấy, chỉ có 23% học sinh nữ cảm thấy nhà vệ sinh của trường đủ thoải mái, trong khi 46% cho biết cảm thấy không an toàn khi sử dụng.

Bé gái lớp 1 mang nước tiểu về nhà, mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng - 4

Nhà vệ sinh thiếu vệ sinh ảnh hưởng nặng nề đến các bé gái (Ảnh: SaigonChildren's Charity).

Trong phần phỏng vấn sâu, một số học sinh nữ bậc THPT cho biết các em không muốn dùng nhà vệ sinh của trường để thay đồ kinh nguyệt, có em khẳng định chưa bao giờ đi vệ sinh ở trường. 

Khảo sát này cũng chỉ ra, 33% học sinh nữ phản ánh sự thiếu sạch sẽ, thiếu sự thoải mái và riêng tư của nhà vệ sinh trường học khiến các em không muốn đến trường.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, khả năng tiếp cận nhà vệ sinh sạch sẽ và riêng tư có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em gái trong kỳ kinh nguyệt. Những học sinh nữ được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, riêng tư và được tiếp cận với các sản phẩm kinh nguyệt sạch, có tỷ lệ chuyên cần cao hơn và kết quả học tập tốt hơn.

Bé gái lớp 1 mang nước tiểu về nhà, mẹ đành mất hơn 4 triệu đồng/tháng - 5

Tỷ lệ nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn theo vùng (Ảnh chụp từ báo cáo của Bộ GD&ĐT).